Dự thảo Luật Bảo hiểm tiền gửi
Chỉ bảo hiểm tiền gửi của cá nhân bằng đồng nội tệ
Chiều 11-10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã thảo luận về hai dự án luật: Luật Phòng chống rửa tiền và Luật Bảo hiểm tiền gửi.
Cần bổ sung nội dung chống rửa tiền theo hướng quy định các hình thức xử lý hành chính
Liên quan đến dự án Luật Phòng chống rửa tiền, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cho biết, đây là dự án luật được xây dựng và ban hành để đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. “Năm 2007, Việt Nam trở thành thành viên chính thức của Nhóm Châu Á - Thái Bình Dương về chống rửa tiền (APG). Bên cạnh đó, từ năm 2010 đến nay, Việt Nam đã và đang chịu sự rà soát của Nhóm xem xét các vấn đề hợp tác quốc tế (ICRG) thuộc Lực lượng đặc nhiệm tài chính về chống rửa tiền (FATF). Tại Hội nghị toàn thể của FATF diễn ra tại Pháp từ ngày 17 đến ngày 22-10-2010, Chính phủ Việt Nam đã cam kết ban hành Luật Phòng, chống rửa tiền trong tháng 12-2012”, ông Bình cho biết.
Thẩm tra sơ bộ về dự án luật, báo cáo của Ủy ban Kinh tế đã nêu nhiều vấn đề còn có ý kiến khác nhau liên quan đến phạm vi điều chỉnh và tên gọi của Luật, khái niệm “rửa tiền”, mức giao dịch phải báo cáo, xử lý vi phạm và biện pháp chống rửa tiền…
Tại phiên họp, nhiều thành viên UBTVQH đã cho ý kiến về phạm vi điều chỉnh và tên gọi của Luật. Đa số thành viên UBTVQH như Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu… đều tán thành quan điểm của Ủy ban Kinh tế “gói” phạm vi điều chỉnh của Luật này trong lĩnh vực phòng, chống rửa tiền mà chưa đề cập đến vấn đề tài trợ khủng bố.
Một số ý kiến trong UBTVQH đồng tình với nhận định của Thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng nội dung “chống rửa tiền” trong dự thảo Luật chưa tương xứng, chưa đủ liều lượng. Do đó, cần bổ sung nội dung chống rửa tiền theo hướng quy định một số hình thức xử lý hành chính để hình thành một chương về xử lý vi phạm. (Việc xử lý bằng biện pháp hình sự đã được Bộ Luật hình sự quy định).
Phát biểu về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhắc nhở ban soạn thảo và cơ quan thẩm tra: “Đây là vấn đề khó, thực tiễn ở Việt Nam cũng chưa nhiều, cần nghiên cứu thận trọng, không nên vì chạy gấp theo tiến độ mà làm cho xong”.
Chỉ bảo hiểm tiền gửi của cá nhân bằng đồng nội tệ
Đó là một nội dung quan trọng trong dự thảo Luật Bảo hiểm tiền gửi. Nội dung này được sự đồng tình cao của Ủy ban Kinh tế và nhiều thành viên UBTVQH.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu lý giải: “Mục tiêu lớn nhất của bảo hiểm tiền gửi là bảo vệ số đông người dân không có điều kiện tham gia sản xuất kinh doanh, không có điều kiện tiếp cận thông tin. Mặt khác, tiền gửi của các tổ chức mang tính luân chuyển cao, chủ yếu nhằm mục đích thanh toán chứ không nhằm mục đích gửi tiền tiết kiệm. Vì vậy, việc quy định bảo hiểm cho tiền gửi của tổ chức là không phù hợp với điều kiện của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. Còn việc chỉ bảo hiểm tiền gửi bằng VND, không bảo hiểm tiền gửi cho ngoại tệ và kim loại quý khác là thực hiện thống nhất chủ trương, chính sách quản lý ngoại hối của Việt Nam. Quy định như vậy cũng phù hợp với thông lệ quốc tế”.
Về phí bảo hiểm tiền gửi và hạn mức bảo hiểm tiền gửi, dự thảo Luật không quy định một mức phí hay một khung phí cứng mà trao thẩm quyền quy định phí bảo hiểm tiền gửi và hạn mức trả tiền bảo hiểm cho Ngân hàng Nhà nước - cơ quan quản lý nhà nước về bảo hiểm tiền gửi và trao quyền xác định, điều chỉnh hạn mức trả tiền bảo hiểm cho Thủ tướng Chính phủ trên cơ sở đề nghị của Ngân hàng Nhà nước. Thường trực Ủy ban Kinh tế cũng đồng ý với hướng xử lý này, song nhấn mạnh yêu cầu quy định rõ nguyên tắc, tiêu chí để tính toán, xác định mức phí bảo hiểm và hạn mức bảo hiểm tiền gửi ngay trong dự thảo Luật và giao Thủ tướng Chính phủ quy định cụ thể.
Như vậy, sau khi tiếp tục được chỉnh lý, bổ sung, dự thảo Luật Phòng chống rửa tiền và Luật Bảo hiểm tiền gửi sẽ được trình xin ý kiến Quốc hội tại kỳ họp thứ 2 sẽ khai mạc ngày 20-10 tới.
Anh Thư
SÀI GÒN GIẢI PHÓNG



Xem bài viết: Chỉ bảo hiểm tiền gửi của cá nhân bằng đồng nội tệ