Vietstock Daily 16/08: Độ rộng thị trường vẫn khá an toàn
(Vietstock) – Phân tích chỉ số độ rộng cho thấy thị trường tiếp tục khá cân bằng và an toàn. Bên cạnh đó, lực cầu giá thấp dồi dào và có dấu hiệu nhà đầu tư lớn vẫn đang giao dịch tích cực.
I. NHẬN ĐỊNH THỊ TRƯỜNG NGÀY 16/08/2011
Diễn biến giao dịch: VN-Index tăng nhẹ 0.1% đứng tại 384.32 điể, HNX-Index giảm 0.36% về mức 65.78 điểm. Chỉ số tổng hợp VS-100 tăng 0.14%.
Thanh khoản sụt giảm mạnh trên cả hai sàn, tổng khối lượng giao dịch trên HOSE và HNX lần lượt giảm 22.9% và 19.3% so với phiên giao dịch cuối tuần trước.
Trên HOSE, khối lượng khớp lệnh hôm nay chỉ đạt 12.7 triệu cổ phiếu, đã xuống gần bằng mức thấp nhất trong 2 năm qua được lập vào ngày 22/07/2011 với 12.6 triệu cổ phiếu.
Khối ngoại bán ròng nhẹ tổng cộng 2.95 tỷ đồng trên cả hai sàn. Họ bất ngờ giảm mạnh giao dịch khi tổng giá trị mua và bán chỉ đạt 41 tỷ đồng trên HOSE và 11 tỷ đồng trên HNX.
Khối ngoại tiếp tục mua ròng thêm 128,000 cổ phiếu FPT với tổng giá trị 6.9 tỷ đồng. Khối ngoại vẫn đang săn lùng những cổ phiếu cuối cùng trong room cho phép của FPT.
Triển vọng thị trường: Thị trường đi ngang trong một phiên giao dịch buồn chán, thanh khoản èo uột. Giới đầu tư vẫn chưa thể thoát ra khỏi sự thận trọng trước những bất ổn của kinh tế Mỹ, Châu Âu và cùng với đó là giá vàng biến động mạnh.
Đà suy giảm quá mạnh của giá chứng khoán (không phải chỉ số) trong suốt hai năm qua đã khiến bên bán rất khó khăn khi đặt giá thấp. Dù gì thì điều này cũng giúp thị trường tránh được những phiên hoảng loạn. Tuy vậy, sự thận trọng của bên mua đã đẩy thị trường vào những phiên buồn tẻ và khối lượng khớp lệnh đã về gần mức thấp nhất 2 năm.
Đáng chú ý là phân tích chỉ số độ rộng cho thấy thị trường tiếp tục khá cân bằng và an toàn. Bên cạnh đó, lực cầu giá thấp dồi dào và có dấu hiệu nhà đầu tư lớn vẫn đang giao dịch tích cực.
Phân tích kỹ thuật: VN-Index – Khoảng lặng trước cơn bão? Thận trọng có thể coi là tâm lý chung bao trùm thị trường trong phiên giao dịch ngày 15/08/2011 và khiến cho thanh khoản lại sụt giảm xuống rất mạnh so với mức trung bình. Điều này gây nên sự lo ngại cho giới phân tích và câu hỏi đặt ra là liệu đây có phải là khoảng lặng trước cơn bão hay chỉ đơn thuần là sự tích lũy cho một đợt phục hồi mới?
Phân kỳ giá lên (bullish divergence) giữa VN-Index và MACD Histogram đã hình thành đến đoạn thứ ba. Vì thông thường chỉ báo này ít khi hình thành đến đọan thứ 4 nên nếu như giá tiếp tục suy giảm và phá vỡ vùng 370 – 385 điểm trong các phiên tới thì khả năng VN-Index rơi vào một đợt điều chỉnh mới là rất lớn.
Điểm tích cực là các phân tích dựa trên nhóm chỉ số độ rộng (market breadth) dưới đây cho thấy mặc dù không hồi phục mạnh nhưng thị trường chung vẫn đang ở trạng thái cân bằng và khá an toàn, khi mà tương quan giữa nhóm cổ phiếu tăng giá và giảm giá không có nhiều chênh lệch.

