Doanh nghiệp cán đích lợi nhuận sớm nhưng chưa mừng
Dù cán đích lợi nhuận sớm, phần lớn cổ phiếu ngành cao su, thủy sản, mía đường vẫn nằm trong xu hướng giảm giá.
Thủy sản là ngành có doanh nghiệp công bố lợi nhuận vượt kế hoạch năm 2011 sớm nhất.
Từ đầu năm đến nay, khá nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh và buộc phải điều chỉnh giảm kế hoạch lợi nhuận. Chẳng hạn, Công ty Cơ điện và Xây dựng Việt Nam (MCG) giảm 44% kế hoạch lợi nhuận sau thuế, Tổng Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIG) giảm 36%. Tuy nhiên, không ít doanh nghiệp ngành cao su, thủy sản, mía đường lại hoàn thành sớm hoặc vượt kế hoạch cả năm trong 9 tháng.
Về đích sớm
Thủy sản là ngành có doanh nghiệp công bố lợi nhuận vượt kế hoạch năm 2011 sớm nhất, chỉ trong 6 tháng đầu năm. Mở màn là Công ty Thủy sản Gò Đàng (AGD) với lợi nhuận sau thuế 6 tháng đạt 73,5 tỉ đồng, bằng 163% kế hoạch lợi nhuận năm. Công ty Xuất nhập khẩu Thủy sản An Giang (AGF) cũng nối gót cán đích kế hoạch lợi nhuận năm trong 9 tháng, với 80 tỉ đồng lợi nhuận trước thuế.
Theo bà Nguyễn Huỳnh Bích Ngọc, chuyên viên nghiên cứu nhóm ngành thủy sản, Công ty Chứng khoán Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (SBS), sản lượng thủy sản và giá xuất khẩu tăng cao đã hỗ trợ nhiều cho doanh nghiệp ngành này. Giá cá tra có lúc lên tới 29.000 đồng/kg, so với mức thấp điểm là 24.000 đồng/kg. Nhu cầu nhập khẩu sản phẩm thủy sản từ các thị trường truyền thống Mỹ, Nhật… từ đầu năm đến nay cũng tăng.
Đối với nhóm doanh nghiệp cao su, giá mủ tăng là yếu tố giúp doanh nghiệp ngành này về đích sớm. Theo Trung tâm Tin học và Thống kê, thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, giá mủ cao su tháng 8.2011 đã tăng hơn 2 triệu đồng/tấn so với tháng trước đó. Giá cao su xuất khẩu trong 7 tháng đầu năm 2011 cũng tăng mạnh trên 58%, đạt hơn 4.300 USD/tấn. Nhờ đó, các doanh nghiệp cao su cũng đạt được mức lợi nhuận ấn tượng khi quý III/2011 vừa kết thúc. Trong 9 tháng đầu năm, đa phần doanh nghiệp cao su đã vượt kế hoạch lợi nhuận năm như Cao su Tây Ninh (TRC) vượt 18% kế hoạch, Cao su Đồng Phú (DPR) vượt 2%.
Cũng nhờ giá tăng, các doanh nghiệp mía đường đã yên tâm với kế hoạch lợi nhuận năm nay. Giá đường trong nước đã giảm 15% từ tháng 11.2010 đến tháng 5.2011. Tuy nhiên, từ tháng 6, giá đường đã tăng lên mức đỉnh cũ 19.000 đồng/kg. Nhờ đó, chỉ riêng lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm của Đường Kontum (KTS) đã đạt 50,7 tỉ đồng, gấp 4 lần cùng kỳ năm trước, vượt 50% kế hoạch cả năm.
Khó giữ lợi thế
Mặc dù các doanh nghiệp trên đã đạt kết quả kinh doanh ấn tượng, nhưng theo ông Phạm Thứ Triệu, Giám đốc Khối Tư vấn Doanh nghiệp, Công ty Chứng khoán Thăng Long (TLS), đây không phải là yếu tố bất ngờ.
