Giám đốc Nghiên cứu KimEng: VN-Index sẽ đạt 600 điểm vào giữa năm 2012

Ông Michael Kokalari

Đó là dự báo khá lạc quan của ông Michael Kokalari, Giám đốc Điều hành Bộ phận Nghiên cứu Phân tích của KEVS, về sức bật của chỉ số VN-Index.
Thị trường chứng khoán Việt Nam đã ảm đạm trong suốt một thời gian dài. Sự ảm đạm này bao giờ sẽ chấm dứt? NCĐT đã trao đổi với ông Michael Kokalari, Giám đốc Điều hành Bộ phận Nghiên cứu Phân tích Công ty Chứng khoán Kim Eng Việt Nam (KEVS), xung quanh vấn đề này. Theo ông, VN-Index sẽ đạt mốc 600 điểm vào khoảng giữa năm 2012.
Thị trường chứng khoán Việt Nam đang xuống dốc. Theo ông, chỉ số VN-Index sẽ còn giảm xuống bao nhiêu nữa?
VN-Index sẽ xuống mốc 330-340 điểm và tôi nghĩ thị trường sẽ khó giảm hơn nữa. So với các thị trường khác trên thế giới, thị trường chứng khoán Việt Nam cũng đổ dốc nhưng từ từ.
Khi nào VN-Index rơi xuống mốc 340 điểm và tại sao lại là mốc này?
Tôi đã có 17 năm kinh nghiệm về thị trường chứng khoán nhưng cũng không thể dự đoán “khi nào”. Nhưng 330-340 là các mốc chiến thuật tốt và thị trường có thể bật lên trở lại từ các mốc này. Những điều kiện tác động đến thị trường chứng khoán Việt Nam hiện nay không mấy khả quan vì lạm phát và lãi suất cao, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp gặp khó khăn. Tuy nhiên, triển vọng thị trường trong năm tới là khá sáng sủa.
Những nhà đầu tư đã lỗ hơn 50% vốn thì có nên cơ cấu lại danh mục đầu tư không?
Đương nhiên họ phải làm như vậy. Thông thường khi lỗ khoảng 10% hoặc hơn, nhà đầu tư nên nghĩ đến chuyện bán đi, cho dù điều này là không dễ.
Thị trường sẽ đi lên trong vòng 1 hoặc 2 năm tới?
Tôi sẽ rất ngạc nhiên nếu thị trường không đạt 600 điểm vào giữa năm sau. Hiện nay, các nhà đầu tư nước ngoài rất quan tâm đến thị trường chứng khoán Việt Nam. Nhiều nhà đầu tư đã đến đây để khảo sát; một số đã gọi điện thoại hỏi ý kiến tư vấn của chúng tôi. Công ty chúng tôi cũng sẽ tổ chức hội thảo cho một nhóm nhà đầu tư nước ngoài vào tháng 9 tới.
Họ đại diện cho 12 trong số 30 quỹ đầu tư lớn nhất thế giới, quản lý số vốn lên đến 1.500 tỉ USD. Nếu những nhà đầu tư này đến Việt Nam, quỹ của họ có thể sẽ đầu tư vào đây trong quý I hoặc quý II năm tới.
Ông thực sự tin rằng họ sẽ đầu tư?
Đúng vậy. Đại diện của một quỹ đầu tư lớn tại Mỹ từng dành ra 1 tiếng rưỡi để nói chuyện với tôi qua điện thoại. Điều này cho thấy họ tin tưởng vào thị trường Việt Nam.
Hiện nay, Việt Nam là một trong những quốc gia tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Sau những bước tiến của Hàn Quốc, Đài Loan và Thái Lan, Việt Nam là minh chứng mới cho mô hình chuyển đổi kinh tế của châu Á. Việt Nam đang bắt đầu quá trình chuyển đổi và tăng trưởng có được là nhờ tầng lớp trung lưu mới nổi và những ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao.
Cá nhân tôi rất tin tưởng vào sự tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam. Nếu nhìn vào trình độ tay nghề, sự đầu tư cho giáo dục, tính cần cù và thông minh của người lao động, cơ cấu dân số trẻ thì rất dễ để nhìn thấy điều gì sẽ đến trong 5-10 năm tới.
Ông có cho rằng nhà đầu tư mới vẫn có thể kiếm tiền trong điều kiện hiện nay?
Hiện tại thì không nên mua vào. Tuy nhiên, giá nhiều cổ phiếu tại Việt Nam đang rẻ hơn bất kỳ nơi nào trên thế giới. Nhà đầu tư có thể kiếm được nhiều tiền trong vòng 5 năm tới. Tuy nhiên, những nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy cần chú ý đến thời điểm lạm phát đạt đỉnh và bắt đầu đi xuống.
Lạm phát hiện nay vào khoảng 22%/năm. Tôi nghĩ lạm phát và lãi suất sẽ giảm đáng kể cùng một lúc, có thể vào cuối quý III hoặc đầu quý IV năm nay. Đó sẽ là chất xúc tác thúc đẩy thị trường chứng khoán tăng trở lại.
Làm thế nào để xác định đâu là cổ phiếu tốt?
Chúng ta có thể trông chờ vào làn sóng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong thời gian tới. Các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm những cổ phiếu liên quan đến nhu cầu tiêu dùng nội địa và đến tầng lớp trung lưu mới nổi như cổ phiếu của Công ty Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) hay Masan (MSN), Vinamilk (VNM).
Cũng có một số cổ phiếu nhỏ tốt, giá đang rất rẻ như cổ phiếu của Công ty Cổ phần Tập đoàn Dabaco Việt Nam (DBC), Công ty Cổ phần Đá ốp lát cao cấp Vinaconex (VCS)hoặc Công ty Cổ phần Nhựa Bình Minh (BMP).
Ông có mua cổ phiếu của Việt Nam không?
Đối với người nước ngoài, mở tài khoản giao dịch chứng khoán ở Việt Nam khá là phức tạp. Nhưng tôi muốn kiếm tiền thì tất nhiên phải mở tài khoản. Những người làm công việc như tôi, nếu không đầu tư tiền của mình vào thị trường, làm sao có thể đưa ra lời khuyên cho người khác?
Điều gì thực sự quan trọng trên thị trường hiện nay?
Thị trường chứng khoán Việt Nam còn non trẻ. Do đó, hệ số P/E (giá/thu nhập mỗi cổ phiếu), tăng trưởng thu nhập, lợi nhuận ròng và ROE (lợi nhuận/vốn chủ sở hữu) là những chỉ số quan trọng.
Có cách nào để dự đoán được sự thay đổi giá cổ phiếu?
Trên thị trường chứng khoán, rất khó để dự đoán “khi nào” nhưng lại dễ dự đoán “ở đâu”. Nếu một công ty vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng hằng năm, có thể dự đoán giá cổ phiếu công ty đó rồi sẽ tăng.
Nhìn vào giá trị và triển vọng của Việt Nam, tôi có thể nói rằng thị trường chứng khoán sẽ tăng gấp đôi trong vòng 2 năm tới. Tôi nghĩ đây là điều chắc chắn. Nhưng đúng là trong năm ngoái tôi đã quá lạc quan và những gì tôi dự báo đã không xảy ra.
Ngọc Trung
nhịp cầu đầu tư



Xem bài viết: Giám đốc Nghiên cứu KimEng: VN-Index sẽ đạt 600 điểm vào giữa năm 2012