Nguyên Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư: Ưu tư nhất là việc quản lý đầu tư công

Ông Võ Hồng Phúc

Nguyên Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc dành cho TBKTSG buổi phỏng vấn riêng vào ngày đầu tiên sau khi ông không còn ở vị trí bộ trưởng.
TBKTSG: Khi ông bắt đầu nhiệm kỳ thứ hai vào năm 2007, Việt Nam vào WTO, chỉ số chứng khoán, vốn đăng ký FDI, kỳ vọng của người dân... tăng vọt. Nay thì mọi chuyện đã khác. Là Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư, ông nhìn nhận thế nào về thực tế này?
- Nguyên Bộ trưởng Võ Hồng Phúc: Năm 2007 là năm kinh tế tăng trưởng rất cao (8,48% theo Tổng cục Thống kê - NV), nhưng bên cạnh đó lạm phát cũng tăng tới 12,7%. Sau đó Chính phủ phải dùng các biện pháp kiềm chế lạm phát. Ngay từ khi xây dựng kế hoạch năm năm, chúng tôi hy vọng mức tăng trưởng bình quân vào khoảng 7,5%/năm. Có những người hy vọng cao hơn, thậm chí đề xuất phương án tăng trưởng từ 8-8,5%, nhưng văn bản cuối cùng trình ra Chính phủ, rồi Chính phủ trình ra Đại hội **** lần thứ X thì tăng trưởng ở mức 7,5%. Thực tế thì do phải kiềm chế lạm phát nên tốc độ tăng trưởng GDP bình quân cả năm năm (2007-2011) chỉ đạt được khoảng 6,9%, thấp hơn so với mục tiêu. Tôi cho rằng, trong tình hình kinh tế thế giới suy giảm, giá cả leo thang, lạm phát toàn cầu, và với mục tiêu kiềm chế lạm phát thì Việt Nam đạt được mức tăng trưởng như vậy là hợp lý.
TBKTSG: Nhưng vì sao những bất ổn kinh tế vĩ mô cứ lặp đi lặp lại như vậy?
- Đúng như vậy. Phải thấy là kinh tế Việt Nam chịu tác động bởi hai yếu tố: một là nội lực còn yếu kém, hai là tác động tiêu cực từ bên ngoài.
Thực tế là nền kinh tế thế giới trong thời gian gần đây không ổn định như nhiệm kỳ năm năm trước. Tôi nhấn mạnh, ngay từ cuối năm 2007 chúng ta đã chịu cú sốc giá của thế giới: giá dầu, giá các loại vật tư nguyên liệu đều tăng đột biến và lập mặt bằng giá mới. Năm tiếp theo lại diễn ra khủng hoảng tài chính ở các nước châu Âu, các tổ chức tài chính Mỹ phá sản dẫn đến khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Tiếp sang năm sau diễn ra tình hình nợ công ở châu Âu, Mỹ, Nhật Bản và kéo dài đến tận bây giờ. Gần đây nữa, những diễn biến xã hội bất lợi ở Bắc Phi, Trung Đông kéo theo sự suy giảm của các nước cung cấp dầu mỏ, đưa giá dầu lên, kéo theo giá cả nhiều mặt hàng khác cũng leo thang.
Bên cạnh đó, tôi vẫn luôn cho rằng nội tại kinh tế chúng ta yếu kém, cơ cấu kinh tế chưa hợp lý và chưa chuyển đổi vững chắc để tạo nền tảng phát triển bền vững. Khi nội lực yếu thì ảnh hưởng lớn. Việt Nam đang trong quá trình chuyển đổi cho nên bị tác động bên ngoài là đương nhiên. Cho nên, chúng ta phải đánh giá kinh tế Việt Nam trong bối cảnh chịu tác động của kinh tế toàn cầu để thấy được những việc chúng ta làm được, và chưa làm được.
TBKTSG: Bộ đã được chỉ đạo xây dựng đề án tái cơ cấu nền kinh tế, song đề án đó có vẻ đã không được quan tâm đúng mức?
