Ra khỏi phi sản xuất, cổ phiếu Bất động sản và Xây dựng sẽ “nổi sóng”?
(Vietstock) - Những vấn đề cơ bản của ngành bất động sản và doanh nghiệp trong ngành vẫn còn đó; nhưng một sự cải thiện đáng kể trong vấn đề tín dụng và lãi suất sẽ khiến TTCK phản ứng tích cực với nhóm cổ phiếu bất động sản và xây dựng.

Từ đầu năm, cổ phiếu Bất động sản giảm 37%, Xây dựng lao dốc 49%
Nhằm kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành Chỉ thị số 01 với mục tiêu thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ và thận trọng. Trong đó, nổi bật nhất là việc kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng, giảm tốc độ và tỷ trọng dư nợ cho vay lĩnh vực phi sản xuất so với năm 2010.
Cụ thể đối với lĩnh vực phi sản xuất (nhất là bất động sản và chứng khoán), tỷ trọng dư nợ cho vay tối đa là 22% đến cuối tháng 6/2011 và tối đa là 16% đến cuối năm 2011.
Trong khi đó, trong các năm 2009 và 2010, theo số liệu công bố của NHNN, tốc độ tăng trưởng tín dụng ở lĩnh vực phi sản xuất lần lượt là 41.74% và 27.2%. Tỷ trọng dư nợ của ở nhóm này cũng ở mức 18.9% trong tổng dư nợ vào cuối năm 2010.
Với mức độ phụ thuộc rất cao vào nguồn tín dụng ngân hàng, có thể nói thị trường bất động sản và xây dựng Việt Nam thời gian qua đã hoàn toàn bị tê liệt.
Sự thắt chặt khá mạnh ở cả tốc độ tăng trưởng tín dụng và tỷ trọng dư nợ cho vay phi sản xuất đã đẩy chi phí lãi suất cho vay trong lĩnh vực bất động sản (và chứng khoán) lên mức cao, thậm chí cao hơn cả giai đoạn 2008.
Không những vậy, rất nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn tín dụng. Dòng tiền của khách hàng, nhà đầu tư eo hẹp cũng khiến cho đầu ra bị hạn chế, càng làm cho nhiều doanh nghiệp rơi vào khủng hoảng dòng tiền.
Theo TS Lê Xuân Nghĩa, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, tính đến hết tháng 6/2011, dư nợ tín dụng bất động sản chiếm 10% tổng dư nợ tín dụng của cả nền kinh tế. Nợ xấu bất động sản chiếm khoảng 3% và đặc biệt đáng chú ý là tỷ trọng dư nợ tín dụng bất động sản ở các NHTM nhỏ lên tới 30%-40%; và điều này có thể dẫn đến rủi ro cho hệ thống ngân hàng.
Không nằm ngoài quy luật, giá cổ phiếu bất động sản thông qua chỉ số VS-Real Estate đã sụt giảm đến 37%, tính từ đầu năm đến ngày 22/08/2011.
Ngành xây dựng cũng gặp khó khăn không kém khi bị phụ thuộc vào tình hình hoạt động của thị trường bất động sản. Tính từ đầu năm đến nay, nhóm cổ phiếu ngành xây dựng thể hiện qua chỉ số VS-Construction đã lao dốc đến 49%.
Ra khỏi phi sản xuất và lãi suất giảm, cổ phiếu Xây dựng và Bất động sản có cơ hội phục hồi cuối năm 2011
Thông tin cho thấy Chính phủ đang xem xét đưa bất động sản ra khỏi lĩnh vực phi sản xuất dù vẫn thuộc lĩnh vực bị kiểm soát tín dụng. Một số ý kiến cho rằng có thể Chính phủ sẽ định nghĩa lại đối tượng phi sản xuất để khuyến khích phát triển hạ tầng KCN để thu hút đầu tư kinh doanh, cung cấp hàng hóa, cho vay dành cho người có thu nhập thấp…
Nếu điều này trở thành hiện thực thì sẽ mang tới một sự thay đổi, hay lạc quan hơn là cải thiện đáng kể, cho thị trường bất động sản và xây dựng. Và điều này cũng sẽ giúp gỡ bớt khó khăn cho hệ thống ngân hàng nói chung. Tuy nhiên, cũng cần phải nhìn nhận rằng đây chỉ là giải pháp tình thế để khai thông thị trường bất động sản và giảm bớt sức ép lên hệ thống tài chính ngân hàng.
Ngoài ra, với tín hiệu lạm phát đang có dấu hiệu đạt đỉnh, lãi suất sẽ có cơ hội giảm xuống và kết hợp tạo thành động lực kép: nới tín dụng và giảm lãi suất giúp ngành bất động sản và xây dựng lạc quan hơn về cuối năm 2011.
Trong phiên giao dịch ngày 22/8, hàng loạt cổ phiếu bất động sản và xây dựng như DIG, HDG, IJC, ITA, ITC, KBC, LCG, NTL, SJS, TDC, TDH,... đã tăng trần đồng loạt. Chỉ số ngành Xây dựng (VS-Construction) tăng vọt 2.36%, trong khi ngành Bất động sản (VS-Real Estate) tăng 1.27%.
Như vậy, những vấn đề cơ bản của ngành bất động sản và doanh nghiệp trong ngành vẫn còn đó; nhưng một sự cải thiện đáng kể trong vấn đề tín dụng và lãi suất sẽ khiến TTCK phản ứng tích cực với nhóm cổ phiếu bất động sản và xây dựng.
Hoàng Vũ



Xem bài viết: Ra khỏi phi sản xuất, cổ phiếu Bất động sản và Xây dựng sẽ “nổi sóng”?