Vietstock Weekly 26 - 30/09: Tâm điểm là nỗi lo thế giới suy thoái và kết quả kinh doanh quý 3
(Vietstock) – Những thông tin bên lề về kết quả hoạt động quý 3 của các doanh nghiệp sẽ trở thành một tâm điểm được bàn luận. Khối ngân hàng có thể duy trì lợi nhuận ở mức cao; trong khi chứng khoán, bất động sản, vận tải biển... sẽ chưa có sự cải thiện đáng kể nào.
* Macro View - Bình luận Kinh tế vĩ mô: Tuần 26 - 30/09/2011
THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN VIỆT NAM TUẦN QUA
(1) Thị trường tiếp tục đà giảm điểm khi VN-Index sụt giảm mạnh 3.68% kết thúc tuần ở mức 440.3 điểm, HNX-Index giảm nhẹ 0.4% xuống 74.58 điểm, trong khi đó chỉ số VS 100 giảm 0.8%.
(2) Chỉ có VS-Mid Cap tăng điểm nhẹ 0.65%, trong khi VS-Large Cap sụt giảm mạnh nhất 5.75%, tiếp theo là VS-Micro Cap giảm 1.12% và VS-Small Cap giảm 0.5%. Sau khi giảm mạnh nhất trong tuần trước, VS-Mid Cap đang có tuần sinh lời mạnh nhất trong các nhóm.
(3) Chỉ số VN-Index bị ”biến dạng” do sự sụt giảm của các cổ phiếu vốn hóa lơn như BVH, MSNVIC khiến chỉ số này giảm điểm mạnh.
(4) Giao dịch trong tuần diễn ra trầm lắng khi tổng khối lượng khớp lệnh trên HOSE giảm mạnh 36.8%, HNX sụt giảm đến 43% so với tuần giao dịch trước.

