Phát hiện bán khống, không thể chỉ bằng giám sát chéo
Cơ quan quản lý và VASB có cơ sở để phản đối hành vi bán khống, bởi nó gây tác động tiêu cực đến cả thị trường. Nhưng điều quan trọng là cần có các biện pháp quyết liệt hơn, bởi giải pháp để các CTCK tự giám sát lẫn nhau xem chừng khó khả thi.
Đa số CTCK đều cho thực hiện bán khống, nên tố cáo công ty khác, không khác gì “vạch áo cho người xem lưng”

Sau khi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) ban hành Công văn số 2816/UBCK-QLKD về việc nghiêm cấm bán khống, Hiệp hội Kinh doanh chứng khoán (VASB) cũng có văn bản kiến nghị gửi Bộ Tài chính, đề nghị sớm ngăn chặn tình trạng này và cho phép các CTCK giám sát lẫn nhau để phát hiện hoạt động bán khống. Tuy nhiên, một số CTCK cho rằng, việc VASB kiến nghị để các CTCK giám sát chéo hoạt động bán khống là khó, thậm chí không khả thi.
Trao đổi với ĐTCK, giám đốc một CTCK tại Hà Nội cho rằng, bán khống là nhu cầu có thật của NĐT, được thực hiện theo thỏa thuận giữa các khách hàng, nên rất khó để phát hiện. Chưa kể đến việc đa số CTCK đều cho thực hiện bán khống (thực chất là vay chứng khoán để bán hay bán chứng khoán trên tài khoản người khác), nếu tố cáo tình trạng này ở các đơn vị khác thì cũng chẳng khác gì... vạch áo cho người xem lưng. "Cơ quan quản lý chỉ nên theo dõi và có chế tài đối với các trường hợp cho bán khống quá mức, dẫn đến hành vi làm giá, thao túng thị trường", vị giám đốc này nói. Đây cũng là quan điểm của một số lãnh đạo CTCK khi trao đổi với ĐTCK.
Trên thực tế, trong bối cảnh thị trường ảm đạm, giao dịch thưa thớt như hiện nay, nếu không có các chiêu để giữ chân NĐT thì khách hàng sẽ chuyển sang CTCK khác sẵn sàng hỗ trợ. Trong chiến lược thu hút khách hàng, cho phép bán khống được cho là một trong các giải pháp nặng ký. Anh Nam, Trưởng phòng môi giới của một CTCK tại TP. HCM cho biết, một khi các khách hàng đã thỏa thuận được với nhau thì rất khó để phát hiện vì xét trên danh chính ngôn thuận, họ không hề sai luật, môi giới ở đây chỉ đóng vai trò trung gian. Ở một số trường hợp, chính các broker là người chủ động vay cổ phiếu của những khách hàng họ đang quản lý và theo dõi để bán khống, tất nhiên vẫn trên danh nghĩa là đi vay cho NĐT khác. Nhưng chung quy lại, theo vị trưởng phòng này, khách hàng đã có nhu cầu mà mình không đáp ứng được thì họ sẽ ra đi. Hơn nữa, hoạt động bán khống diễn ra khá âm thầm, giao dịch được thực hiện thông qua các broker mà lãnh đạo CTCK đôi khi cũng khó kiểm soát.
Phó tổng giám đốc một CTCK trực thuộc khối ngân hàng cho rằng, việc cho phép các CTCK giám sát chéo hoạt động bán khống là rất khó, bởi không nằm trong thẩm quyền của VASB hay UBCK. Hơn nữa, theo vị này thì hoạt động bán khống đã diễn ra từ lâu nhưng cơ quan quản lý còn chưa cấm được, chứng tỏ nó vẫn có "đất sống". Điều này cho thấy, do thiếu các công cụ giao dịch linh hoạt nên các CTCK đành phải lách luật để đáp ứng nhu cầu của NĐT.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, vẫn có những quan điểm cho rằng, nên tăng cường giám sát hoạt động bán khống. Ông Nguyễn Văn Dũng, Tổng giám đốc CTCK Tân Việt (TVSI) nhận định, nếu tất cả các CTCK đều nhận thức được hoạt động bán khống là rủi ro và cùng nhau giám sát chặt chẽ hoạt động này thì việc ngăn chặn bán khống mới khả thi. Bản thân TVSI cũng ủng hộ quan điểm nên giám sát chéo. Theo ông Dũng, bán khống chỉ thích hợp trong giai đoạn thị trường tăng nóng, còn trong thời điểm thị trường giao dịch trầm lắng như hiện nay thì hoàn toàn không có lợi. Hơn nữa, mức phí cho vay là không đáng so với việc giá cổ phiếu sụt giảm đáng kể khi những NĐT cho mượn cổ phiếu có nhu cầu bán. Ngoài ra, việc bán khống từng cổ phiếu cụ thể cũng tạo ra ảnh hưởng dây chuyền tiêu cực tới toàn bộ xu hướng thị trường.
Ông Nguyễn Thanh Kỳ, Tổng thư ký VASB khẳng định, bán khống là một trong các tác nhân "vùi dập" thị trường và cần quyết liệt dẹp bỏ. Ông Kỳ cho rằng, cần sớm ngăn chặn hoạt động bán khống bằng việc các CTCK phải kết hợp kiểm tra chéo lẫn nhau. Theo VASB, bên cạnh việc hạn chế các NĐT tự thỏa thuận bán khống thì cũng phải cấm các broker kết hợp với khách hàng thao túng thị trường thông qua việc thỏa thuận mượn cổ phiếu bán ra để "dìm" giá. “Việc các broker làm "cầu nối" cho khách hàng bán khống là vi phạm đạo đức nghề nghiệp. Tại một số thị trường phát triển như Mỹ, Anh…, một nhân viên vi phạm đạo đức nghề nghiệp, ngoài việc bị xử phạt thì sẽ không còn cơ hội làm việc trong ngành chứng khoán”, ông Kỳ nói.
Thực tế, cơ quan quản lý và VASB có cơ sở để phản đối hành vi bán khống, bởi nó không phù hợp với quy tắc đạo đức nghề nghiệp và gây tác động tiêu cực đến cả thị trường. Nhưng điều quan trọng là cần có các biện pháp quyết liệt hơn, bởi giải pháp để các CTCK tự giám sát lẫn nhau xem chừng khó khả thi.
Hoàng Anh
Đầu tư chứng khoán



Xem bài viết: Phát hiện bán khống, không thể chỉ bằng giám sát chéo