Lạm phát sẽ đạt đỉnh trong tháng 8?
(Vietstock) - Nếu không có những biến động đáng kể từ các yếu tố thế giới, thì lạm phát những tháng cuối năm thường có xu hướng giảm xuống.

Nhìn lại các yếu tố ảnh hưởng đến chỉ số giá tiêu dùng tháng 8
Yếu tố tiền tệ: Để đối phó với nguy cơ tăng cao của lạm phát, Ngân hàng Nhà nước đã điều hành chính sách tiền tệ rất chặt chẽ trong suốt thời gian qua.
Tính đến ngày 20/07/2011, tăng trưởng tín dụng và tổng phương tiện thanh toán của toàn nền kinh tế chỉ ở mức lần lượt là 7.5% và 3.57%, khá thấp so với chỉ tiêu tương ứng 20% và 16% đặt ra cho cuối năm 2011.
Với độ trễ của chính sách tiền tệ, có thể nói đến thời điểm này thì yếu tố tiền tệ đã không còn là yếu tố chính tác động đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI).
Yếu tố chi phí đẩy: Các chi phí đầu vào cơ bản của sản xuất như điện, than, xăng dầu vẫn giữ ổn định trong nhiều tháng gần đây. Giá xăng dầu cũng có thể được điều chỉnh giảm nhẹ nếu giá dầu thô thế giới tiếp tục sụt giảm hoặc duy trì ở mức thấp như hiện nay.
Trong khi đó, việc điều chỉnh tăng lương đã được áp dụng từ vài tháng nay, nên tác động của nó lên CPI tháng 8 gần như không còn nữa (dù đợt điều chỉnh tăng lương tối thiểu sắp tới sẽ tạo ảnh hưởng nhất định trong tương lai).
Yếu tố tăng giá từ nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống: Với tỷ trọng 39.93% trong rổ hàng hóa tính chỉ số giá tiêu dùng, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống có những ảnh hưởng đáng kể lên chỉ số này.
Theo thông tin từ Cục Quản lý Giá (Bộ Tài chính), nguồn cung lương thực hiện đang khá dồi dào do các tỉnh phía Nam (cũng như Thái Lan trong thời gian tới) vào mùa thu hoạch.
Cục Quản lý Giá cũng khẳng định, với nguồn cung được dự báo tăng trong khi nhu cầu không cao, giá gạo sẽ ổn định như hiện nay hoặc giảm xuống trong thời gian tới. Dự báo ảnh hưởng của yếu tố tăng giá từ nhóm hàng lương thực sẽ tiếp tục bị thu hẹp.
Tuy nhiên, diễn biến của nhóm hàng thực phẩm vẫn chưa thuận lợi lắm. Cũng theo Cục Quản lý Giá, nguồn cung thực phẩm vẫn chưa thực sự ổn định sau giai đoạn dịch tai xanh kéo dài và hiện vẫn đang có dấu hiệu bùng phát trở lại. Thêm vào đó là việc tiếp cận nguồn vốn còn khó khăn và lãi suất vẫn ở mức cao đã gây những cản trở trong việc đẩy mạnh hoạt động chăn nuôi, sản xuất.
Hơn thế nữa, những diễn biến thời tiết khó lường ở giai đoạn bắt đầu mùa mưa bão, có thể tác động đến nguồn cung tại các vùng bị ảnh hưởng và sẽ đẩy giá cả của các mặt hàng thực phẩm tươi sống, rau quả lên cao, nếu như các biện pháp quản lý thị trường không phát huy hiệu quả.
Ngoài ra, nhu cầu tiêu thụ đường và các nguyên liệu làm bánh cho các dịp lễ hội trong tháng 8 sẽ khiến giá cả các mặt hàng này vẫn duy trì ở mức cao.
Như vậy, với những tác động không đáng kể của yếu tố tiền tệ và chi phí đẩy cùng với những biến động không lớn của các nhóm hàng khác ngoài nhóm hàng thực phẩm, thì chỉ số giá tiêu dùng tháng 8 được dự đoán sẽ thấp hơn tháng 7, và một số dự báo đưa ra mức từ 0.8% - 1%.
CPI tháng 8 sẽ quanh ngưỡng 23% và đạt đỉnh trong năm?
CPI theo tháng từ đầu năm 2011 đến nay vẫn luôn biến động khó lường. Dự báo của các chuyên gia về khả năng lạm phát đạt đỉnh vào cuối quý 2/2011 đã không thành hiện thực khi CPI tháng 7 đã tăng 1.17% so với mức tăng 1.09% ở tháng 6/2011. Nếu so với cùng kỳ năm ngoái thì CPI tháng 7 đã tăng 22.16%, trong khi CPI tháng 6 tăng 20.82%.
Với con số dự báo tăng từ 0.8% - 1%, CPI tháng 8 sẽ tăng khoảng 22.89% - 23.14% so với cùng kỳ năm trước, tiếp tục cao hơn con số 20.82% và 22.16% của các tháng 6 và 7.
Nếu không có những biến động đáng kể từ các yếu tố thế giới, thì lạm phát những tháng cuối năm thường có xu hướng giảm xuống. Với giả thuyết CPI hàng tháng tiếp tục giữ ở mức 0.8% - 1% thì chỉ số này ở các tháng tiếp theo dao động quanh mức 19.5% - 22.5%, vẫn thấp hơn con số của tháng 8. Như vậy, có thể hy vọng rằng lạm phát sẽ đạt đỉnh vào tháng 8, giúp chính sách tiền tệ có cơ hội nới lỏng một chút và kéo giảm lãi suất cho vay.
Hoàng Vũ



Xem bài viết: Lạm phát sẽ đạt đỉnh trong tháng 8?