Cổ phiếu “vỏ xe” lăn bánh

Việc Mỹ tăng thuế nhập khẩu vỏ xe hơi và vỏ xe tải hạng nhẹ của Trung Quốc từ 4% lên 35% vào cuối tháng 9 này sẽ ảnh hưởng như thế nào đến các công ty sản xuất vỏ xe Việt Nam?

Liệu hoạt động sản xuất kinh doanh của các đơn vị đang niêm yết trên sàn TPHCM là Công ty cổ phần Cao su Đà Nẵng (HOSE: DRC); Công ty cổ phần Cao su miền Nam (HOSE: CSM) và doanh nghiệp chuẩn bị niêm yết là Công ty cổ phần Cao su Sao Vàng (HOSE: SRC) có bị tác động?

Phải đầu tư ngay và nhanh

“Vỏ xe hơi, xe du lịch của Trung Quốc bị Mỹ đánh thuế cao hơn không thuộc dòng sản phẩm do chúng tôi sản xuất, nên không bị ảnh hưởng. Chúng tôi sản xuất chủ yếu vỏ xe tải nặng. Hơn nữa sản phẩm của Trung Quốc là loại vỏ xe bố kẽm, trong khi DRC sản xuất vỏ xe bố vải”- ông Hà Phước Lộc, Phó tổng giám đốc DRC, cho biết. Ông Lộc nhấn mạnh hiện vỏ xe tải nặng của công ty không đủ đáp ứng nhu cầu trong nước, và kim ngạch xuất khẩu chỉ khoảng 10-12% doanh thu, nhưng chưa xuất vào thị trường Mỹ.

Trong số các công ty công nghiệp cao su, chỉ có CSM sản xuất được một số vỏ xe bố kẽm với công suất nhỏ. Ông Lê Văn Trí, Phó tổng giám đốc CSM, nói nếu muốn xuất khẩu và cạnh tranh với vỏ xe Trung Quốc, thì doanh nghiệp Việt Nam phải đầu tư ngay và đầu tư nhanh. “Chúng tôi cho rằng nếu họ (Trung Quốc) hoặc các công ty có vốn nước ngoài khác ở Trung Quốc chuyển nhà máy sang đầu tư ở Việt Nam để né thuế, thì các công ty Việt Nam phải cạnh tranh trực tiếp với họ” - ông Trí nhận xét.

Ông Nguyễn Văn Tâm, Phó giám đốc DRC, thì dự đoán có thể thay vì xuất qua Mỹ, các nhà sản xuất vỏ xe Trung Quốc sẽ tăng cường xuất khẩu qua Việt Nam và các nước lân cận châu Á.

Như vậy, những doanh nghiệp nội địa sản xuất dòng vỏ xe bố kẽm sẽ bị ảnh hưởng. Chẳng hạn như Công ty Kumho của Hàn Quốc (nhà máy đặt ở Bình Dương) đang sản xuất vỏ xe hơi, xe du lịch có khả năng chịu tác động của sự kiện trên.

Nhìn xa hơn, ông Trí dự báo việc tăng thuế vỏ xe Trung Quốc sẽ làm giảm nhu cầu nhập khẩu cao su thiên nhiên của nước này - nguồn nguyên liệu sản xuất vỏ xe - và qua đó, những công ty vỏ xe nội địa có thể được hưởng lợi do giá nguyên liệu đầu vào giảm.

Tuy nhiên sự giảm giá, nếu có, chỉ là nhất thời, bởi một khi kinh tế thế giới hồi phục, giá dầu tăng lên, thì giá cao su cũng sẽ tăng theo. Do đó quan trọng nhất đối với các doanh nghiệp vỏ xe Việt Nam hiện nay vẫn là nâng cao sức cạnh tranh bằng chính nguồn lực của mình.

Lợi nhuận đột biến

Từ đầu năm đến nay, các doanh nghiệp vỏ xe đã tận dụng khá tốt biến động của giá nguyên liệu quốc tế và sự hỗ trợ của Nhà nước qua gói kích cầu để tạo lợi nhuận ở mức cao. Theo ông Trí, những khó khăn của năm 2008 đã buộc CSM phải tiết giảm tối đa các loại chi phí, nỗ lực quản trị doanh nghiệp tốt hơn.

