Vai trò lãi suất thực âm
Gần đây người ta giật mình khi Thống đốc NHNN VN đề cập đến cái tên “lãi suất thực âm” (lãi suất ngân hàng nhỏ hơn chỉ số lạm phát) vì rằng đã lâu nay lãi suất thực dương (lãi suất ngân hàng lớn hơn chỉ số lạm phát) dường như đã ăn sâu vào tiềm thức xã hội cũng như lý thuyết về lãi suất thực và lạm phát kỳ vọng (hiệu ứng Fisher).
Tuy nhiên nếu có cái nhìn tổng quát, dài hạn hay trên quan điểm chính sách kinh tế vĩ mô (nhất là điều tiết tiêu dùng-đầu tư-tiết kiệm...) và kể cả chính sách về giảm lãi suất thì rất có thể lại cần áp dụng chính sách lãi suất thực âm ở VN trong những giai đoạn nhất định.
Thực âm - Vai trò lịch sử
Trong thời kỳ trước 1990, chính sách bao cấp của nhà nước được thể hiện qua hầu như toàn bộ các loại giá, trong đó có lãi suất ngân hàng đó là lãi suất thực âm (lãi suất nhỏ hơn chỉ số lạm phát). Trong giai đoạn này, lạm phát cũng liên tục cao. Tuy nhiên, quan trọng hơn là chủ trương của Chính phủ là tất cả cho sản xuất, khu vực ngân hàng là khu vực dịch vụ và theo chủ trương đó lãi suất ngân hàng thấp hơn lạm phát đáng kể. Khi đó nếu ngân hàng càng cho vay thì dường như ngân hàng càng mất vốn. Đối với người gửi tiền, thì vấn đề càng rõ hơn, nếu càng gửi nhiều tiền và càng gửi lâu thì họ lại càng mất tiền nếu xét trên cơ sở so với thay đổi mặt bằng giá (lạm phát). Có người tính toán rằng, khi bán một con bò sau một thời gian, số tiền tiết kiệm rút ra từ ngân hàng chỉ mua được con nhỏ. Về mặt quyền lợi người ta thấy rằng, ngân hàng và người gửi tiển đều không có lợi. Tuy nhiên, trên góc độ đầu tư, chính sách lãi suất thực âm đã góp phần tài trợ vốn lớn với lãi suất thấp (bao cấp) cho các DN (chủ yếu là DNNN), và qua đó phần nào giảm được chi từ ngân sách nhà nước, tập trung được nguồn vốn lớn cho khu vực sản xuất. Ngoài ra, cũng có thể thấy rằng, chính sách lãi suất thấp (thực âm) đó có thể không khuyến khích dân chúng gửi tiền vào ngân hàng mà phần nào có ý nghĩa khuyến khích dân chúng tập trung tiền vốn vào sản xuất kinh doanh (đầu tư sản xuất). Như vậy, những lợi ích của lãi suất thực âm là rõ ràng và có vai trò lịch sử nhất định.
Thực dương - lợi và hại!
Từ năm 1990 đến nay, dường như lợi ích của người gửi tiền đã và đang được đặt lên hàng đầu. Điều này phù hợp với điều kiện nền kinh tế VN đang đòi hỏi lượng vốn rất lớn cho tăng trưởng kinh tế và sự phát triển bùng nổ và ồ ạt (về số lượng và quy mô) của các trung gian tài chính (tương ứng với quá trình tài chính gián tiếp). Khái niệm hạch toán kinh doanh đầy đủ, mang tích tức thì, ngay trong phạm vi tương đối của một nghiệp vụ kinh doanh và chủ trương phát triển hệ thống ngân hàng theo định hướng kinh doanh và sự bùng nổ các định chế tài chính trung gian này đã dần loại bỏ chính sách lãi suất thực âm và thay vào đó là lãi suất thực dương.
