Doanh nghiệp công bố hủy niêm yết để... quên?
Khó huy động vốn, áp lực công bố thông tin và những chi phí duy trì niêm yết là các lý do chính khiến doanh nghiệp rời sàn
CTCP Sông Đà 27 (S27) vừa chốt danh sách cổ đông để lấy ý kiến về việc xin hủy niêm yết chứng khoán tự nguyện tại sàn HNX. Trước đó, Khoáng sản Sài Gòn - Quy Nhơn (SQC), Công nghệ Viễn thông Sài Gòn (SGT), Thực phẩm Quốc tế (IFS), Xây dựng số 11 (V11), Hóa Dược phẩm Mekophar (MKP) cũng đã công bố kế hoạch rời sàn. Tính từ tháng 5/2011 đến nay, có ít nhất 6 DN muốn hủy niêm yết, nhưng chưa một DN nào chính thưc nộp hồ sơ xin huỷ niêm yết đến Sở GDCK.
101 lý do xin huỷ niêm yết
Trao đổi với ĐTCK, bà Nguyễn Thị Kim, phụ trách công bố thông tin, Kế toán trưởng S27 cho biết, đại diện phần vốn nhà nước là Tập đoàn Sông Đà (nắm 37% cổ phần) đã có ý kiến chấp thuận việc hủy niêm yết. Do số cổ đông nội bộ có tỷ lệ nắm giữ thấp, lượng cổ đông bên ngoài của Công ty là chủ yếu (trên 50%), nên hiện cũng không chắc tính khả thi của chủ trương hủy niêm yết đến đâu.
Bà Kim cho biết thêm, có một số lý do chính dẫn đến việc hủy niêm yết. Thứ nhất, Công ty đặt nhiều hy vọng vào mục tiêu sau khi niêm yết sẽ huy động thêm vốn qua sàn, vì Công ty có vốn điều lệ khiêm tốn (15,7 tỷ đồng), trong khi giá trị của các hợp đồng và dự án đang triển khai có nhu cầu vốn khá lớn. Hiện nay, Công ty đang gặp khó về tài chính, lại khó vay vốn ngân hàng, thời gian đầu tư kéo dài, tình hình thu vốn chậm, tiến độ thi công các công trình đều chậm, trong khi không huy động được vốn qua TTCK.
Thứ hai, tính thanh khoản cổ phiếu S27 sau khi niêm yết rất thấp. Thứ ba là áp lực về chi phí bắt buộc phải trả hàng năm đối với các khoản phí của một công ty niêm yết, trong khi Công ty đang khó khăn về tài chính. Thứ tư, đó là áp lực về công bố thông tin đối với công ty niêm yết. Nếu là một công ty đại chúng chưa niêm yết, Công ty sẽ đỡ áp lực hơn. “Do đó, mặc dù niêm yết đến nay mới chỉ 1 năm (ngày 16/9/2010), nhưng chúng tôi vẫn phải đưa ra quyết định hủy niêm yết và tìm đến các phương thức huy động vốn khác từ cá nhân, tổ chức là CBCNV, đối tác. Khi nào mọi việc đi vào ổn định, S27 sẽ niêm yết trở lại”, bà Kim nói.
Đối với IFS, theo một nguồn tin từ DN này, sau khi cổ đông sáng lập bán 57,25% cổ phần tại IFS cho đối tác Kirin Holdings Company Limited (Kirin) - một tập đoàn toàn cầu về kinh doanh thực phẩm, thì chiến lược kinh doanh của IFS đã thay đổi. Thay vì hoạt động theo mô hình CTCP đại chúng, IFS hướng đến một công ty con thuộc tập đoàn đa quốc gia, vốn rất phổ biến. Do đó, trung tuần tháng 5/2011, IFS đã có nghị quyết ĐHCĐ quyết định hủy niêm yết. IFS có vốn điều lệ gần 300 tỷ đồng, tiền thân là DN FDI thực hiện CPH và tiến hành niêm yết.