Tuy nhiên hai yếu tố chính làm tăng lợi nhuận của CSM, DRC và SRC là: thứ nhất giá cao su thiên nhiên giảm mạnh so với năm ngoái (có thời điểm mức giảm tới 50% so với giá đỉnh), trong khi giá bán sản phẩm vỏ xe giảm chậm và mức giảm không nhiều. Thứ hai nhờ cơ chế hỗ trợ lãi suất, chi phí tài chính của cả ba công ty giảm đáng kể. Năm 2008, có thời điểm CSM đã phải vay ngân hàng với lãi suất 20%/năm và lượng vốn vay tới 600 tỉ đồng. Năm nay CSM được bù lãi suất vay 4%, đồng thời duy trì mức vay dưới 100 tỉ đồng.

Bên cạnh đó, sản phẩm làm ra phân phối liền, không để tồn kho. Ông Trí nói dự kiến lợi nhuận trước thuế chín tháng đầu năm nay của CSM khoảng 240 tỉ đồng trên vốn điều lệ 250 tỉ đồng. So với lợi nhuận năm 2008 chỉ có 10 tỉ đồng, thì lợi nhuận của CSM năm nay thật sự mang tính đột biến.

Mức gia tăng doanh thu và lợi nhuận của DRC còn tỏ ra ấn tượng hơn do đơn vị này đã không tăng vốn điều lệ trong năm ngoái. Sáu tháng đầu năm DRC đạt doanh thu 868 tỉ đồng và lợi nhuận trước thuế 174 tỉ đồng. Trong quí 3/2009 DRC tiếp tục duy trì mức doanh thu cao. Ông Tâm cho biết doanh thu tháng 7/2009 của DRC là 162 tỉ đồng, tháng 8 là 184,4 tỉ đồng và 17 ngày đầu của tháng 9 là 85 tỉ đồng.

Ông Lộc ước tính lợi nhuận trung bình của DRC trong quí 3 khoảng 40 tỉ đồng/tháng. Trong trường hợp tổng doanh thu và chi phí không có nhiều biến động nhờ giá nguyên liệu đầu vào ổn định và được hỗ trợ lãi suất hết năm, thì năm nay DRC có khả năng đạt lợi nhuận 300-350 tỉ đồng trên vốn điều lệ 154 tỉ đồng.

SRC là đơn vị có vốn điều lệ nhỏ nhất trong số ba công ty vỏ xe, 108 tỉ đồng, nhưng tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu của SRC cũng không kém. Nửa đầu năm nay, SRC đạt doanh thu thuần 504 tỉ đồng và lợi nhuận sau thuế 35 tỉ đồng. Dự đoán SRC cũng sẽ đạt lợi nhuận 100% trên vốn điều lệ.

Tuy nhiên, lợi nhuận đột biến của doanh nghiệp vỏ xe khó kéo dài sang năm 2010 khi gói kích cầu kết thúc. “Một khi giá nguyên liệu đầu vào tăng trở lại, chúng tôi sẽ phải cân đối giá bán sản phẩm theo chiều hướng tăng.

Nhưng doanh nghiệp nào cũng phải vay vốn, dù ít dù nhiều, và khi cơ chế bù lãi suất không còn, chi phí tài chính chắc chắn sẽ tăng lên” - ông Trí khẳng định. Hai năm qua, các công ty vỏ xe đã trải qua những ngày tháng thăng và trầm cao độ.

Năm ngoái lợi nhuận của CSM đã từng sụt giảm từ mức 80 tỉ đồng năm 2007 xuống 10 tỉ đồng; của DRC từ 72 tỉ đồng xuống 52 tỉ đồng; của SRC từ 26 tỉ đồng xuống 1,1 tỉ đồng. Quí 4/08 các doanh nghiệp vỏ xe đã từng “liêu xiêu” khi gánh chịu hậu quả “cơn lốc” giá cao su nguyên liệu và lãi suất cao.

Để ổn định kinh doanh, các công ty vỏ xe đang chuẩn bị đầu tư hoặc tăng năng suất sản xuất vỏ lốp radial. CSM đã có dự án vỏ xe radial toàn thép công suất 300.000 chiếc/năm ở Bình Dương. DRC chuẩn bị đầu tư nhà máy vỏ xe radial công suất 600.000 chiếc/năm tại khu công nghiệp Liên Chiểu (Đà Nẵng). Các dự án mới sẽ không thể ngay lập tức mang lại lợi nhuận, vì thế năm 2010 sẽ là thời điểm thử thách của các công ty vỏ xe.

Nguồn: http://vfinance.vn/

Linkgốc: http://vfinance.vn/m13/sm13/n13436/c...ba%CC%81nh.htm