“Nóng” lãi suất liên ngân hàng
Tranh thủ nguồn vốn của nhiều ngân hàng nhỏ đang rất khó khăn, các ngân hàng lớn đẩy lãi suất liên ngân hàng lên cao, có lúc lên đến 22%/năm.
Nhiều ngân hàng (NH) nhỏ đối mặt với thanh khoản mất cân đối, trong khi huy động vốn từ dân cư lại sụt giảm. Đây là thời cơ để các NH lớn cho NH bạn vay vốn (thị trường liên NH), thu lợi nhuận.
Lãi suất cao ngất ngưởng
Theo một số NH, ngày 18-10, lãi suất liên NH giao dịch ở mức 18%-19%/năm (thời gian vay 1-2 tuần), riêng thời gian vay 1 tháng lãi suất lên tới 20%-22%/năm. Các mức lãi suất này đã tồn tại trong suốt 10 ngày qua.
Theo giới chuyên môn, bản chất của việc vay vốn NH bạn là để giải quyết thiếu hụt thanh khoản tạm thời. NH cho vay chỉ thu được lợi nhuận ít ỏi từ hoạt động này.
Tuy nhiên, do mặt bằng lãi suất huy động từ dân cư, tổ chức đều ở mức 14%/năm (kỳ hạn tháng) và 6%/năm (kỳ hạn dưới 1 tháng), hiện tượng phá rào lãi suất gần như bị triệt tiêu, nên từ giữa tháng 9 đến nay, số NH nhỏ không huy động được nhiều vốn từ dân cư như trước. Tiền từ NH nhỏ chạy sang NH lớn, thậm chí có NH sụt giảm nguồn vốn đến 12%. Trong khi đó, nhiều cá nhân, doanh nghiệp lại rút tiền từ NH về để kinh doanh sản xuất dịp cuối năm càng làm cho nguồn vốn NH nhỏ ngày càng mất cân đối. Mặt khác, NH Nhà nước cũng thu về hàng ngàn tỉ đồng đã tái cấp vốn cho số ít NH, đồng thời bơm tiền qua thị trường mở (địa chỉ các NH thương mại thế chấp giấy tờ có giá để vay vốn giá rẻ từ NH Nhà nước) có giới hạn... NH nhỏ gặp khó khăn về vốn buộc phải vay vốn NH bạn bằng mọi giá. Tranh thủ các yếu tố này, các NH mạnh vốn đã đẩy lãi suất cho vay NH bạn lên cao ngất ngưởng.
Phụ thuộc Ngân hàng Nhà nước
Phó tổng giám đốc một NH có hội sở tại Hà Nội phân tích: Khách hàng rút tiền nên không ít NH nhỏ bị “sốc” vốn, dẫn đến nhu cầu vay NH bạn tăng đột biến. Tuy nhiên, trong ngày 17 và 18-10, thông qua thị trường mở, NH Nhà nước đã bơm ra 17.000 tỉ đồng, hút về 4.000 tỉ đồng, tính ra NH Nhà nước đã bơm ròng 13.000 tỉ đồng nên lãi suất liên NH cũng dịu lại ít nhiều…
Theo ông Nguyễn Văn Thuận, Trưởng Khoa Tài chính - NH, Đại học Mở TPHCM, khi các NH cùng áp dụng một mức lãi suất huy động giống nhau thì nguồn vốn từ NH nhỏ chảy sang NH lớn là tất yếu (trước đây, người gửi tiền chấp nhận gửi tiền ở NH nhỏ vì lãi suất cao, nay họ sẽ lựa chọn NH lớn, có mạng lưới rộng, gần nhà...).
Để vấn đề thiếu hụt thanh khoản không tái diễn, ông Thuận đề xuất NH Nhà nước cần “khoanh vùng” các NH nhỏ, rồi khống chế tăng trưởng tín dụng dưới 0% để các NH này có thời gian thu hồi các khoản tiền đã cho vay. Sau đó, NH Nhà nước quy định các NH chỉ được kinh doanh phù hợp với quy mô hoạt động của mình... Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng để bảo đảm thanh khoản, các NH nhỏ không còn cách nào khác là thông báo “sức khỏe” của mình với NH Nhà nước để được tiếp tục tái cấp vốn, hơn là “phá rào” lãi suất sẽ bị NH Nhà nước xử lý, ảnh hưởng đến toàn bộ hoạt động NH mình.
Kiến nghị áp trần lãi suất liên ngân hàng
Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) vừa có văn bản kiến nghị NH Nhà nước khống chế trần lãi suất cho vay trên thị trường liên NH. Theo VAFI, việc chỉ áp trần lãi suất huy động có vẻ chỉ lợi cho NH lớn mà không giải quyết những khó khăn về huy động vốn cho NH nhỏ, vừa. Do đó, hệ thống doanh nghiệp vẫn phải chịu vay vốn với lãi suất trên 20%/năm. Vì vậy, áp trần lãi suất liên NH sẽ làm cho các NH nhỏ bớt căng thẳng trong huy động vốn, dần đi vào ổn định và là cơ sở hạ lãi suất cho vay.

Thy Thơ
Người lao động



Xem bài viết: “Nóng” lãi suất liên ngân hàng