Vietstock Weekly 10 - 14/10: Tận dụng cơ hội mua bán trong phiên
(Vietstock) – Nhiều khả năng mua bán trong phiên sẽ tiếp tục là xu hướng giao dịch chủ đạo, nhằm tìm kiếm lợi nhuận trong giai đoạn khó khăn.
THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN VIỆT NAM TUẦN QUA
Thị trường tiếp tục đà giảm điểm khi VN-Index sụt giảm mạnh 2.25% kết thúc tuần ở mức 417.96 điểm, HNX-Index tăng nhẹ 0.22% lên 71.5 điểm, trong khi đó chỉ số VS 100 vẫn đang trong xu hướng giảm khi mất 0.83% trong tuần.
VS-Small Cap bất ngờ có tuần giảm điểm ít nhất ở mức 0.27%, tiếp theo là VS-Mid Cap giảm 0.94%, VS-Micro Cap giảm 0.97%, trong khi VS-Large Cap giảm mạnh nhất 2.6%.
Những dấu hiệu tốt từ Mỹ và Châu Âu đã giúp kích thích hoạt động giao dịch diễn ra sôi động trong một vài phiên, nhưng vẫn không thể giúp thị trường giữ được đà tăng trong phiên giao dịch cuối tuần. Giao dịch nhìn chung tiếp tục diễn ra ảm đạm, khi khối lượng khớp lệnh trên HOSE giảm 16.6%, HNX giảm 16.9% so với tuần giao dịch trước.

