Lãi suất huy động - Lách hợp luật?
Thị trường tiền tệ những ngày qua có vẻ lặng “sóng” khi NHNN xử lý mạnh tay các NHTM bị phát hiện vi phạm trần lãi suất huy động. Tuy nhiên, qua nhiều nguồn tin riêng của ĐTTC không ít NHTM vẫn có thể áp dụng một số chiêu lách luật kiểu mới trên cả thị trường tiền gửi lẫn thị trường tín dụng.
Điều này cho thấy các giải pháp hạ nhiệt lãi suất của NHNN chỉ mới ổn trên bề nổi, tảng băng chìm thiếu thanh khoản ở nhiều NHTM vẫn âm thầm diễn ra. Bằng chứng là đến chiều qua 12-10, lãi suất trên thị trường liên NH lên đến 20%.

Nhiều NH chưa bị lộ
Quy định của Bộ Tài chính về chế độ quản lý tài chính, các NHTM có thể chi hoa hồng môi giới tính trên giá trị lợi nhuận mang về cho đơn vị. Tuy nhiên, chỉ được chi một tỷ lệ nhất định, nếu tỷ lệ chi hoa hồng vượt quá tỷ lệ cho phép thì tính chất đã khác.
Luật sư Trần Minh Hải, Giám đốc Công ty Luật Basico

Sau vụ việc 2 chi nhánh NH bị phát hiện huy động vượt trần qua hình thức chi hoa hồng môi giới cho người giới thiệu khách hàng tiền gửi, nhiều NHTM đã bắt đầu chột dạ, vội vã gửi công văn trên toàn hệ thống yêu cầu tất cả điểm giao dịch phải ngưng ngay việc chi hoa hồng môi giới.
Một phó tổng giám đốc NH cổ phần lớn ở TPHCM cho biết thực tế từ trước đến nay các NHTM đều có chính sách chi hoa hồng môi giới. Chính sách này không chỉ áp dụng với dịch vụ tiền gửi mà với nhiều dịch vụ khác.
Nay Thông tư 30 của NHNN quy định không được lách trần dưới bất cứ hình thức nào, nên các NHTM phải thu hẹp đối tượng chi hoa hồng môi giới. Cụ thể, thay vì chi hoa hồng môi giới cho khách hàng, các NHTM chỉ chi hoa hồng môi giới cho CBCNV giới thiệu thành công khách hàng cá nhân hay doanh nghiệp gửi tiền tại NH.
Theo đó, NH sẽ chi vào tài khoản lương của CBCNV và từ đó nhân viên có thể chi tiền lôi kéo khách hàng. Tuy nhiên, để tránh bị NHTM khác gài bẫy, việc chi ngoài lãi suất phải diễn ra ngoài NH và dưới nhiều hình thức quà tặng thay vì tiền mặt.
Trong kinh doanh thực tế không NH nào muốn gài bẫy nhau, nhưng các chi nhánh NHTM đều chịu áp lực chỉ tiêu huy động vốn từ hội sở chính. Hàng ngày chứng kiến vốn huy động của đơn vị mình không tăng, lại sụt giảm liên tục và chảy sang NH khác, lãnh đạo các chi nhánh NH rất “ấm ức”, nên việc gài bẫy diễn ra là điều tất yếu.
Một NH thừa nhận, để không bị khách hàng doanh nghiệp “ruột” có số dư tiền gửi lớn của mình “chạy” sang NH khác, ông phải chi ngoài bằng cách mua lại sản phẩm của doanh nghiệp với giá cao thay vì trả tiền mặt.
Cầm cố vàng lãi cao có sai luật?
Trong thời điểm NHNN đang áp dụng một loạt giải pháp nhằm hạn chế tình trạng làm giá, đầu cơ vàng gây bất ổn thị trường vàng trong nước (như bán vàng bình ổn, ban hành Thông tư 33 cấm cho vay để mua vàng cũng như nâng hệ số rủi ro từ 0% lên 250% đối với tín dụng được bảo đảm bằng vàng), lại có NH liên kết với một công ty triển khai chương trình cầm cố vàng với lãi suất lên đến 54%/năm.
NH này cho biết họ không trực tiếp thực hiện nghiệp vụ này mà chỉ hợp tác trong việc gia tăng thương hiệu. Nhiều ý kiến cho rằng về nguyên tắc việc hợp tác như vậy không sai luật, nhưng trong bối cảnh NHNN đang nỗ lực hạn chế đầu cơ vàng bằng dòng vốn NH, các NHTM không nên hợp tác phát triển kiểu kinh doanh như trên.
Hơn nữa, hiện nay việc cấp phép kinh doanh cầm cố vàng do Sở Kế hoạch - Đầu tư cấp phép chứ không phải do NHNN cấp phép. Vì vậy, nếu Nhà nước không có chủ trương hạn chế loại hình kinh doanh này, dù NHNN có siết tín dụng tiền đồng bảo đảm bằng vàng cũng không loại trừ thời gian tới lại nở rộ các công ty cầm cố vàng, dưới danh nghĩa giải quyết nhu cầu vốn gấp cho người dân, nhưng thực tế là nơi xoay vòng vốn của giới đầu cơ vàng.
Trước đây, khi NHNN cấm cho vay vàng, giới đầu cơ vàng chuyển sang hình thức cho vay tiền đồng thế chấp bằng vàng. Nay NHNN cấm cửa cho vay tiền đồng để mua vàng, nhiều người cho rằng điều này sẽ giúp NHNN chặn cửa cuối cùng trong việc dùng “đòn bẩy tài chính” của giới đầu cơ vàng.
Tuy nhiên, một lãnh đạo NH cổ phần cho rằng giải pháp này chưa thể triệt tiêu được tín dụng vàng nếu NHNN không có cơ chế giám sát chặt chẽ mục đích vay vốn của khách hàng. Thực tế, từ trước đến nay giới đầu cơ vàng vay vốn tại NH không bao giờ đưa ra lý do vay vốn để mua vàng, bởi với lý do này chắc chắn các NHTM sẽ hạn chế cho vay vì rủi ro cao.
Vì vậy, Thông tư 33 cấm vay vốn mua vàng, giới đầu cơ vàng vẫn có thể vay vốn mua vàng thông qua các mục đích vay tiêu dùng hoặc vay sản xuất kinh doanh.
Thanh Như
SÀI GÒN ĐẦU TƯ TÀI CHÍNH



Xem bài viết: Lãi suất huy động - Lách hợp luật?