Nếu suy đoán theo lý thuyết cho thấy, chính sách lãi suất thực dương đã khuyến khích quá trình tài chính trung gian (vốn chảy qua ngân hàng) hơn là quá trình tài chính trực tiếp (người có tiền đầu tư trực tiếp vào sản xuất hay tương tự như vậy). Điều đó có dẫn đến việc dân chúng có khuynh hướng không quan tâm đến việc sử dụng phần tiết kiệm của mình để đầu tư vào sản xuất như thế nào ngoài việc gửi tiền vào ngân hàng để lấy lãi. Thực tế, hiệu ứng này gần đây đã trở nên rõ ràng ở VN theo mức độ ngày càng mạnh theo chiều hướng làm cản trở nền sản xuất (đầu tư) và có thể cũng cản trở cả vai trò trung gian tài chính theo một phương diện nào đó:
- Người gửi tiền đòi lãi suất cao! Trong giai đoạn khó khăn về vốn của khu vực ngân hàng, rõ ràng, lợi thế là thuộc về người gửi tiền; Điều tra sơ bộ cho thấy, khoảng hai năm trở lại đây, dân chúng luôn có xu hướng đòi lãi suất cao khi gửi tiền vào ngân hàng. Trong quá trình “mặc cả” với ngân hàng, các lý do chủ yếu mà người gửi tiền đưa ra là lý do lạm phát cao thì lãi suất phải cao hơn tương ứng (lãi suất thực dương). Trong thời gian “siêu lãi suất”, tình trạng người gửi tiền ở nơi này đòi được lãi suất cao hơn ở nơi khác và rút tiền nơi này gửi ở nơi khác theo động cơ đo... theo hiệu ứng vòng xoáy đã tạo nên mức độ gia tăng lãi suất huy động lên rất nhanh.
- Ngân hàng cũng đòi lãi suất cho vay cao! Khảo sát thực tế và qua các tuyên bố của các ngân hàng cũng cho thấy, lý do chủ yếu mà các ngân hàng thường đưa ra để giải thích về lãi suất cho vay cao thời gian qua là do lạm phát đang ở mức cao. Nhiều lãnh đạo ngân hàng cũng đưa ra lý do lạm phát cao để cho vay với lãi suất cao. Như vậy, chính sách lãi suất thực dương lại vô hình chung khuyến khích các ngân hàng tăng lãi suất lên cao ngất ngưởng như thời gian qua và là một rào cản về chủ trương giảm lãi suất của Chính phủ và của Ngân hàng nhà nước nhằm hỗ trợ DN. Chính sách lãi suất thực dương, cũng không khuyến khích các NHTM cắt giảm chi phí và chia sẽ với khu vực sản xuất. Điều này có thể thấy là trong giai đoạn khó khăn của VN vừa qua, các ngân hàng cho dù không cần cắt giảm chi phí nhưng lợi nhuận lại rất cao (trong khi, cùng thời kỳ hầu hết các DN đều thua lỗ). Quan sát hiện tượng “ngân hàng lãi lớn trong khi DN lỗ to”, lãnh đạo cơ quan giám sát tài chính quốc gia hàm ý rằng, ngân hàng ăn cả hai mang (người gửi tiền và DN).
- Tất cả vào “gửi tiết kiệm” (“GTK”). Thời gian hai năm vừa qua, thị trường chứng khoán VN và khu vực sản xuất gặp khó khăn, thị trường chứng khoán kháo nhau rằng, mã chứng khoán có tên là “GTK” (ý là đem tiền đi gửi tiết kiệm ngân hàng) là mã có lợi nhuận cao nhất. Quả thực khi đó lãi suất thực dương GTK ( gửi tiền tiết kiệm ngân hàng) trên 20%, nhà đầu tư giữ được vốn trước sự mất giá chứng khoán và trốn được lạm phát. Ngay cả Cty chứng khoán rất danh tiếng, khi thị trường chứng khoán sụt giảm cũng đã đầu tư vào mã “GTK” lên tới vài ngàn tỷ đồng. Tại một số công ty sản xuất khác, trong thời kỳ lãi suất tiền gửi cao, người ta cũng thấy có dấu hiệu về sự lãng quên sản xuất mà công ty chuyển tiền sang đầu tư vào tiền gửi tiết kiệm ngân hàng để lấy lãi.
Quan sát thị trường VN cho thấy, việc lãi suất thực dương đối với VND (như một cam kết và bảo lãnh ngầm định của NHNN) nhưng lãi suất USD thấp còn dẫn đến tình trạng là người ta vay ngoại tệ (USD) với lãi suất thấp để bán đi lấy VND và đầu tư với lãi suất thực dương, hoặc chạy trốn việc vay trực tiếp bằng VND. Và như vậy chính sách lãi suất thực dương VND một cách quá mức lại làm tăng rủi ro tỷ giá đối với nền kinh tế...