Đối với ngành cao su, chính sách giá bán mủ của các doanh nghiệp ngành này được Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam xây dựng dựa trên nguyên tắc thận trọng. Theo đó, “giá này chỉ bằng 70-80% giá bán thực tế trên thị trường”, ông Triệu nói. Bên cạnh đó, theo chu kỳ, giá mủ thường đạt mức cao vào đầu quý I và quý IV hằng năm, doanh nghiệp thường tích trữ hàng tồn kho đợi lúc giá đạt đỉnh mới bán ra. Vì vậy, việc doanh nghiệp ngành cao su vượt kế hoạch vào quý III là điều có thể đoán trước được.
Trong dài hạn, các doanh nghiệp ngành này sẽ có thể gặp khó khăn về nguồn nguyên liệu. Chẳng hạn, cao su nguyên liệu của DPR, TRC… đang già đi và cho ít mủ hơn. Trong khi đó, số cao su trồng mới chưa thể cho thu hoạch trong ngắn hạn. Vì vậy, ông Triệu, TLS, dự báo: “Doanh thu của các doanh nghiệp cao su có thể sụt giảm trong 1-2 năm tới”.
Riêng ngành thủy sản, khó khăn trước mắt nằm ở khâu nguyên liệu. Sang quý IV/2011, khi sản lượng thủy sản từ các vùng nuôi đã được thu hoạch hết, doanh nghiệp bắt buộc phải mua gom từ người dân. Nguyên liệu khan hiếm sẽ đẩy giá nguyên liệu tăng cao, làm gia tăng chi phí và ảnh hưởng đến lợi nhuận cuối năm.
Bà Ngọc, thuộc SBS, còn cho biết thời gian vừa qua, một số doanh nghiệp thủy sản đã cố tình đẩy giá mua nguyên liệu ở một số vùng nuôi nhỏ để có thể nâng giá xuất khẩu. Sắp tới, khi giá nguyên liệu tăng mạnh cùng với sức ép cạnh tranh từ khoảng 600 doanh nghiệp thủy sản xuất khẩu thì sẽ kéo giá xuất khẩu xuống, làm giảm doanh thu so với dự kiến.
Ngoài ra, nếu xét đến yếu tố tăng trưởng lợi nhuận, việc các doanh nghiệp thủy sản, mía đường hoàn thành kế hoạch năm vẫn chưa đáng được chú ý. Ví dụ, lợi nhuận của AGD năm 2010 là 42,5 tỉ đồng trong khi kế hoạch lợi nhuận năm 2011 chỉ 45 tỉ đồng, tức tăng trưởng chưa tới 6%. Kế hoạch lợi nhuận 2011 của KTS cũng chỉ tương đương lợi nhuận ròng đạt được của năm 2010 (33,8 tỉ đồng so với 33,4 tỉ đồng).
Đặc thù về giá nguyên liệu của ngành cao su cũng lặp lại ở ngành mía đường. Quý III thường là thời điểm giá đường đạt đỉnh. Nguyên nhân là nhu cầu đường nguyên liệu tăng mạnh để phục vụ cho sản xuất cuối năm. Theo ông Triệu, các đơn hàng lớn vào quý II và quý III đã đủ giúp doanh nghiệp ngành này hoàn thành kế hoạch cả năm.
Trong dài hạn, khi những chính sách bảo hộ giá nhập khẩu được dỡ bỏ, các doanh nghiệp đường trong nước sẽ gặp nhiều khó khăn. Nhất là sau năm 2012, sự cạnh tranh về giá và chất lượng sản phẩm từ các công ty đường nước ngoài sẽ gay gắt hơn.
Xét về giá cổ phiếu, kỳ vọng về tăng trưởng lợi nhuận quý III hầu như đã được phản ánh vào giá từ những tháng trước đó. Do vậy, khả năng tăng giá cổ phiếu ở các ngành này sẽ không còn nhiều. Chẳng hạn, giá cổ phiếu SBT của Bourbon Tây Ninh vào cuối tháng 7.2011 là 11.300 đồng/cổ phiếu. Do lạc quan với lợi nhuận doanh nghiệp, nhà đầu tư đã 3 lần đẩy giá SBT đạt đỉnh 13.800 đồng/cổ phiếu trong tháng 9. Hiện giá SBT nằm trong xu hướng giảm, chỉ còn xoay quanh mức 12.000 đồng/cổ phiếu.
Ngọc Dương
NHỊP CẦU ĐẦU TƯ



Xem bài viết: Doanh nghiệp cán đích lợi nhuận sớm nhưng chưa mừng