Chạm vào “nhu cầu” của NĐT nhỏ, lẻ
Đào tạo về quỹ đầu tư hay kéo dài thời gian giao dịch, hay xây dựng bộ chỉ số mới… không phải là nhu cầu của NĐT. Điều NĐT cần là giảm thời gian thanh toán từ T+4 xuống T+2; là chuẩn hóa việc công bố thông tin của DN niêm yết; là minh bạch hóa hoạt động của CTCK...
Thông báo của UBCK mời các NĐT nhỏ lẻ tham gia chương trình đào tạo về các loại hình quỹ đầu tư ngày 19/10/2011 đã gây sự chú ý với nhiều người đọc. Chú ý vì đây là lần đầu tiên NĐT nhỏ lẻ được trở thành đối tượng trung tâm của một chương trình do UBCK tổ chức. Chú ý còn là bởi việc đào tạo sẽ được thực hiện bởi giảng viên nước ngoài, ông Christophe becue, chuyên gia quản lý quỹ Dự án VIE026.
Câu hỏi đầu tiên trong nội dung chương trình là “Bạn cần gì khi là NĐT?”. Từ câu hỏi này, giảng viên sẽ giới thiệu về các loại hình quỹ đầu tư, về cách định giá, tính toán giá trị tài sản ròng và cách giao dịch. Những nội dung này, về lý thuyết là rất cần thiết, nhưng nhà đầu tư liệu có đón nhận không? Thực tế, mô hình quỹ đầu tư tại Việt Nam đã không mang lại lợi ích gì cho NĐT, từ khi góp vốn đến nay chỉ có lỗ và lỗ.
Hiện chưa rõ bao nhiêu người sẽ tham gia buổi giảng này, nhưng tham khảo sơ bộ của ĐTCK cho thấy, NĐT quan tâm đến những vấn đề hiện hữu nhiều hơn. Nhân hỏi chuyện về buổi học trên, nhiều người phản ánh rằng, đào tạo về quỹ đầu tư hay kéo dài thời gian giao dịch, hay xây dựng bộ chỉ số mới… không phải là nhu cầu của họ. Điều NĐT cần là giảm thời gian thanh toán từ T+4 xuống T+2; là chuẩn hóa việc công bố thông tin của DN niêm yết; là minh bạch hóa hoạt động của CTCK để đỡ rủi ro khi mở tài khoản giao dịch; là cho phép thực hiện các sản phẩm mới để cân bằng cung - cầu thị trường; là hoàn thiện pháp lý để DN có thể huy động vốn ngoài Việt Nam…
Thực tế, những nhu cầu trên đang được cơ quan quản lý TTCK thực hiện, nhưng bao giờ hoàn tất thì chưa rõ ràng. Trong lần làm việc với UBCK mới đây, ngoài những chỉ đạo chính về hoàn chỉnh cấu trúc thị trường, tân Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ cũng đã “hỏi thăm” UBCK về việc vì sao vấn đề dư luận quan tâm nhất là giảm thời gian thanh toán từ T+3 (thực chất là T+4) xuống T+2, vẫn chưa thực hiện được? Câu hỏi này tạo nên sự bối rối nhất định trong các lãnh đạo ngành, bởi việc giảm thời gian thanh toán từ T+4 xuống T+ 2 đã được chính UBCK lên kế hoạch, nhưng khi bắt tay vào thực hiện, mới thấy thiếu rất nhiều yếu tố để triển khai.
Theo UBCK, việc triển khai giao dịch bán chứng khoán vào ngày T+2 đòi hỏi phải xử lý đồng bộ nhiều yếu tố, ngoài yếu tố kỹ thuật, còn cần đến các cơ chế hỗ trợ thanh toán chứng khoán khi xảy ra thiếu hụt trong thanh toán bù trừ. Hiện nay TTCK chưa có cơ chế vay, cho vay chứng khoán, hoặc mua bán cưỡng chế, vì vậy nếu xảy ra thiếu hụt chứng khoán thì không có căn cứ nào để xử lý. Bên cạnh đó, để triển khai T+2 còn đòi hỏi sự sẵn sàng của công ty chứng khoán, nhưng mức độ đáp ứng của khối công ty này thực tế lại rất thấp.
Chưa bao giờ TTCK Việt Nam ở trong hoàn cảnh khó khăn như lúc này khi một nửa thị trường (50% số cổ phiếu niêm yết) rơi dưới mệnh giá. Niềm tin của NĐT vốn đã mong manh, nay còn mong manh hơn thế. Tân Bộ trưởng Bộ Tài chính nói với lãnh đạo UBCK rằng, ông tin TTCK sẽ phát triển ổn định cùng với sự tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam. Nhưng hiện thực hóa niềm tin này, Bộ Tài chính, UBCK cần làm nhiều việc thiết thực hơn vì thị trường, vì NĐT nhỏ, lẻ.
Hãy hỏi NĐT cần gì trước khi xây dựng chương trình dành cho họ. Đó là cách thiết thực thể hiện sự quan tâm, để tạo một điểm tựa cho NĐT trụ lại với thị trường.
Phạm Oanh
đầu tư chứng khoán



Xem bài viết: Chạm vào “nhu cầu” của NĐT nhỏ, lẻ