Vai trò mới của lãi suất thực âm?
Trong bối cảnh hiện nay, rất có thể lại cần áp dụng chính sách lãi suất thực âm ở VN. Điều này không những chỉ giúp giảm lãi suất mà còn giúp điều tiết tiêu dùng - đầu tư - tiết kiệm.

Câu hỏi hiện nay là liệu lãi suất thực âm có còn vai trò gì ở VN trong thời gian tới (cho dù là ngắn hạn)? Để trả lời câu hỏi này, có lẽ chúng ta nhìn ra một số nền kinh tế phát triển có thể phần nào có câu trả lời. Thực tế cho thấy, có khá nhiều nước đã có chủ trương khá mạnh mẽ trong việc nắn dòng vốn vào khu vực sản xuất bằng giải pháp áp dụng chính sách lãi suất rất thấp ở mức 0 % (như Nhật Bản hay Mỹ, cho dù là lãi suất của Ngân hàng Trung ương)... Cũng dễ nhận thấy, chính sách lãi suất ở mức rất thấp (lãi suất thực âm) của các Chính phủ là nhằm cứu vớt nền kinh tế ra khỏi suy thoái. Như vậy chính sách lãi suất thấp (thực âm) cũng dường như cùng một khẩu hiệu là “vì nền sản xuất thực”. Một số nước có hệ thống ngân hàng an toàn như Thụy Sỹ, với mức lạm phát thấp đã từng áp dụng phí gửi tiền, khi đó chính sách phí tiền gửi tại ngân hàng “được hiểu là thông điệp của khoản phí này đối với người gửi tiền là “ngân hàng là nơi đảm an toàn tài sản, chứ không phải là nơi kinh doanh”.
Rõ ràng có những cơ sở khoa học và kinh tế và thực tiễn để nhìn thấy lãi suất thực âm có thể tồn tại và còn có vai trò ở VN. Cho dù, quyền lợi của người gửi tiền có thể bị thua thiệt trong ngắn hạn, nhưng nếu NHNN có cách điều hành tổng thể, nhất quán thì lãi suất thực âm (cho dù ngắn hạn) có thể là một trong những chính sách để đưa đến khả năng giảm mặt bằng lãi suất xuống thấp hơn hiên nay. Nếu khi lãi suất giảm, nền sản xuất phát triển; về mặt tài chính là quá trình tài chính trực tiếp diễn ra mạnh mẽ-người dân sẽ đầu tư tiền tiết kiệm vào sản xuất ...thay vì gửi tiền vào ngân hàng lấy lãi... Khi đó trên phương diện tổng thể, toàn xã hội thì các nhà (dân, DN và ngân hàng...) đều có lợi. Trong điều kiện kinh tế VN có suy giảm (DN thiếu vốn để sản xuất, lãi suất ngân hàng cao, người dân chạy đua theo lãi suất), cách ứng xử với lãi suất của các DN và người gửi tiền, có lẽ chính sách lãi suất thực âm cần phải được xem xét để áp dụng ở VN. Một số quan điểm hàm ý rằng, chính sách lãi suất thực âm (lãi cho vay của ngân hàng) có thể là giải pháp phân phối lại hay điều tiết lợi nhuận của các ngân hàng khi nền kinh tế khó khăn, DN đang thiếu vốn và không có khả năng hấp thụ vốn ở mức lãi suất cao như hiện nay. Liên hệ lãi suất thực âm với chính sách lương của khu vực DN, người ta sẽ không hề ngạc nhiên khi thấy rằng trong giai đoạn DN khó khăn (suy thoái), lương của khu vực nào đó của DN (ví dụ CEO) có thể bằng không. Khi đó, ý nghĩa của chính sách lãi suất thực âm là rất lớn lao: ngân hàng - DN- người gửi tiền và rộng hơn là nền kinh tế cùng chia sẻ lợi ích để vượt qua khó khăn cùng tiến lên mà tạm gác lợi ích ngắn hạn.
ThS Lê Văn Hinh
diễn đàn doanh nghiệp



Xem bài viết: Vai trò lãi suất thực âm