Vietstock Weekly 03 - 07/10: Chờ đợi tín hiệu xác nhận để gia nhập thị trường
(Vietstock) – Việc trading ngắn hạn có lẽ cần lưu ý đến các cổ phiếu duy trì được mức thanh khoản để tăng cường hoạt động giao dịch trong phiên; và trong một bối cảnh thị trường có rủi ro cao, nên sẵn sàng cắt lỗ khi phát hiện mua vào không đúng nhịp ở những mã cụ thể.
THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN VIỆT NAM TUẦN QUA
(1) Thị trường tiếp tục đà giảm điểm khi VN-Index sụt giảm mạnh 2.88% kết thúc tuần ở mức 427.6 điểm, HNX-Index giảm mạnh 4.34% xuống 71.34 điểm, trong khi đó chỉ số VS 100 giảm 2.4%.
(2) Trong tuần, VS-Small Cap giảm điểm ít nhất ở mức 1.49%, tiếp theo là VS-Mid Cap giảm 2.24%, VS-Micro Cap giảm 2.3%, trong khi VS-Large Cap giảm mạnh nhất 3.73%.
(3) Giao dịch trong tuần tiếp tục diễn ra ảm đạm, khi khối lượng khớp lệnh trên HOSE giảm nhẹ 3.8%, còn HNX tăng nhẹ 0.7% so với tuần giao dịch trước. Giao dịch trong phiên thứ Năm (ngày 29/9) tăng đột biến với tổng giá trị giao dịch lên đến 1,855 tỷ đồng, gồm 1263 tỷ đồng trên HOSE và 592 tỷ đồng trên HNX. Tuy vậy, đà tăng mạnh mẽ không thể duy trì trong phiên cuối tuần và thị trường tiếp tục lao dốc.
(4) Giao dịch thỏa thuận diễn ra mạnh mẽ trong tuần ở nhiều mã cổ phiếu trong đó có STB với 12 triệu cổ phiếu và bên bán có thể là CTCP Địa ốc Sài Gòn Thương Tín (HOSE: SCR), KDC với 2.38 triệu cổ phiếu, MSN với 2 triệu cổ phiếu, FDC với 1.57 triệu cổ phiếu và KDH với 1.2 triệu cổ phiếu.

