Vietstock Weekly 12-16/09: Lãi suất giảm thực chất, chứng khoán sẽ tăng bền vững
(Vietstock) – NHNN sẽ tận dụng sự linh hoạt trên thị trường mở để thực hiện chủ trương giảm lãi suất. Chúng ta sẽ cần quan sát các dấu hiệu trên thị trường liên ngân hàng và thị trường mở cũng như mức độ tiếp cận vốn giá rẻ của doanh nghiệp để khẳng định một xu hướng giảm lãi suất thực sự đã diễn ra. Và lúc này, đà tăng của chứng khoán sẽ trở nên bền vững.
I. KINH TẾ TÀI CHÍNH TUẦN QUA
Kinh tế thế giới
Mỹ: Theo công bố của Bộ Lao động Mỹ, nền kinh tế nước này đã không tạo ra thêm việc làm nào trong tháng 8 và tỷ lệ thất nghiệp tiếp tục đứng ở mức 9.1%.
Trong bối cảnh tỷ lệ thất nghiệp liên tục duy trì ở mức cao và niềm tin của người dân vào sự chèo lái nền kinh tế sụt giảm mạnh, Tổng thống Barack Obama đã kêu gọi Quốc hội Mỹ thông qua gói kích thích việc làm trị giá 447 tỷ USD nhằm thúc đẩy nền kinh tế, cao hơn so với dự kiến trước đó là 300 tỷ USD.
Theo kế hoạch, số tiền này sẽ được bơm vào nền kinh tế thông qua các khoản chi tiêu cơ sở hạ tầng, trợ cấp cho các chính quyền địa phương và cắt giảm thuế thu nhập cho các công nhân cũng như các doanh nghiệp nhỏ. Dự kiến, gói chi tiêu này sẽ phát huy hiệu quả đối với nền kinh tế vào năm tới và có thể kéo dài tới năm 2013.
Có thể xem đây là tín hiệu tích cực đối với thị trường lao động nếu lời kêu gọi này trở thành sự thật; tuy nhiên, hiện kế hoạch kích thích này đang vấp phải những dư luận trái chiều.
Trong khi đó, việc ngầm ý Fed sẽ hành động để kích thích kinh tế nhưng không nêu ra chi tiết đã làm thị trường chứng khoán thất vọng và kéo theo đó là một phiên giảm mạnh. Ở thời điểm hiện nay, bất kỳ động thái nào của Chủ tịch Fed Ben Bernanke cũng có thể làm thị trường dao động mạnh.
Châu Âu: Nỗ lực tìm kiếm các giải pháp cho vòng xoáy nợ công hiện vẫn còn bế tắc. Theo Chủ tịch tương lai của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), Mario Draghi, các biện pháp mà ECB đang áp dụng như mua trái phiếu để bình ổn các thị trường chỉ là tạm thời và cần phải có sự hội nhập kinh tế sâu rộng thì mới có hy vọng tăng thêm sự hợp tác trong các chính sách tài chính.
Các nước trong khu vực Eurozone vẫn đang nỗ lực để kiểm soát nợ công. Thượng viện Ý thông qua kế hoạch cắt giảm thâm hụt bớt 54 tỷ euro (tương đương 70 tỷ USD) trong vòng 3 năm. Thượng viện Tây Ban Nha cũng phê chuẩn “quy định vàng” trong hiến pháp nước này nhằm đưa thâm hụt ngân sách về mức giới hạn nghiêm ngặt.
Châu Á: Trái ngược với bức tranh nhuộm màu sắc bi quan của kinh tế Mỹ và châu Âu, sức khỏe nền kinh tế châu Á vẫn khả quan hơn. Điều này đã phần nào được thể hiện ở sự sôi động trong việc thúc đẩy hoạt động IPO ở khu vực châu Á trong thời gian tới, trong khi nó đã gần như bị tắt ngấm tại Mỹ và châu Âu.
Mối quan ngại về làn sóng suy thoái toàn cầu đã có tác động xấu tới thị trường châu Ấ, nhưng vẫn có niềm tin cho rằng kết quả tốt ở các hoạt động IPO sắp tới sẽ giúp thị trường bình ổn trở lại.