Là DN hoạt động hiệu quả và có mức độ đại chúng khá cao, nhưng CTCP Hóa - Dược phẩm Mekophar (MKP) cũng phải tính chuyện rút niêm yết. Lý do mà MKP đưa ra là Công ty không đăng ký được ngành nghề “bán buôn, bán lẻ dược phẩm” vì có cổ đông ngoại. Công văn số 1862/BKHĐT-ĐTNN ngày 28/3/2011 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết: “Công ty Mekophar với 4,28% sở hữu của NĐT nước ngoài là DN có vốn đầu tư nước ngoài” và đây là lý do chính để Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. HCM không thực hiện cấp lại giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh với việc bổ sung ngành nghề “bán buôn, bán lẻ dược phẩm” cho Mekophar. Tin từ DN này cho biết, hồ sơ xin hủy niêm yết đã được hoàn tất.
Với lý do tái cấu trúc, củng cố lại hoạt động kinh doanh của DN, tháng 6/2011, CTCP Xây dựng số 11 (V11) đã có Nghị quyết HĐCĐ ủy quyền cho HĐQT xem xét việc hủy niêm yết tại HNX. Mới đây, V11 đã bị HNX đưa vào diện cảnh báo do kiểm toán viên đưa ra ý kiến nghi ngờ về khả năng tiếp tục hoạt động.
Khi được hỏi về chuyện SQCSGT đặt vấn đề hủy niêm yết từ lâu nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện, ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT của cả hai DN trên từ chối bình luận và cho biết, chủ trương trên là thuộc thẩm quyền ĐHCĐ, chứ không phải do cá nhân ông quyết định.
Chưa DN nào nộp hồ sơ xin huỷ niêm yết đến Sở
Tin từ IFS, việc HĐQT DN này chưa nộp đơn xin hủy niêm yết theo tinh thần nghị quyết ĐHCĐ là do Công ty đang xem xét sau khi hủy niêm yết thì việc giao dịch cổ phiếu của DN sẽ ra sao. Một hướng đi đang được IFS tính đến là mua lại cổ phần để giảm số NĐT xuống dưới 100 NĐT. Khi đó, DN sẽ hoạt động theo Luật DN, chứ không theo Luật Chứng khoán.
Thực tế cho thấy, việc công bố thông tin hủy niêm yết tác động rất lớn đến tâm lý NĐT do DN thay đổi chiến lược kinh doanh và hạn chế tính thanh khoản của cổ phiếu. Sau khi có thông tin hủy niêm yết, giá cổ phiếu thường có chiều hướng giảm xuống, bởi tính thanh khoản giảm mạnh. Việc công bố hủy niêm yết xong để đó như một số DN đang làm đã ảnh hưởng không nhỏ đến quyền lợi NĐT, nhất là những NĐT nhỏ.
Theo Điều 14, Nghị định số 14/2007/NĐ-CP, DN muốn hủy niêm yết phải được sự chấp thuận của ĐHCĐ với tỷ lệ ít nhất 65% số phiếu biểu quyết của tất cả các cổ đông dự họp (hoặc 75% trong trường hợp lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản). Sau đó, DN phải nộp một bộ hồ sơ đề nghị hủy niêm yết cho Sở GDCK. Trong vòng 30 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Sở giao dịch xem xét chấp thuận/không chấp thuận hủy niêm yết chứng khoán.
Theo tìm hiểu của ĐTCK, mặc dù các DN có nghị quyết ĐHCĐ về chủ trương rút niêm yết, nhưng hiện tại, các Sở GDCK vẫn chưa nhận được hồ sơ nào xin hủy niêm yết của DN.
Nguyên Thành - Kim Lan
đầu tư chứng khoán



Xem bài viết: Doanh nghiệp công bố hủy niêm yết để... quên?