(5) Hoạt động chốt lời diễn ra khá mạnh mẽ trong các phiên đầu tuần. Hoạt động đầu cơ ”đón lõng” thông tin CPI tuy dè dặt nhưng cũng giúp giao dịch trở nên sôi động hơn. Tâm lý giới đầu tư lạc quan khi CPI tháng 9 tại Hà Nội được công bố chỉ tăng rất nhẹ ở mức 0.22%. Tuy vậy, mức CPI tại TPHCM tăng đến 0.88% khiến thị trường có một phiên bán tháo vào giữa tuần.
Sự diễn giải quá đà về thông tin CPI tháng 9 tại TPHCM được giải tỏa và giao dịch lạc quan trở lại vào phiên thứ Năm.
Tuy vậy, e ngại trước viễn cảnh kinh tế thế giới đã cuốn TTCK Việt Nam giảm mạnh trở lại vào phiên cuối tuần. Công bằng mà nói, HNX đang tỏ ra ít rủi ro hơn HOSE khi giao dịch vẫn đang sôi động và có dấu hiệu nguồn cung khá bình tĩnh neo lệnh chủ yếu ở giá cao.
(6) Chỉ có 11/24 ngành tăng điểm trong tuần qua. Nông – lâm – ngư nghiệp bất ngờ đứng đầu danh sách là ngành tăng điểm mạnh nhất với mức tăng 8.5%, tiếp đến là SX Nhựa và Hóa chất, Công nghệ thông tin. Trong khi đó, sự sụt giảm liên tục của BVH khiến chỉ số ngành Bảo hiểm giảm điểm mạnh nhất ở mức 11.16%.
Các ngành nóng đều tăng điểm nhẹ trong tuần chứng tỏ ”phương châm” đầu cơ vẫn đang được tận dụng triệt để, đặc biệt là trên HNX. Cổ phiếu nhóm Xây dựng tăng 1.23%, Chứng khoán tăng 1.18%, Bất động sản tăng 0.86% và Ngân hàng tăng 0.74%.
(7) Khối ngoại tiếp tuc bán ròng mạnh mẽ trong tuần qua với tổng giá trị 134.2 tỷ đồng, gồm bán ròng 129.5 tỷ đồng trên HOSE và mua ròng nhẹ 4.7 tỷ đồng trên HNX.
(8) Giao dịch khối ngoại tiếp tục duy trì mạnh trên HOSE. Tổng giá trị mua đạt 1,187 tỷ đồng, trong khi tổng giá trị bán lên tới 1,316 tỷ đồng và chiếm gần 27.8% tổng giá trị giao dịch toàn thị trường trong tuần. Giao dịch của khối ngoại đã tác động đáng kể đến tâm lý thị trường.
• Khối ngoại bất ngờ mua ròng mạnh nhất KDC khi có gần 2.3 triệu cổ phiếu được mua ròng tương ứng với gần 80 tỷ đồng, trong đó có 2.29 triệu cổ phiếu được mua thỏa thuận - đây có thể là giao dịch mua của Deutsche Bank AG London.
• Trong tuần khối ngoại tiếp tục ”bỏ rơi” VIC khi bán ròng thêm 128.5 tỷ đồng. Họ đã bán ròng mạnh 10 phiên liên tiếp cổ phiếu này với tổng giá trị gần 319 tỷ đồng, tương ứng với hơn 3 triệu cổ phiếu.
• Chuyển nhượng nội khối cũng diễn ra khá sôi động trong tuần. Trong đó, MSN có giao dịch lớn nhất với 4 triệu cổ phiếu được chuyển nhượng và bên bán là một quỹ thuộc Bank Invest.
NHẬN ĐỊNH THỊ TRƯỜNG TUẦN 26 – 30/09/2011
(1) Xu hướng chính của thị trường trong tuần qua là giảm nhẹ khi chỉ số VS 100 chỉ giảm 0.8%. Tuy vậy, phiên cuối tuần đã chứng kiến giao dịch trở nên kém lạc quan hơn, trước những e ngại về rủi ro kinh tế thế giới rơi vào suy thoái kép.
(2) Triển vọng kinh tế Mỹ và châu Âu sẽ là tâm điểm của tuần giao dịch tới, không chỉ ở Việt Nam. Cuối tuần, Fed vừa công bố chương trình “Operation Twist”. Theo đó cơ quan này sẽ bán 400 tỷ USD trái phiếu ngắn hạn (đáo hạn trong vòng 3 năm trở lại) để mua 400 tỷ USD trái phiếu dài hơn (đáo hạn trong vòng 6 đến 30 năm tới) bắt đầu từ tháng 10/2011 và kết thúc vào tháng 6/2012. Mục đích cuối cùng của Fed là nhằm tiếp tục kéo giảm lãi suất cho vay và kích thích nền kinh tế.
(3) Mặc dù không nằm ngoài dự đoán, nhưng các thị trường tài chính đang phản ứng rất tiêu cực trước động thái này của Fed.
Biện pháp này bị cho là không thể tạo tác động đủ lớn để vực dậy nền kinh tế Mỹ. Quan điểm này cùng với e ngại về khủng hoảng nợ công châu Âu và dấu hiệu trì trệ của lĩnh vực sản xuất tại Trung Quốc đã đẩy tâm lý thị trường chứng khoán và hàng hóa vào trạng thái bi quan.
Đối với giá vàng, giới đầu cơ đã rất tin vào khả năng lớn là Fed sẽ sử dụng các biện pháp bơm thêm tiền để kích thích nền kinh tế. Tuy vậy, “Operation Twist” chỉ là một chương trình hoán đổi mà không mở rộng cung tiền. Điều này cùng với việc đồng USD đang có dấu hiệu mạnh lên đã đẩy giá vàng giảm mạnh, sau một giai đoạn tăng như “vũ bão”.
(4) Sau khi thực hiện “Operation Twist”, giới chuyên gia ở Mỹ cho rằng Fed vẫn còn hai khả năng chính sách có thể thực hiện là: (i) cắt giảm lãi suất dự trữ bắt buộc (của các ngân hàng tại Fed, tức gián tiếp nới lỏng tiền tệ) và/hoặc (ii) tiếp tục với gói nới lỏng định lượng lần 3 (QE3).
Việc tiếp tục nới lỏng định lượng sau cuộc họp lần này của Fed là khó vì phái bảo thủ trong cơ quan này sẽ phản đối khi lạm phát lõi của Mỹ đã lên đến 2%. Cần để ý rằng vẫn có đến 3 thống đốc khu vực của Fed phản đối chương trình “Operation Twist”.
QE3 sẽ được thực hiện nếu Fed nhận thấy chắc chắn rằng đà tăng trưởng kinh tế Mỹ vẫn yếu ớt và thất nghiệp tiếp tục tăng lên. Đây là điều mà giới chuyên gia dự báo sẽ diễn ra trong thời gian tới.
(5) Khủng hoảng ở châu Âu vẫn chưa có tín hiệu đi vào hồi kết, và cũng chưa có các biện pháp cụ thể hơn nào khác được đề cập trong thời gian gần đây. Trong khi đó, có thông tin cho rằng Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã tăng tốc mua vào trái phiếu chính phủ Ý và Tây Ban Nha, và thừa nhận Hy Lạp có thể bị vỡ nợ.
(6) Chúng tôi cũng nhận thấy một hiện tượng trong giai đoạn 2008 – 2009 đang lặp lại. Đó là việc các thị trường tài chính tỏ ra “tham lam”, khi sẵn sàng nhận định các gói giải pháp của các chính phủ là “chưa đủ lớn, mạnh” và phản ứng bi quan sau các động thái này.
Cần để ý rằng, các giao dịch phái sinh là rất đa dạng ở thị trường phát triển; và một sự đánh cược vào rủi ro cũng có thể đem lại lợi nhuận cho nhiều định chế tài chính.
(7) Lạm phát: Đến lúc này Tổng cục Thống kê vẫn chưa chính thức công bố rộng rãi thông tin CPI tháng 9 của cả nước. Chúng tôi vẫn giữ quan điểm lạm phát theo tháng đã đạt đỉnh và NHNN vẫn đang có dấu hiệu duy trì việc nới lỏng tín dụng trong các tháng cuối năm. Chứng khoán đã có một tuần giao dịch dựa trên các số liệu CPI đồn đoán. Trong tuần tới, hiệu ứng tích cực (nếu có) của thông tin này sẽ không còn mạnh mẽ như trước đó.
(8) Thay vào đó, những thông tin bên lề về kết quả hoạt động quý 3 của các doanh nghiệp sẽ trở thành một tâm điểm được bàn luận. Khối ngân hàng có thể duy trì lợi nhuận ở mức cao; trong khi chứng khoán, bất động sản, vận tải biển... sẽ chưa có sự cải thiện đáng kể nào. Gam màu xám nhiều khả năng tiếp tục là gam màu chủ đạo trong bức tranh lợi nhuận của các doanh nghiệp, khi môi trường kinh doanh vẫn chưa có nhiều thay đổi.
(9) Trong giai đoạn hiện nay, việc theo dõi chủ đề thanh khoản và triển vọng kinh tế thế giới trở nên rất quan trọng, đề phòng vệ trước khả năng chứng khoán toàn cầu rơi vào đợt suy giảm mạnh.
Phân tích kỹ thuật: VN-Index – Tiếp tục giảm mạnh. Giảm mạnh ngay từ đầu phiên và không hề có hồi phục đáng kể trong phiên, VN-Index tiếp tục đà lao dốc sau khi phá vỡ không thành công ngưỡng SMA 300 và internal trendline.
Khối lượng cũng tiếp tục sụt giảm khá mạnh cho thấy khả năng giảm điểm tiếp tục là vẫn còn. Hai đường –DI và +DI cũng sắp cho tín hiệu hiệu bán trong khi ADX vẫn tiếp tục đà suy giảm mạnh.
VN-Index cũng đã gần như phá vỡ đường trendline chống đỡ ngắn hạn với phiên giảm điểm ngày 23/09/2011. Nếu thanh khoản không cải thiện trong những phiên đầu tuần sau thì khả năng điều chỉnh sẽ tiếp tục cao.