Kinh tế trong nước
Tăng trưởng tín dụng: nới lỏng có kiểm soát
Định hướng tăng trưởng tín dụng những tháng cuối năm 2011 ở mức vừa phải của NHNN được thể hiện rất rõ khi chính thức đề cập mức dự kiến cả năm vào khoảng 15-18%.
Theo công bố của NHNN, tính đến ngày 30/8, tăng trưởng tín dụng chỉ ở mức 8.85% so với cuối năm 2010, tức chỉ khoảng nửa đường so với chỉ tiêu mới nhất 15-18%.
NHNN đã phát đi những thông điệp cứng rắn trong việc xử phạt các ngân hàng có tăng trưởng tín dụng đến 30/07/2011 vượt chỉ tiêu 20%. NHNN cũng yêu các ngân hàng thực hiện chính xác việc phân loại nợ và trích lập dự phòng đối với các khoản về bản chất là cho vay, chẳng hạn như các khoản ủy thác đầu tư, ứng trước, ủy thác quản lý vốn… và thậm chí cả trái phiếu doanh nghiệp có thể cũng phải được minh bạch hóa và tính vào tăng trưởng tín dụng.
Ngoài ra, NHNN cũng đã có những quy định chặt chẽ hơn trong việc mua trái phiếu doanh nghiệp của các TCTD nước ngoài. Điều này cũng đồng nghĩa với động thái kiểm soát chặt chẽ tăng trưởng tín dụng nay đã nhắm đến cả các TCTD nước ngoài.
Lãi suất huy động trần 14%/năm: Cần nhưng chưa đủ
Song song với sự đồng thuận của 12 ngân hàng lớn, chiếm 80% thị phần, trong việc không vượt trần lãi suất tiền gửi 14%/năm, Chỉ thị 02 vừa mới được NHNN ban hành cũng đã đưa ra những hình thức xử lý nghiêm các hoạt động lách trần lãi suất huy động như cách chức lãnh đạo, hạn chế mở rộng phạm vi, địa bàn hoạt động, phòng giao dịch.
Tín hiệu tích cực đi liền sau đó là các giao dịch thỏa thuận lãi suất gần như đã dừng lại, và trần huy động 14%/năm được chấp hình nghiêm chỉnh.
Tuy nhiên, đằng sau biện pháp hành chính áp trần lãi suất huy động này vẫn còn nhiều điểm bất cập và có thể làm phát sinh hệ lụy:
(1) Nhóm các ngân hàng nhỏ, yếu kém, thiếu thanh khoản sẽ rất khó cạnh tranh với các “đại gia” ngân hàng khi NHNN áp trần lãi suất huy động 14%/năm; trong khi đó nguồn vốn “hỗ trợ” từ NHNN vẫn chưa thể tiếp cận được.
(2) Việc kiểm soát sự thực thi của cả một hệ thống ngân hàng sẽ gặp không ít trở ngại. Trong khi đó, nếu các ngân hàng nhỏ có những hành động vượt trần thì hiệu ứng domino sẽ lan đi rất nhanh và khó kiểm soát.
(3) Sau Chỉ thị 02, lãi suất liên ngân hàng đã có dấu hiệu tăng đột biến và các “đại gia” ngân hàng dồi dào thanh khoản đã chớp thời cơ thu lợi trên thị trường này.
Trước ngày 8/9/2011, lãi suất huy động trên thị trường 1 là 17-18% và lãi suất trên thị trường 2 vào khoảng 14-15%. Tuy nhiên, từ ngày 8/9/2011, lãi suất huy động trên thị trường 1 quay về mức trần 14% theo chỉ thị, trong khi lãi suất trên thị trường 2 tăng vọt lên 17-20%.
Đây là diễn biến không hề bất ngờ vì như đề cập ở trên các ngân hàng nhỏ sẽ rất khó cạnh tranh trên thị trường 1 (huy động vốn từ dân cư và doanh nghiệp) khi áp dụng mức lãi suất chung 14%. Áp lực thanh khoản đã khiến các ngân hàng này tìm kiếm nguồn vốn trên thị trường liên ngân hàng.
Đây là một thách thức cho chủ trương kéo giảm lãi suất. Và không còn cách nào khác, NHNN sẽ phải tiếp tục tung ra những biện pháp tái cấp vốn trên thị trường mở để đáp ứng nhu cầu này, với lãi suất thấp hơn để làm dịu nhu cầu vốn trên thị trường liên ngân hàng.
