Dòng vốn sẽ trở lại thị trường mới nổi trong nửa cuối năm
Nửa đầu năm, nhà đầu tư rút 13 tỷ USD khỏi thị trường mới nổi
(Vietstock) - Dự báo trong 6 tháng tới, dòng vốn sẽ trở lại các thị trường mới nổi vì nhà đầu tư nhận thấy nợ công quá cao tại thế giới phát triển có thể cản trở đà tăng trưởng của nền kinh tế và khả năng sinh lời của các doanh nghiệp.
* Tuần qua, chứng khoán toàn cầu mất sạch hơn 2.5 ngàn tỷ USD

Theo EPFR, trong 6 tháng đầu năm nay, nhà đầu tư đã rút gần 13 tỷ USD khỏi quỹ đầu tư chứng khoán tại các thị trường mới nổi (tương ứng 1.4% số tài sản đang được quản lý AUM) để đổ vào các tài sản được xem là an toàn của các thị trường phát triển.
Trong khi đó, dòng vốn đổ vào quỹ đầu tư chứng khoán tại các thị trường phát triển trong nửa đầu năm đạt 26 tỷ USD (tương ứng 0.47% AUM).
Điều này trái ngược hoàn toàn với năm 2010 khi các thị trường mới nổi thu hút được dòng vốn kỷ lục tới 95 tỷ USD. Trong năm nay, bất ổn tại Trung Đông, lạm phát thực phẩm cao và đà leo thang của giá dầu đã khiến tâm lý nhà đầu tư thay đổi. Đáng chú ý, vào đầu tháng 2, chỉ trong vòng một tuần, nhà đầu tư rút tới 7 tỷ USD khỏi các thị trường mới nổi.
6 tháng đầu năm, chỉ số MSCI Thế giới của các thị trường phát triển tăng mạnh hơn chỉ số MSCI của các thị trường mới nổi 4.5%.
Tuy nhiên, theo ông Philip Poole, trưởng bộ phận chiến lược đầu tư và vĩ mô của HSBC Global Asset Management, sự chuyển biến của các thị trường phát triển trong nửa đầu năm nay chỉ là tạm thời.
Ông dự báo trong 6 tháng tới, dòng vốn sẽ trở lại các thị trường mới nổi vì nhà đầu tư nhận thấy rằng nợ công quá cao tại thế giới phát triển có thể cản trở đà tăng trưởng của nền kinh tế và khả năng sinh lời của các doanh nghiệp.
Ông Poole nói: “Chúng tôi tin rằng dòng vốn tiềm năng sẽ chảy sang các thị trường mới nổi trong nửa cuối năm nay”.
Ông Cameron Brandt, Giám đốc nghiên cứu của EPFR cho biết, trên thực tế, tâm lý nhà đầu tư đã bắt đầu chuyển biến cách đây vài tháng.
Ông nói: “Kể từ tháng 4, nhà đầu tư đã bắt đầu chuyển sang các thị trường mới nổi vì họ bắt đầu nghĩ về tình hình của thị trường hậu QE2, lạm phát cao tại các thị trường phát triển cũng như chỉ báo kinh tế hàng đầu tại các thị trường này đã bắt đầu sa sút”.
Ông Alan Brown, Giám đốc đầu tư của EPFR cũng đưa ra nhận định tương tự khi cho rằng xu hướng sẽ thay đổi trong nửa cuối năm nay do mối lo ngại về Mỹ và Eurozone.
Theo ông Brown, hiện các khách hàng tổ chức lớn của EPFR đang rút khỏi các thị trường phát triển và đầu tư vào các thị trường mới nổi. Đặc biệt, mới đây một nhà đầu tư cá nhân đã rút hơn 10 tỷ USD.
Ông cho biết: “Nhà đầu tư không an tâm về triển vọng trung hạn tại châu Âu và Bắc Mỹ”.
Ngược lại, ông Poole cho biết các thị trường mới nổi lớn như Trung Quốc và Ấn Độ tiếp tục giữ được sự hấp dẫn của mình sau khi rút lui khỏi các mức cao vào đầu năm nay.
Thị trường chứng khoán Trung Quốc đang giao dịch với P/E forward cho năm 2001 ở mức 10.8 lần so với mức 13.8 lần vào đầu năm. Trong khi đó, thị trường chứng khoán Ấn Độ lại đang giao dịch với P/E forward cho năm 2011 ở mức 15.4 lần, so với 16.1 lần vào đầu năm
Ông Poole cho biết thêm nỗi lo lạm phát sẽ bắt đầu lắng dịu do các biện pháp thắt chặt chính sách mạnh tay của 2 quốc gia này.
Phạm Thị Phước (Theo Financial Times)



Xem bài viết: Dòng vốn sẽ trở lại thị trường mới nổi trong nửa cuối năm