(5) Dòng tiền nóng dường như đang thoái lui khi các cổ phiếu đầu cơ bị bán tháo dữ dội trong những phiên giao dịch cuối tuần. Trên HOSE là IJC và cổ phiếu ăn theo TDC, trong khi trên HNX thì nhóm cổ phiếu chứng khoán, AAA, PVL, PVA... đã bị xả hàng dữ dội.
(6) Giao dịch hai phiên cuối tuần dường như diễn ra với cùng một kịch bản. Chỉ số được kéo tăng ”giả tạo” bắt nguồn từ BVH, VIC hay MSN và một số bluechips khác, nhưng sau đó hoạt động bán tháo lại diễn ra và đẩy thị trường lùi sâu. Như chúng tôi đề cập trong tuần, tâm lý e ngại rủi ro trong giới đầu tư đã lên mức rất cao; nhưng cũng không loại trừ khả năng về một kịch bản ”kéo – xả” tập trung vào các mã và góp phần đẩy thị trường vào bi quan. Đây là một chỉ dấu rất không tích cực cho giao dịch ở các phiên đầu tuần mới.
(7) VCB đã chính thức công bố bán 15% cổ phần phát hành thêm cho Mizuho với giá 34,000 đồng/cp. Mức giá này nếu tính trước khi pha loãng sẽ lên đến hơn 40,000 đồng/cp. Như vậy, rõ ràng Việt Nam vẫn đang rất hấp dẫn đối với các nhà đầu tư chiến lược (trong ngành), bất chấp các nhà đầu tư tài chính bi quan trong giải ngân hay không thể huy động thêm vốn. Tuy vậy, cũng cần để ý là mục tiêu của hai dạng đầu tư này là khác biệt đáng kể.
(8) Số ngành giảm điểm chiếm ưu thế trên thị trường khi có đến 21/24 ngành giảm điểm. Dòng tiền đầu cơ dường như đang tháo chạy mạnh khỏi những ngành nóng khi Chứng khoán giảm điểm mạnh nhất trong tuần qua với 8.07%, Bất động sản giảm 4.6%, Xây dựng giảm 3.89% và Ngân hàng giảm nhẹ 0.63%.
(9) Khối ngoại tiếp tục có tuần giao dịch bán ròng mạnh mẽ với tổng giá trị 250 tỷ đồng, trong đó họ bán ròng 248.9 tỷ đồng trên HOSE và bán ròng nhẹ 1.1 tỷ đồng trên HNX. Khối ngoại đã trở lại mua ròng nhẹ 2.3 tỷ đồng phiên giao dịch cuối tuần, sau khi đã bán ròng 8 phiên liên tiếp trước đó.
Giao dịch của khối ngoại có xu hướng tiếp tục sụt giảm mạnh trên HOSE, đặc biệt là ở bên mua khi tổng giá trị giao dịch chỉ còn 500.8 tỷ đồng, trong khi bên bán là 749.7 tỷ đồng.
(10) Trong tuần qua, khối ngoại mua ròng mạnh nhất IJC với tổng giá trị 27.9 tỷ đồng tương ứng với gần 1.8 triệu cổ phiếu. Phiên giao dịch thứ Năm (ngày 29/9), khối ngoại đã mua ròng khá mạnh cổ phiếu này với hơn 2.8 triệu cổ phiếu.
VIC tiếp tục bị ”bỏ rơi” khi khối ngoại bán ròng thêm 119.2 tỷ đồng. Trong tháng 9, họ đã bán ròng hơn 451 tỷ đồng VIC, tương ứng với hơn 4.3 triệu cổ phiếu.
(11) Tổng cộng trong tháng 9, khối ngoại đã bán ròng rất mạnh gần 1,000 tỷ đồng trên HOSE. Họ thoát hàng ở nhiều mã bluechips, đứng đầu là VIC và tiếp theo sau đó là HAG với 185 tỷ đồng, FPT (155 tỷ), DPM (94 tỷ) và TTP (71 tỷ). Họ mua ròng mạnh nhất SSI với gần 97 tỷ đồng, KDC với 91.8 tỷ đồng.
NHẬN ĐỊNH THỊ TRƯỜNG TUẦN 03 – 07/10/2011
Mặc dù giao dịch chỉ chiếm từ 20 – 30% toàn thị trường, nhưng chúng tôi cho rằng xu hướng bán ròng mạnh của khối ngoại trong tháng 9 là không thể không để ý.
Ngoài sự dè dặt về triển vọng vĩ mô trong nước, sự bấp bênh của kinh tế thê giới đã khiến cho nhà đầu tư nước ngoài không chỉ ở Việt Nam mà còn các thị trường khác đang gia tăng nắm giữ tiền mặt.
Danh mục của khối ngoại chủ yếu nằm ở các bluechips và việc bán ròng mạnh sẽ khiến cho chỉ số thị trường khó có cơ hội duy trì đà tăng điểm lâu dài. Điều này rõ ràng là có tác động tiêu cực đến tâm lý thị trường nói chung.
Chúng ta hoàn toàn có thể kỳ vọng về dòng tiền của một làn sóng nhà đầu tư nước ngoài mới (theo khảo sát của Vietstock thì đây là một yếu tố được cho là rất quan trọng). Tuy vậy, thời điểm hiện nay có thể là quá sớm.
Đối với châu Âu, thông tin lạm phát tháng 9/2011 được công bố vào cuối tuần đang khiến cho triển vọng kinh tế châu Âu rơi vào tình trạng “rối bời”. Lạm phát tháng 9 của khu vực châu Âu theo ước tính ban đầu của Eurostat (Cơ quan Thống kê châu Âu) đã bất ngờ nhảy vọt lên mức 3%, so với 2.5% trong tháng 8. Đây là mức lạm phát cao nhất trong vòng 3 năm qua ở châu Âu, và nó khiến cho dự định hạ lãi suất để kích thích kinh tế của ECB trở nên rất phức tạp và khó thực hiện.
Tại Mỹ, những tranh luận về hiệu quả của chương trình kích thích kinh tế “Operation Twist” hiện đang tạm lắng xuống; và thay vào đó là mối quan ngại về thị trường việc làm ảm đạm của nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Tuần trước, chúng tôi đã nhấn mạnh đến yếu tố kết quả kinh doanh quý 3 như là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến xu hướng thị trường. Chỉ có một vài trường hợp cá biệt như TNC là có thể tác động đáng kể, còn nhìn chung thị trường đang có vẻ ”trơ” trước các thông tin dạng này. Cũng cần để ý thêm, BCTC quý 3 sẽ không được soát xét; và trong bối cảnh hiện nay thì hiện tượng ”xào nấu sổ sách” (cook the books) sẽ có dịp tung hoành.
Tuần giao dịch tới sẽ có ít thông tin vĩ mô trong nước quan trọng được công bố. Tâm điểm cần chú ý là diễn biến lãi suất trên thị trường liên ngân hàng (chỉ dấu cho vấn đề thanh khoản của các ngân hàng nhỏ) và các biện pháp hạ sốt trên thị trường vàng. Đọc thêm Macro View – Bình luận Kinh tế vĩ mô (link) của chúng tôi để nắm thông tin chi tiết.
Chúng tôi đang rất kỳ vọng vào sự trở lại của dòng tiền đầu cơ sau khi thị trường tiếp tục có thêm vài phiên giảm sâu. Mô hình Định lượng Kỹ thuật của chúng tôi đang tiếp tục đưa ra khuyến nghị nâng tỷ lệ cổ phiếu trên cả hai sàn lên mức cao đáng kể. Điều này hàm ý rằng cơ hội mua vào có thể xuất hiện trở lại trong tương lai gần, dù cần phải theo dõi thêm một số tín hiệu xác nhận.
Việc trading ngắn hạn có lẽ cần lưu ý đến các cổ phiếu duy trì được mức thanh khoản để tăng cường hoạt động giao dịch trong phiên; và trong một bối cảnh thị trường có rủi ro cao, nên sẵn sàng cắt lỗ khi phát hiện mua vào không đúng nhịp ở những mã cụ thể.
Phân tích kỹ thuật: VN-Index – ADX tiếp tục lao dốc. Mặc dù có hồi phục trong phiên nhưng VN-Index vẫn tiếp tục lao dốc mạnh. Điều đáng chú ý là ADX duy trì đà giảm liên tục và kéo dài suốt 2 tuần qua. Điều này cho thấy xu hướng tăng điểm của thị trường này đang yếu đi nhanh chóng một cách đáng lo ngại.
Hai đường +DI và –DI vẫn tiếp tục phân kỳ mạnh chứng tỏ khả năng có tín hiệu mua trở lại vào đầu tuần sau không cao.
Nếu tiếp tục giảm, vùng 380 – 400 điểm sẽ hỗ trợ mạnh cho VN-Index.