Hiện tượng đỡ giá ở nhiều mã cổ phiếu xuất hiện phổ biến trong nhiều phiên giao dịch. Ngoài ra, giao dịch trong phiên cũng tỏ ra sôi động nhằm tìm kiếm lợi nhuận trong bối cảnh thị trường vẫn chưa có nhiều thông tin tích cực hỗ trợ.
Vì vậy, không có gì khó hiểu khi dòng tiền tiếp tục tập trung vào các mã nóng như IJC, TDC, PXL, PVT ... trên HOSE, trong khi giao dịch trên HNX đổ dồn vào VND, KLS, hàng loạt cổ phiếu chứng khoán khác và các mã dòng họ Dầu khí, Sông Đà. Trong khi đó, Masan Consumer đang có những bước tiến vững chắc để thâu tóm VCF khi đã có những cổ đông lớn đăng ký bán tổng cộng hơn 4.3 triệu cp, tương đương 16.37% vốn của VCF.
Số ngành giảm điểm chiếm ưu thế trên thị trường khi có đến 16/24 ngành giảm điểm. Dòng tiền đầu cơ tiếp tục tháo chạy mạnh khỏi những ngành nóng; trong đó, Bất động sản giảm mạnh nhất 3.49%, tiếp theo là Xây dựng giảm 2.72, Chứng khoán giảm nhẹ 0.49% trong khi Ngân hàng bất ngờ tăng 1.07%.
Khối ngoại tăng cường bán ra và giảm mạnh giao dịch trên HOSE khi trung bình giá trị mua chỉ đạt 72 tỷ đồng/phiên và trung bình giá trị bán là 104 tỷ đồng/phiên. Họ tiếp tục xả thêm tổng cộng hơn 169 tỷ đồng trên cả hai sàn, gồm bán ròng 161 tỷ đồng trên HOSE và gần 8 tỷ đồng trên HNX.
Trong tuần qua, khối ngoại bất ngờ mua ròng mạnh nhất VSH nhưng chỉ đạt 5.2 tỷ đồng, và vẫn tiếp tục thoát hàng khỏi VIC khi bán ròng thêm 38.4 tỷ đồng.
NHẬN ĐỊNH THỊ TRƯỜNG TUẦN 10 – 14/10/2011
Đối với Mỹ, Fed đã có tuyên bố sẵn sàng các biện pháp kích thích kinh tế mới khi nền kinh tế nước này có thể chững lại. Nước này rất có thể sẽ đón nhận những thông tin tích cực từ thị trường việc làm trong thời gian tới.
Trong khi đó tại Châu Âu, Hy Lạp nhiều khả năng sẽ được cấp thêm gói hỗ trợ thứ 6 trị giá 8 tỷ EUR sau cuộc đàm phán giữa “bộ ba” Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Liên minh châu Âu (EU) với chính phủ Hy Lạp được tiến hành trong tuần qua. Ủy ban Ngân hàng châu Âu chuẩn bị cuộc thanh tra (stress test) lần thứ 3 nhằm chuẩn bị cho kế hoạch tái cấp vốn cho các ngân hàng trong khu vực. Bên cạnh đó, ECB mặc dù giữ nguyên lãi suất do áp lực lạm phát nhưng sẽ chi 40 tỷ EUR để mua trái phiếu đảm bảo nhằm thúc đẩy nền kinh tế và cung cấp thêm vốn cho các ngân hàng. Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) cũng quyết định tăng quy mô chương trình mua tài sản thêm 75 tỷ bảng Anh (tương đương 115 tỷ USD) lên 275 tỷ bảng Anh.
Những thông tin tích cực đến từ Mỹ và Châu Âu nhiều khả năng sẽ tác động tốt đến thị trường chứng khoán toàn cầu.
Trong nước, tâm lý dè dặt về triển vọng vĩ mô sẽ tiếp tục khiến giới đầu tư trở nên thận trọng hơn.
NHNN vừa có quyết định tăng lãi suất tái cấp vốn từ 14%/năm lên 15%/năm và lãi suất cho vay qua đêm thanh toán liên ngân hàng từ 14%/năm lên 16%/năm. Động thái này là tương đối bất ngờ và mục tiêu trên bề mặt vẫn là tiếp tục duy trì chính sách thắt chặt tiền tệ, giảm áp lực giảm giá lên tiền đồng, đồng thời cân bằng hoạt động cho vay từ vai trò người cho vay cuối cùng của NHNN (không khuyến khích các hoạt động vay vốn từ NHNN). Ngoài những mục tiêu này, động thái của NHNN lần này có thể có nhiều hàm ý phức tạp hơn những lần trước đây.
Như chúng tôi đã đề cập, giao dịch bán ra liên tục của khối ngoại cũng đã có ảnh hưởng nhất định đến toàn thị trường khi họ vẫn tiếp tục xả hàng loạt bluechips, và giảm mạnh hoạt động mua vào.
Bên cạnh đó, hoạt động đầu cơ ngắn hạn và giao dịch trong phiên trong bối cảnh không có tác động tích cực từ vĩ mô cũng đang là một lực cản, khiến cho khả năng tăng điểm dài hạn của thị trường bị thách thức đáng kể.
Chúng tôi nghe nói đến các thông tin hành lang về vụ vỡ nợ trên thị trường OTC từ tuần trước. Hôm qua đã xuất hiện nhiều thông tin chính thức, và mặc dù rất khó để xác nhận mức độ thiệt hại và ảnh hưởng trên thực tế, vụ việc này rõ ràng ảnh hưởng tiêu cực lên tâm lý thị trường. Lý do chủ yếu là giới đầu tư lo lắng về hoạt động giải chấp có thể diễn ra đồng loạt, nhiều cá nhân và tổ chức bị ảnh hưởng, và liệu rằng sẽ còn vụ việc nào khác sẽ được phanh phui trong thời gian tới hay không?
Trong nhiều tuần gần đây, chúng tôi nhấn mạnh đến khối lượng như là một chỉ báo quan trọng để đánh giá triển vọng của thị trường. Giao dịch lại tiếp tục có một tuần sụt giảm khá mạnh, và đây là dấu hiệu không tích cực, cho thấy tâm lý lung lay đã xuất hiện và phải còn một thời gian nữa mới đến điểm bi quan cực độ - lúc thị trường có thể bật trở lại mạnh mẽ.
Chương trình bình ổn thị trường vàng trong nước đang có những tiến triển khả quan và giúp giải tỏa bớt căng thẳng trên thị trường ngoại tệ, củng cố lòng tin của giới đầu tư.
Thông tin kết quả kinh doanh một số công ty đã được công bố, và đáng chú ý là các doanh nghiệp trong ngành cao su đều cho kết quả khả quan. Tuy nhiên, như chúng tôi nhận đinh, hoạt động giao dịch ở những mã này vẫn không hề có dấu hiệu khởi sắc đáng kể. Thị trường sẽ tiếp tục đón nhận kết quả quý 3 vào tuần sau và khó kỳ vọng về một sự thay đổi xu hướng dựa vào thông tin này.
Việc giao dịch xấu đi vào phiên cuối tuần khiến cho khả năng phục hồi của thị trường đang giảm xuống. Nhiều khả năng mua bán trong phiên sẽ tiếp tục là xu hướng giao dịch chủ đạo, nhằm tìm kiếm lợi nhuận trong giai đoạn khó khăn.
Phân tích kỹ thuật: VN-Index – Nguy cơ thủng Fibo 61.8% vẫn còn. Như chúng tôi đã từng đề cập, trong các ngưỡng Fibonacci thì ngưỡng 61.8% được xem là mạnh nhất nhất. Vì vậy, sự phá vỡ ngưỡng này sẽ khiến cho VN-Index về lại vùng đáy cũ 380 – 400 điểm. Chỉ số đã liên tục có những phiên giằng co xung quanh mốc này.
Bên cạnh đó, VN-Index đã duy trì bên dưới SMA 100 được 5 phiên liên tiếp. Điều này cho thấy rất có thể ngưỡng này đã bị thủng hoàn toàn. Cùng với việc không thể phá vỡ được SMA 300, đây là tín hiệu thứ hai cho thấy sự báo hiệu tiêu cực cho xu hướng sắp tới.
Chúng tôi vẫn duy trì quan điểm thận trọng trong những phiên tới.