- Cơ cấu lại nền kinh tế là vấn đề lớn. Ngay từ năm 2009 chúng tôi đã có văn bản trình Thủ tướng, sau đó năm 2010 lại có báo cáo trình Chính phủ. Đồng thời vấn đề này cũng được thảo luận tại Quốc hội. Hiện nay, vấn đề cơ cấu lại nền kinh tế đã được đặt ra trong kế hoạch năm năm, và 10 năm tới. Chúng tôi không nghĩ cần có đề án riêng mà phải lồng ghép vào việc xây dựng và thực hiện kế hoạch hàng năm. Thủ tướng đã nêu ba khâu đột phá lớn thì đó chính là cơ sở để cơ cấu lại nền kinh tế.
TBKTSG: Ông từng chứng kiến bước đột phá trong tư duy của cả Nhà nước và xã hội khi Luật Doanh nghiệp được ban hành lần đầu tiên vào năm 2000. Còn trong năm năm qua, đâu là bước đột phá có thể mang ra so sánh?
- Theo tôi, trong hai nhiệm kỳ vừa qua Luật Doanh nghiệp sửa đổi năm 2005 còn mang tính đột phá hơn Luật Doanh nghiệp 2000. Tinh thần đột phá cho khu vực tư nhân phát triển vẫn tiếp tục được triển khai, và trở nên mạnh mẽ hơn bằng việc ban hành Luật Doanh nghiệp chung cho cả doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài. Thêm nữa, chúng ta có Luật Đầu tư chung. Đó là những bước tiến rất xa so với trước đây, đưa lại sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân.
Hiện tại, với mô hình hợp tác công tư (PPP), tôi hy vọng vai trò của khu vực kinh tế tư nhân sẽ mạnh hơn trong phát triển cơ sở hạ tầng để thực hiện một trong ba khâu đột phá trong chiến lược mà Thủ tướng đã nêu ra.
TBKTSG: Nếu nói về những thành công trong năm năm qua, bộ trưởng có thể nói gì?
- Chúng ta đã tạo ra khuôn khổ pháp lý để tạo sân chơi ngang bằng giữa các thành phần kinh tế, trong nước và nước ngoài, và từ đó thu hút đầu tư của doanh nghiệp tư nhân trong nước, nước ngoài vào phát triển kinh tế. Điều đó đã giúp cơ cấu lại nền kinh tế.
TBKTSG: Thôi chức bộ trưởng sau hai nhiệm kỳ, ông còn ưu tư vấn đề gì nhất trong tiến trình phát triển kinh tế của đất nước?
- Đó là vấn đề quản lý đầu tư công, bao gồm đầu tư từ doanh nghiệp nhà nước và từ ngân sách. Chúng ta phải có hành lang pháp lý tốt hơn để quản lý nó. Đầu tư công phải ngày càng giảm để tạo điều kiện thu hút các nguồn đầu tư khác.
TBKTSG: Về việc này, ông đã hai lần trực tiếp chỉ đạo cắt giảm đầu tư công vào năm 2008 và 2011 và dường như không thành công lắm. Đâu là nguyên nhân chính?
- Đầu tư từ ngân sách hiện nay đã phân cấp nhiều cho địa phương, chúng tôi chủ yếu xử lý ở khâu hậu kiểm. Việc hậu kiểm có hạn chế là xử lý những việc đã rồi, các dự án đã triển khai rồi. Hơn nữa, cách thức quản lý đầu tư công có nhiều bất cập. Khối lượng đầu tư từ doanh nghiệp nhà nước là rất lớn. Vụ Vinashin xảy ra cũng là do luật của chúng ta sơ hở và chúng ta chưa có chế tài để quản lý đầu tư của doanh nghiệp nhà nước.
Đã từ lâu, ngay trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XII, chúng tôi đã kiến nghị đưa Luật Đầu tư công vào trong chương trình xây dựng luật của Quốc hội. Nhưng sau đó có nhiều ý kiến nói rằng nó trùng với Luật Đầu tư, Luật Ngân sách... Gần đây, Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội cũng nhận thấy rằng cần phải có luật để quản lý đầu tư công hiệu quả hơn. Trong chương trình làm luật của Quốc hội khóa 13, Chính phủ đã trình Quốc hội đưa Luật Đầu tư công vào chương trình xây dựng pháp luật của nhiệm kỳ này.
Tư Giang
tbktsg



Xem bài viết: Nguyên Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư: Ưu tư nhất là việc quản lý đầu tư công