Nói cách khác, lãi suất liên ngân hàng dịu lại trong thời gian tới là một chỉ dấu rất quan trọng cho thấy một sự ổn định trở lại trên thị trường tiền tệ và xu hướng giảm lãi suất được củng cố. Ngược lại, nếu lãi suất liên ngân hàng chưa hết nóng thì việc kéo giảm lãi suất xem ra còn nhiều trắc trở.
Chúng tôi cũng muốn nhấn mạnh cần phải theo dõi đà giảm thực chất của lãi suất thông qua không những số điểm % được kéo xuống mà còn ở mức độ tiếp cận các khoản vay giá rẻ của doanh nghiệp. Mức độ tiếp cận càng lớn và càng dễ dàng sẽ chứng minh đà giảm càng thực chất, và ngược lại.
Tín hiệu khả quan hơn trên thị trường ngoại hối và tỷ giá
Thị trường ngoại hối trong những ngày gần đây đã không còn quá căng thẳng. Nguyên nhân được biết đến là do thị trường đầu cơ vàng không còn quá “ồn ào” như giai đoạn tháng 8 trước những diễn biến tăng giảm nhanh chóng của vàng thế giới và chủ trương can thiệp của NHNN.
Ngoài ra, với nguồn dự trữ ngoại hối đã khá dồi dào trở lại (hiện vào khoảng 15 tỷ USD), NHNN đã tuyên bố sẵn sàng bán ngoại tệ để can thiệp thị trường, cũng phần nào chặn đứng tình trạng đầu cơ tỷ giá.
II. THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN VIỆT NAM
Thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục có một tuần tăng điểm, VN-Index vụt tăng mạnh mẽ 5.66%, trong khi HNX-Index chỉ tăng 1.88% và VS 100 tăng nhẹ 1.56%. Các cổ phiếu vốn hóa lớn như BVH, MSN, VIC... tăng mạnh trong tuần là nguyên nhân chính khiến VN-Index có sự khác biệt so với các chỉ số còn lại.
Diễn biến đáng chú ý trong tuần
(1) Các chỉ số Market Cap đều tăng điểm trong tuần giao dịch, trong đó VS-Large Cap tăng điểm mạnh nhất 7.62%, tiếp theo là VS-Mid Cap tăng 2.04%, VS-Micro Cap tăng 2.01% và VS-Small Cap tăng ít nhất 1.8%.
(2) Khối lượng giao dịch trên HOSE và HNX tiếp tục tăng mạnh lần lượt 15.5% và 16.5% so với tuần giao dịch trước. Khối lượng khớp lệnh nhảy vọt 24.2% trên HOSE và 14.4% trên HNX.

(3) Hiện tượng chốt lời diễn ra mạnh mẽ trên hai sàn, đặc biệt là trên HNX khi cuối tuần HNX-Index có phiên giảm nhẹ.
(4) Số ngành tăng điểm vẫn chiếm ưu thế khi có 19/24 ngành được cải thiện. Trong dó VS-Insurance bứt phá tăng 18.63% nhờ sự đột phá của BVH. Các ngành nóng như Chứng khoán, Bất động sản tăng lần lượt 1.99% và 1.55%, trong khi Ngân hàng có 1 tuần đứng giá và Chứng chỉ quỹ giảm điểm mạnh nhất 1.21%.
(5) Những vấn đề liên quan tới trách nhiệm của LCG về khoản nợ tiềm tàng 5,852 lượng vàng của công ty con đang là vấn đề nổi trội. Cổ phiếu LCG đã có hai phiên giảm sàn liên tiếp với khối lượng giao dịch hàng triệu cổ phiếu nhưng sau đó lại tăng trần trở lại khi xuất hiện thông tin đính chính từ LCG. Khoản nợ này có vẻ phức tạp khi có liên quan đến một vụ án đang được xét xử.
(6) Mặc dù MSN công bố thông tin về việc việc chào mua để thâu tóm VCF nhưng mã cổ phiếu này vẫn nằm trong danh sách bán ròng của khối ngoại và ngược lại MSN được khối ngoại mua khá mạnh trong tuần.