HNX-Index – Thanh khoản tiếp tục sụt giảm. Thanh khoản khớp lệnh đạt mức thấp nhất kể từ ngày 29/08/2011. Điều này cho thấy sự thận trọng đang bao trùm lên thị trường khi mà lo ngại về khả năng điều chỉnh mạnh vẫn còn.
Mặc dù các chỉ báo dao động đều đã về vùng oversold nhưng quá khứ cho thấy nếu như các ngưỡng chống đỡ mạnh bị thủng thì nhóm này vẫn có thể duy trì ở đây trong 1 – 2 tháng.
Nếu thanh khoản vẫn không cải thiện vào đầu tuần sau thì khả năng bị thủng vùng 65 – 68 điểm là rất lớn.

VIETSTOCK INDEX
VS 100: Chỉ số này gần như đứng yên (-0.11%) trong phiên giao dịch ngày 07/10/2011. Điều này càng khiến cho sự lo ngại điều chỉnh tăng cao hơn.
Chúng tôi vẫn bảo lưu quan điểm cho rằng vùng 56 – 58 điểm sẽ đóng vai trò hỗ trợ mạnh cho VS 100 nếu tiếp tục quá trình giảm điểm mạnh.

VS-Market Strength: Trong phiên giao dịch ngày 07/10/2011, VS-A/D HOSE đạt mức 0.69, tức số mã tăng giá bằng 0.69 lần số mã giảm giá; trong khi VS-U/D HOSE là 0.72, tức khối lượng của cổ phiếu tăng giá bằng 0.72 lần so với khối lượng giao dịch của phía giảm giá. VS-A/D HNX đạt 0.55 lần và VS-U/D HNX bằng 0.33 lần. Chỉ số VS-Arms VN duy trì ở mức 1.26.

THỐNG KÊ THỊ TRƯỜNG TUẦN 03 – 07/10/2011

Phòng Nghiên cứu Vietstock



Xem bài viết: Vietstock Weekly 10 - 14/10: Tận dụng cơ hội mua bán trong phiên