HNX-Index – Nguy cơ test lại vùng đáy cũ. Sau khi phá vỡ SMA 100 và trendline chống đỡ ngắn hạn, HNX-Index đã tiếp tục điều chỉnh mạnh. Mẫu hình nến engulfing bear đã báo hiệu chính xác cho sự dịch chuyển đi xuống này.
Khối lượng cũng đang sụt giảm nhanh chóng (giảm đến gần 42.85% so với phiên giao dịch ngày 29/09/2011). Điều này khiến cho động lực tăng trưởng của HNX-Index yếu hẳn đi và khó có thể bứt phá trở lại vào đầu tuần sau.
Khả năng test lại vùng đáy cũ 66 – 69 điểm đang rất lớn.

VIETSTOCK INDEX
VS 100: Tiếp tục suy giảm (-0.50%) trong phiên giao dịch ngày 30/09/2011, VS 100 gây lo ngại lớn cho giới đầu tư về khả năng thất bại của mẫu hình dài hạn Double Bottom.
Vùng 65 – 67 điểm đã trở thành congestion zone và sẽ ngăn chặn đà phục hồi (nếu có) của giá trong những phiên tới.
Chúng tôi cho rằng đà sụt giảm có thể sẽ tiếp tục trong thời gian tới.

VS-Market Strength: Trong phiên giao dịch ngày 30/09/2011, VS-A/D HOSE đạt mức 0.58, tức số mã tăng giá bằng 0.58 lần số mã giảm giá; trong khi VS-U/D HOSE là 0.47, tức khối lượng của cổ phiếu tăng giá bằng 0.47 lần so với khối lượng giao dịch của phía giảm giá. VS-A/D HNX đạt 0.52 lần và VS-U/D HNX bằng 0.09 lần. Chỉ số VS-Arms VN duy trì ở mức 2.38.

THỐNG KÊ THỊ TRƯỜNG TUẦN 26 – 30/09/2011

Phòng Nghiên cứu Vietstock



Xem bài viết: Vietstock Weekly 03 - 07/10: Chờ đợi tín hiệu xác nhận để gia nhập thị trường