HNX-Index – Sắp test lại trendline ngắn hạn. Đường trendline ngắn hạn và SMA 100 một lần nữa lại sắp được test do HNX-Index có phiên giảm điểm khá mạnh trong ngày 23/09/2011.
Chúng tôi thực sự lo ngại vì thanh khoản tiếp tục sụt giảm và chỉ bằng khoảng 50% so với mức trung bình của tuần trước. Mẫu hình nến engulfing bear cũng làm cho khả năng suy giảm sâu lớn hơn vào đầu tuần sau.
Sự thận trọng là cần thiết nếu như giá không phục hồi mạnh trở lại trong vài phiên tới.

VIETSTOCK INDEX
VS 100: Giảm mạnh (+1.24%) trong phiên giao dịch ngày 23/09/2011, chỉ số này lại một lần nữa test lại đường chống đỡ của Double Bottom.
Khối lượng phiên cuối tuần sụt gần 25% so với thứ Năm. Thanh khoản đi xuống cho thấy nguy cơ thất bại của mẫu hình dài hạn Double Bottom là không nhỏ.

VS-Market Strength: Trong phiên giao dịch ngày 23/09/2011, VS-A/D HOSE đạt mức 0.34, tức số mã tăng giá bằng 0.34 lần số mã giảm giá; trong khi VS-U/D HOSE là 0.63, tức khối lượng của cổ phiếu tăng giá bằng 0.63 lần so với khối lượng giao dịch của phía giảm giá. VS-A/D HNX đạt 0.7 lần và VS-U/D HNX bằng 0.37 lần. Chỉ số VS-Arms VN duy trì ở mức 1.02.

THỐNG KÊ THỊ TRƯỜNG TUẦN 19 – 23/09/2011

Phòng Nghiên cứu Vietstock



Xem bài viết: Vietstock Weekly 26 - 30/09: Tâm điểm là nỗi lo thế giới suy thoái và kết quả kinh doanh quý 3