(7) Khối ngoại đã có một tuần mua ròng mạnh với tổng giá trị mua ròng trên hai sàn đạt 109 tỷ đồng. Trong đó, họ mua ròng tổng cộng 100 tỷ đồng trên HOSE và 9 tỷ đồng trên HNX.
• Khối ngoại tiếp tục đẩy mạnh ”vơ vét ” room còn lại của SSI khi gom thêm gần 2.4 triệu cổ phiếu tương ứng 48.3 tỷ đồng. Room nước ngoài của SSI đến cuối tuần chỉ còn 0.44%, tương ứng với hơn 1.5 triệu cổ phiếu.
• Khối ngoại bán ròng mạnh nhất HAG với tổng giá trị đạt 24.4 tỷ đồng. Khối ngoại đã bán ròng liên tiếp 7 phiên cổ phiếu này với tổng khối lượng hơn 910 nghìn cổ phiếu.
• Đáng chú ý là FPT tiếp tục bị bán ròng trở lại, sau khi khối ngoại đã lấp đầy lần room lần thứ 2. Có thể khối ngoại vẫn đang tiếp tục chiến lược trading ngắn hạn tại mã cổ phiếu này, và không loại trừ cả SSI.
• Trên HNX, khối ngoại mua ròng mạnh nhất KLS với tổng giá trị 9.6 tỷ đồng và tiếp tục bán ròng mạnh nhất PGS với 7.2 tỷ đồng.
III. NHẬN ĐỊNH THỊ TRƯỜNG TUẦN 12/09 – 16/09/2011
Ảnh hưởng từ nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn như BVH, MSN, VIC... đã giúp kéo chỉ số VN-Index có một tuần tăng điểm mạnh. Để có cái nhìn chính xác về xu hướng thị trường, có lẽ nên quan sát VS-100 khi chỉ số này chỉ tăng có 1.55% trong tuần qua.
Điểm nhấn của thị trường trong giai đoạn hiện nay là hiện tượng chốt lời đã bắt đầu xuất hiện mạnh mẽ trên diện rộng. Điều này đặc biệt đúng trên HNX sau khi nhiều cổ phiếu đã có mức sinh lời đáng mơ ước. Hoạt động chốt lời cùng với khối lượng giao dịch liên tục gia tăng mạnh mẽ khiến giới đầu tư lo ngại về khả năng thị trường đang phân phối đỉnh.
Tuy vậy, như chúng tôi đã nhận định trong tuần, ngoài yếu tố khối lượng thì hiện tại rất khó để tìm thấy các dấu hiệu khác để khẳng định việc phân phối đỉnh đang diễn ra. Mặc dù giảm điểm nhưng phiên giao dịch cuối tuần trên HNX diễn ra khá tích cực và xung lực của bên mua đang rất mạnh. Vì vậy, sẽ cần theo dõi thêm để khẳng định rủi ro này, vì đây vẫn chỉ là mới giai đoạn ngắn đầu tiên của một chu kỳ tăng điểm.
Quan sát thị trường cho thấy dòng tiền đầu cơ vẫn đang chảy mạnh vào những ngành nóng như Chứng khoán, Bất động sản và Xây dựng. Bên cạnh đó đã manh nha sự dịch chuyển sang những nhóm mới, điển hình là dòng họ ”P”, cũng như sự dịch chuyển dòng tiền đầu cơ giữa các công ty trong cùng ngành.
Tuần giao dịch tới, những thông tin về CPI tháng 9 sẽ bắt đầu được bàn luận. Có nhiều lý do để tin rằng lạm pháp theo tháng đã lập đỉnh. E ngại lúc này là thông tin về việc xin tăng giá điện của EVN – điều mà không sớm thì muộn cũng sẽ diễn ra do giá thành điện hiện nay đã thấp hơn giá bán rất nhiều.
Đã có quá nhiều bàn luận về việc kéo giảm lãi suất trong những tháng cuối năm 2011. Cách thức thì đã có và chúng tôi tin rằng việc kéo giảm lãi suất sẽ thành hiện thực – dù mức giảm từ đây đến cuối năm sẽ không nhiều. Vấn đề là thời điểm và mức độ thực chất của xu hướng giảm lãi suất này.
