Giá thực phẩm gây sức ép cho lạm phát
Lương thực thực phẩm trong tổng CPI là khoảng 40%. Trong khi đó đất nông nghiệp của nước ta đã giảm đi 45% so với trước đây.
“Trên thế giới thời gian vừa qua nhiều ngân hàng trung ương đã thực hiện việc nới lỏng tiền tệ. Tuy nhiên, động thái này vẫn không tránh khỏi lạm phát. Kinh tế đang rơi vào suy thoái toàn cầu lần hai, chúng ta cũng không ngoại lệ” - TS Nguyễn Toàn Thắng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN), đã nhận định như vậy tại hội thảo Nâng cao hiệu quả phối hợp chính sách vĩ mô nhằm kiềm chế lạm phát vào hôm 9-8.

Thiếu hệ thống dự trữ thực phẩm
Theo ông Thắng, lạm phát hiện nay là hệ quả của nhiều yếu tố nên việc chống lạm phát cũng trở nên phức tạp. Những nguyên nhân khiến việc chống lạm phát trở nên phức tạp thứ nhất phải kể đến yếu tố tiền tệ, hiệu quả đầu tư. Thứ hai là giá lương thực thực phẩm thế giới biến động tác động đến giá trong nước tăng. Thứ ba, rõ ràng thị trường bất động sản của nước ta hiện nay không lành mạnh trong đó yếu tố tâm lý và đầu cơ rất lớn. Thứ tư là do cung cấp thông tin thiếu minh bạch.
Theo ông Thắng, nếu để lạm phát tăng cao, nền kinh tế bị trì trệ thì sau này tăng trưởng rất khó. Vì thế nên nhanh chóng tháo gỡ để tránh rơi vào trạng thái này.
Theo TS Lê Anh Tuấn, Giám đốc nghiên cứu Dragon Capital, lạm phát thì giá cả tăng là đúng. Nhưng lương thực thực phẩm thế giới tăng sẽ ảnh hưởng lớn đến giá cả trong nước, nhất là khi người dân Việt Nam có một thói quen là mua thức ăn từ rau, củ, quả, thịt phải tươi sống. Ông Tuấn nêu ví dụ, ở Việt Nam khi người tiêu dùng đi mua thịt thì con đó được giết trong buổi sáng sớm. Nếu để đến chiều thì đã là thịt cũ rồi. Một quả táo Úc khi đến tay chúng ta vẫn còn tươi nguyên như vừa hái nhưng thực tế nó đã được thu hoạch cách đó 6-7 tháng. Điều này cho thấy chúng ta đang thiếu một hệ thống dự trữ rất lớn. Trong bối cảnh hiện nay, lương thực thực phẩm thế giới đang tác động lớn đến nền kinh tế chúng ta và nó có tác động đến lạm phát.
PGS-TS Tô Kim Ngọc, Phó Giám đốc Học viện Ngân hàng, cho biết lương thực thực phẩm trong tổng CPI hiện nay là khoảng 40%. “Chắc chắn năm năm, 10 năm nữa giá lương thực thực phẩm sẽ không như vậy. Dự báo năm 2020 nước ta sẽ bị ảnh hưởng rất lớn từ việc biến đổi khí hậu. Trong khi đó đất nông nghiệp của nước ta đã giảm đi 45% so với trước đây” - PGS-TS Tô Kim Ngọc nhận định.
Vậy nguyên nhân của lạm phát là cái gì? Do giá cả thế giới tăng hay do thị trường chúng ta bất hợp lý? Theo PGS-TS Ngô Hướng, Hiệu trưởng Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, nếu không thống nhất với nhau về nguyên nhân thì chính sách chúng ta đưa ra hiệu quả sẽ không cao.
Cơ chế điều hành chưa ăn nhịp
