Viện trưởng Viện Kinh tế VN: Phải rõ lập trường trong thu hút FDI

Ông Trần Đình Thiên

Để chiến lược thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt được mục tiêu và chất lượng, phải tạo môi trường thể chế cho nhà đầu tư vận hành công việc tốt nhất. Ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam khẳng định như vậy.
Thưa ông, việc xem xét thay đổi chính sách nhằm nâng cao chất lượng nguồn vốn FDI đã được đặt ra. Ông có nhận xét gì về việc áp dụng chính sách ưu đãi, nhất là ưu đãi về đất đai?
Chúng ta cần có lập trường vững vàng trong thu hút FDI. Nếu cứ ưu đãi “lặt vặt”, tràn lan, thì nhà đầu tư nào cũng thích, nhưng chỉ thu hút được những nhà đầu tư nhỏ. Hơn thế, nếu chỉ dùng ưu đãi để gọi vốn, nhà đầu tư sẽ có xu hướng đòi thêm. Cuối cùng, lợi ích thu được cho Việt Nam là tối thiểu.
Cách thức đàm phán trực tiếp về ưu đãi với các nhà đầu tư lớn, theo ông, có phải là hướng đi để giải quyết được tình trạng này?
Chúng ta đang thực hiện ưu đãi theo kiểu hạ giá, thuế thu ít đi, lương công nhân thấp, giá đất rẻ, giá năng lượng rẻ… Trong chừng mực nào đó, cách ưu đãi này là cần thiết, nhưng nếu chỉ tập trung làm như vậy, chúng ta sẽ mất rất nhiều, bởi lợi ích thu được chẳng bao nhiêu, trong khi mục tiêu thu hút công nghệ cũng khó đạt được.
Cần cạnh tranh thu hút FDI bằng cách tạo môi trường thuận lợi hơn cho nhà đầu tư, chứ không phải bằng việc bớt đi chút thuế, bớt đi chút tiền thuê đất… Có nghĩa là, để chiến lược thu hút FDI đạt được mục tiêu và chất lượng, phải tạo môi trường thể chế cho nhà đầu tư vận hành công việc tốt nhất. Đó chính là ưu đãi chiến lược. Các ưu đãi trực tiếp chỉ là hỗ trợ, chứ không thể mang tính quyết định.
Nhưng trên nhiều diễn đàn, nhà đầu tư nước ngoài luôn kêu là giảm ưu đãi khiến sức hấp dẫn của môi trường đầu tư Việt Nam kém đi?
Nhà đầu tư bao giờ cũng thích ưu đãi. Nếu chúng ta tạo cho họ thói quen đến Việt Nam vì thuế thấp, giá đất, điện, tài nguyên thấp, thì họ sẽ đòi giảm tiếp.
Trong khi đó, với việc tạo dựng môi trường thể chế để cạnh tranh, như luật lệ thông thoáng, thực thi nghiêm ngặt; hạ tầng tốt; nguồn nhân lực đảm bảo…, lợi ích sẽ lớn hơn so với những gì mà ưu đãi trực tiếp mang lại.
Nhưng phải thừa nhận rằng, ta chưa có được sự hấp dẫn về môi trường thể chế, nên cứ lấy ưu đãi trực tiếp, giảm giá để gọi vốn.
Trong bối cảnh thể chế vẫn chưa cải thiện nhiều, có lẽ vẫn cần ưu đãi trực tiếp…
Tôi phản đối cách nghĩ là chừng nào chưa cải thiện được môi trường thể chế, thì còn phải tiếp tục ưu đãi giảm giá. Nếu chúng ta không thay đổi, thì sẽ bán rẻ đất đai đến bao giờ, chịu chi phí thu hút FDI rất đắt đến bao giờ?.
Khánh An
đầu tư



Xem bài viết: Viện trưởng Viện Kinh tế VN: Phải rõ lập trường trong thu hút FDI