Như chúng tôi đề cập ở trên, NHNN sẽ tận dụng sự linh hoạt trên thị trường mở để thực hiện chủ trương này. Chúng ta sẽ cần quan sát các dấu hiệu trên thị trường liên ngân hàng và thị trường mở cũng như mức độ tiếp cận vốn giá rẻ của doanh nghiệp để khẳng định một xu hướng giảm lãi suất thực sự đã diễn ra. Và lúc này, đà tăng của chứng khoán sẽ trở nên bền vững.
Chúng tôi sẽ sớm có bình luận về dòng tín dụng phi sản xuất trong những tháng cuối năm 2011.
Phân tích kỹ thuật: VN-Index – Vượt lên trên SMA 300. Chỉ số này tiếp tục bứt phá khá mạnh trong phiên giao dịch ngày 09/09/2011 và đã tạo breakpoint với SMA 300. Đây có thể coi là tín hiệu đáng chú ý nhất trong vòng 4 tháng gần đây.
Bên cạnh đó, ADX vẫn tiếp tục duy trì ở mức rất cao (36) chứng tỏ rằng xu hướng đang mạnh và ổn định. Hai đường –DI và +DI của Directional Movement System vẫn tiếp tục phân kỳ mạnh nên khả năng có đảo chiều bất ngờ không quá lớn.
Chúng tôi cho rằng chỉ cần giá tiếp tục duy trì được trên vùng 440 – 455 điểm thêm 3 – 4 phiên nữa thì nguy cơ giảm sâu sẽ giảm bớt và có thể giá sẽ tiếp tục chinh phục vùng 520 – 550 điểm.

HNX-Index – Giằng co trước vùng đỉnh cũ. Theo lý thuyết phân tích kỹ thuật, vùng đỉnh cũ thường đóng vai trò là ngưỡng kháng cự mạnh trong những đợt phục hồi của giá. Trong quá trình bứt phá lần này, HNX-Index cũng gặp phải một vùng đỉnh cũ khá mạnh: vùng 78 – 82 điểm.
Nếu như có thể vượt qua được vùng này, giá sẽ mở ra một chu kỳ tăng trưởng mới mạnh và bền vững hơn. Tuy nhiên, trong trường hợp thoái lùi mạnh, vùng 69 – 72 điểm (được tạo ra bởi các MA ngắn và trung hạn) sẽ là vùng chống đỡ cho giá.

VIETSTOCK INDEX
VS 100: Tăng nhẹ (+1.35%) trong phiên giao dịch ngày 09/09/2011, đà tăng của VS 100 có vẻ như chững lại sau khi vượt qua vùng 62 – 64 điểm.
Trong vài phiên tới có thể sẽ xuất hiện hiện tượng throwback để test lại vùng đỉnh cũ. Khối lượng tiếp tục duy trì mức ổn định nên khó có khả năng đảo chiều mạnh.

VS-Market Strength: Trong phiên giao dịch ngày 09/09/2011, VS-A/D HOSE đạt mức 1.57, tức số mã tăng giá bằng 1.57 lần số mã giảm giá; trong khi VS-U/D HOSE là 1.87, tức khối lượng của cổ phiếu tăng giá bằng 1.87 lần so với khối lượng giao dịch của phía giảm giá. VS-A/D HNX đạt 0.95 lần và VS-U/D HNX bằng 0.57 lần.
Chỉ số VS-Arms VN duy trì ở mức 1.27 (+0.99). Xét theo sự biến động của nhóm chỉ số VS-Market Strength thì khả năng thị trường sẽ tiếp tục phân hóa mạnh.

VS-Market Cap: VS-Large Cap và VS-Mid Cap vẫn tiếp tục dẫn đầu với mức độ tăng trưởng mạnh và ổn định. Đặc biệt là VS-Large Cap đã vượt qua được đỉnh 140 và tiếp tục bứt phá.
Các chỉ số VS-Small Cap, VS-Micro Cap cũng phục hồi nhưng động lực tăng trưởng của các nhóm này không cao.

IV. THỐNG KÊ THỊ TRƯỜNG TUẦN 05/09 – 09/09/2011

Phòng Nghiên cứu Vietstock



Xem bài viết: Vietstock Weekly 12-16/09: Lãi suất giảm thực chất, chứng khoán sẽ tăng bền vững