Thời gian qua NHNN là nơi tiên phong chống lạm phát. Chúng ta đã đưa ra nhiều giải pháp như chính sách tài khóa thắt chặt, tăng lãi suất qua đêm… Tuy nhiên, theo PGS-TS Lê Hoàng Nga, Phó Giám đốc Trung tâm Đào tạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, bên cạnh những giải pháp đã và đang thực hiện phải có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa Bộ Tài chính và NHNN. “Chống lạm phát không chỉ là việc của NHNN mà còn của các bộ, ban, ngành. Bên cạnh đó, cần phải có sự nhất quán, kiên định trong Chính phủ” - bà Nga nói.
Cùng quan điểm trên, TS Hạ Thị Thiều Dao, Tổng Biên tập tạp chí Công Nghệ Tin Học Ngân Hàng, cho rằng NHNN thường xuyên phải thay đổi các công cụ điều hành để vừa đạt mục tiêu tăng trưởng, vừa giảm lạm phát. Bộ Tài chính cũng thực hiện chống lạm phát nhưng chưa phù hợp với khả năng của mình. Trên thực tế Bộ Tài chính và NHNN chưa phối hợp tốt trong việc trao đổi thông tin điều hành trong việc xây dựng đưa ra quyết định và thực thi chính sách.
Phân tích thêm về vấn đề này, bà Dao cho rằng chúng ta cứ nói giá xăng dầu của Việt Nam tăng là do thế giới, vậy tại sao khi nó giảm thì mình vẫn không giảm? Năm 2010, thị trường Singapore điều chỉnh xăng dầu 27 lần, chúng ta điều chỉnh năm lần. Năm 2011, Singapore điều chỉnh 25 lần thì xăng dầu trong nước cũng điều chỉnh rất ít lần. Vừa qua, xăng dầu thế giới giảm nhưng xăng dầu trong nước có giảm đâu. Việc này cũng cần đặt cho Bộ Tài chính việc tại sao giá thế giới xuống mà mình không xuống. Hay chúng ta chưa có một cơ quan phối hợp giữa NHNN và Bộ Tài chính? Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính Tiền tệ Quốc gia chỉ có chức năng tư vấn, chưa có quyền quyết định chính sách.
Khuyến khích đầu tư vào doanh nghiệp thay vì gửi tiết kiệm
Nên khuyến khích người dân đầu tư trực tiếp vào doanh nghiệp dạng cổ phần thay vì gửi tiết kiệm. Nếu có nhiều người cùng góp vốn thì doanh nghiệp sẽ vay ngân hàng ít đi. Trên thế giới, các doanh nghiệp thuận mua vừa bán với nhau liền chứ không cần phải ra ngân hàng. Cho nên vấn đề ở chỗ là do các doanh nghiệp chúng ta đã không tin tưởng lẫn nhau nên cứ phải ra ngân hàng. Làm được như thế này sẽ giảm áp lực tín dụng rất lớn.
PGS-TS Ngô Hướng, Hiệu trưởng Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM
Bài học từ ngân hàng các nước còn đó
Chúng ta đã có những bài học từ Nhật năm 1991, khi đối diện với khủng hoảng tài chính, các nhà chính sách của Nhật trong thời gian đó đã không mạnh tay thừa nhận ép các ngân hàng có nợ xấu. Điều này đã làm cho nền kinh tế Nhật sau đó trở nên èo uột, GDP giảm 20%. Thụy Điển, Na Uy những năm đầu năm 1990 đã khoanh vùng các ngân hàng để xử lý và sau đó họ đã vượt qua khủng hoảng và phát triển. Nhiều người thắc mắc tại sao doanh nghiệp đi vay vốn chứ không vay trái phiếu? Bởi 90% nắm giữ trái phiếu là của ngân hàng mà trái phiếu cao hơn cả việc đi vay. Vậy lạm phát là do nhiều nguyên nhân. Nhưng chúng ta đang đặt lạm phát lên riêng NHNN là quá nặng.
TS Lê Anh Tuấn, Giám đốc nghiên cứu Dragon Capital

Yên Trang
pháp luật tphcm



Xem bài viết: Giá thực phẩm gây sức ép cho lạm phát