Mỹ: Nhà bị phát mãi nhưng vẫn nợ ngân hàng
Cách đây bốn năm, khi cơn sốt thị trường nhà đang lên, nhiều người dân Mỹ đổ xô đi mua nhà bằng các khoản vay ngân hàng. Nay khi thị trường việc làm ở Mỹ vô cùng ảm đạm, người dân mất việc và không có đủ tiền trả các khoản vay thế chấp, đành ngậm ngùi nhìn ngôi nhà bị phát mãi. Nhà mất nhưng các khoản nợ vẫn còn, nhiều người còn phải đối mặt với tòa án khi các ngân hàng kiện vì tiền bán nhà không đủ hoàn trả nợ cho họ.
Khi thị trường việc làm ở Mỹ vô cùng ảm đạm, người dân mất việc và không có đủ tiền trả các khoản vay thế chấp, đành ngậm ngùi nhìn ngôi nhà bị phát mãi.

Ông Joseph Reilly là một trong số những người Mỹ gặp phải tình cảnh này. Ông bị mất việc năm 2010, ngôi nhà nghỉ ông dùng tiền vay ngân hàng để xây dựng bị tịch thu vì ông không trả nổi khoản thế chấp trị giá 1.200 USD/tháng. Tháng 6.2011, ông Reilly nhận được quyết định của tòa án yêu cầu ông trả cho ngân hàng Great Western ở Sioux Falls, SD, chủ nợ của ông, hơn 192.000 USD. Số tiền bán nhà không bằng một phần tư ( ¼) số nợ mà ông Reilly đã vay. Chính vì thế, ngân hàng đã kiện ông yêu cầu trả đủ phần còn lại. Đây là kết quả mà chủ nhân những ngôi nhà khi đi vay ít khi ngờ tới, nhưng việc đối mặt với phán quyết từ tòa án thì ngày càng cao. Vào thời điểm 2007, người mua bỏ tiền ra chạy theo giá thị trường, có khi hơn 100% giá trị thực, nhưng hiện tại, giá đã giảm quá nhiều sau bốn năm.
Quận Columbia và 41 tiểu bang khác đã cho phép người cho vay kiện người đi vay nếu các khoản nợ thế chấp vẫn còn sau khi bán nhà bị tịch thu trong thời gian năm năm. Thị trường nhà méo mó hiện nay đang khiến những người cho vay áp dụng điều luật này một cách triệt để. Các ngân hàng nói họ sẽ kiện ra tòa án khi họ nhận thấy khách hàng của họ có khuynh hướng không trả tiếp các khoản vay vì nhà mất giá, và sẽ chọn cách không ra hầu tòa nếu họ đi kiện.
Hiện có 64% trong số 4,5 triệu ngôi nhà bị tịch thu từ năm 2007 đang phải chịu án phạt từ tòa án. Chỉ trong bảy tháng đầu năm 2011, ở hạt Lee, bang Florida, nơi ông Reilly xây dựng nhà nghỉ, đã có 172 hồ sơ kiện từ tòa án, tăng 34% so với năm 2010.
Ông Michael Cramer, giám đốc điều hành của công ty đầu tư cho vay Dyck O'Neal, Arlington, Texas cho biết “Bây giờ, mỗi ngôi nhà bị tịch thu sau khi bán còn nợ ngân hàng hơn 100.000 USD”. Ông Reilly nói ông sẽ nhờ luật sư nộp đơn tuyên bố phá sản vào tuần tới vì đến giờ ông vẫn còn thất nghiệp, án phạt từ tòa án như một cơn ác mộng với ông.
Nghịch lý trong ngành công nghiệp nhà ở là thay vì giúp các chủ nhà gặp khó khăn bằng cách gia hạn hoặc giảm nợ cho họ, thì các ngân hàng lại cố gắng siết chặt khoản vay của khách hàng. Thư ký, chuyên viên tài chính của Palm Beach County, Florida, dự đoán số người rơi vào trường hợp như ông Reilly sẽ tăng lên nhanh chóng khi các ngân hàng bắt đầu bán nhà tịch thu để đòi nợ.
Một số nhà đầu tư cho rằng các “bản án nợ thiếu hụt” như thế này sẽ được tập hợp thành các gói tương tự như chứng chỉ bảo lãnh có thế chấp. Các nhà môi giới nợ công nghiệp cho biết giá thành các gói này chỉ vào khoảng 2cent/1USD, so với 7cent/1USD của các khoản nợ thẻ tín dụng. Các nhà đầu tư nói rằng hầu hết các tiểu bang cho phép ngân hàng đòi nợ trong 20 năm, dư thời gian cho người đi vay có thể làm việc và trả hết nợ, trong khi các khoản nợ sẽ lớn lên với lãi suất khoảng 8%.
Khả Anh (Theo WSJ)
SÀI GÒN TIẾP THỊ



Xem bài viết: Mỹ: Nhà bị phát mãi nhưng vẫn nợ ngân hàng