HNX-Index – Vượt lên trên ngưỡng 66 điểm. Khối lượng suy giảm liên tục trong 4 phiên giao dịch gần đây. Điều này phản ánh một thực tế là nhà đầu tư đang trở nên thận trọng hơn cho dù giá không giảm sâu hơn.
Một điểm tích cực là khoảng cách giữa hai đường Swing Trd 2 và Swing Trd 3 của hệ thống RMO Trade Mode vẫn tiếp tục quá trình thu ngắn trong phiên đầu tuần. Tuy nhiên, để có thể có được một tín hiệu mua mạnh, HNX-Index cần phục hồi lên trên ngưỡng 66 điểm.

VIETSTOCK INDEX
VS 100: Bất chấp việc hai chỉ số thị trường giảm và tăng nhẹ, VS 100 vẫn tăng trưởng khá tốt (+0.14%) trong phiên ngày 15/08/2011 và xuất hiện khá nhiều dấu hiệu tích cực. Những mẫu hình nến dạng doji, spinning top... cho thấy khả năng tăng trưởng đang được nâng lên khá cao.
Vùng đáy cũ 54 – 56 điểm vẫn sẽ tiếp tục hỗ trợ cho giá trong những phiên tới.

VS-Market Strength: Chỉ số VS-Arms VN sau khi suy giảm khá mạnh vào cuối tuần trước đã bắt đầu đi ngang và giữ mức 1.04 (0). Điều này cho thấy khả năng tăng trưởng vẫn đang được cải thiện dần dần với khối lượng ở các mã giảm giá và các mã tăng giá trong trạng thái cân bằng với nhau.
Trên HOSE, VS-A/D HOSE sụt giảm và đạt mức 1.37 (-0.97), tức số mã tăng giá gấp 1.37 lần số mã giảm giá; trong khi VS-U/D HOSE là 1.75, tức khối lượng của cổ phiếu tăng giá gấp 1.75 lần so với khối lượng giao dịch của phía giảm giá. Biến động trên HNX cũng tương tự, VS-A/D HNX đạt mức 0.85 lần và VS-U/D HNX là 0.72 lần.

VS-Market Cap: VS-Large Cap tiếp tục giữa vị trí cao trong phiên đầu tuần nhờ sự tăng trưởng nhẹ của các cổ phiếu vốn hóa lớn.
VS-Small Cap vẫn tiếp tục có sự thể hiện tốt sau khi bứt phá mạnh cuối tuần trước. Chỉ số này đã hình thành một vùng giao dịch dày đặc (congestion zone) ở ngưỡng 40 nên khả năng bị thủng không quá cao.

II. PHÂN TÍCH KỸ THUẬT DOW JONES
Ngắn hạn – Lực cầu bắt đáy tăng lên. Khối lượng của DJIA tăng lên khá mạnh trong phiên giao dịch ngày 12/08/2011. Điều này phần nào chứng tỏ lực cầu bắt đáy đang dần mạnh lên.
Bên cạnh đó, sự sụt giảm của các chỉ số như Stochastic Oscillator, Ultimate Oscillator, Momentum... về vùng oversold khiến cho khả năng phục hồi mạnh và nhanh của nhóm này là khá cao.
Chúng tôi vẫn nghiêng về khả năng DJIA tiếp tục phục hồi trong thời gian tới. Tuy nhiên, để tránh những đợt sụt giảm bắt ngờ (thrust down), giá cần vượt qua ngưỡng Fibo 161.8%.

Dài hạn – Vùng 10,350 – 10,500 điểm vẫn chưa bị thủng. Mặc dù vùng 10,350 – 10,500 điểm vẫn đang trụ vững nhưng giới phân tích bắt đầu lo ngại về việc các đường MA dài hạn vẫn tiếp tục lao dốc.
Nếu điều này vẫn tiếp diễn trong thời gian tới thì khả năng có tín hiệu bán tiếp tục giữa SMA 50, SMA 100 và SMA 200 là rất lớn. Khi đó, chúng tôi cho rằng việc đặt DJIA vào trạng thái cảnh báo lần thứ hai là cần thiết.
III. THỐNG KÊ THỊ TRƯỜNG NGÀY 15/08/2011

Phòng Nghiên cứu Vietstock



Xem bài viết: Vietstock Daily 16/08: Độ rộng thị trường vẫn khá an toàn