Lập quy chuẩn mới về công bố thông tin
Quy chuẩn về công bố thông tin sắp tới đây sẽ có 3 bước tiến là Trung tâm Lưu ký cũng phải công bố thông tin, DN càng lớn, càng phải công bố thông tin nhiều và cổ đông nội bộ sẽ hết cửa “lướt sóng”.
Quy chuẩn hóa hoạt động CBTT là điều các nhà đầu tư chờ đợi từ lâu

Dự thảo Thông tư thay thế Thông tư 09/2010/TT-BTC về công bố thông tin (CBTT) trên TTCK, mà Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) sắp hoàn chỉnh và dự kiến trình Bộ Tài chính ban hành trong quý IV/2011, lần đầu tiên đưa ra 3 bước tiến về CBTT trên TTCK.
Trung tâm Lưu ký cũng phải CBTT
Điểm gây chú ý đầu tiên sau khi ông Nguyễn Sơn, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, UBCK công bố bản dự thảo thông tư mới tại Hội thảo "Xây dựng Thông tư thay thế Thông tư 09/2010/TT-BTC về hướng dẫn CBTT trên TTCK", do UBCK phối hợp với Cơ quan Luxembourg Development vừa tổ chức, là Trung tâm Lưu ký (VSD) phải có nghĩa vụ CBTT.
Theo đó, có 8 loại thông tin VSD phải công bố. Trong đó, theo ông Dương Văn Thanh, Phó tổng giám đốc VSD, có 6 loại thông tin đã được cung cấp trên website của Trung tâm là: thông tin về thành viên lưu ký, ngân hàng thanh toán; cấp, thu hồi giấy chứng nhận thành viên; cấp, huỷ giấy chứng nhận đăng ký chứng khoán; cấp, huỷ đăng ký mã chứng khoán; thực hiện quyền và mã số giao dịch của NĐT nước ngoài. Cùng với việc chuẩn hoá công bố các thông tin này, theo ông Thanh, khi thông tư mới có hiệu lực, VSD sẽ phải cung cấp thêm 2 thông tin trên website là thông tin về chuyển quyền sở hữu của cổ đông sáng lập và tỷ lệ sở hữu của NĐT nước ngoài tại DN. Nhưng trên thực tế, thông tin về tỷ lệ sở hữu của NĐT nước ngoài hiện đã được VSD cung cấp cho các Sở GDCK để công khai ra thị trường, nên thực chất đã khá rõ ràng. Nếu quy định mới yêu cầu VSD cung cấp trực tiếp qua website thì Trung tâm không khó khăn để đáp ứng.
Tuy nhiên, để nâng cao chất lượng CBTT của VSD, các thành viên thị trường đề nghị, dự thảo Thông tư cần quy định chi tiết, với loại thông tin gì thì Trung tâm phải cung cấp vào thời điểm nào, tránh quy định chung chung dẫn đến sự ngẫu hứng trong hoạt động CBTT.
DN lớn phải CBTT nhiều
Một bước tiến khác về nâng cao chất lượng CBTT trên TTCK là việc đặt ra nguyên tắc: việc CBTT của công ty đại chúng được phân theo lớp và nghĩa vụ giảm dần theo quy mô vốn điều lệ thực góp và số lượng cổ đông.
Theo đó, lớp 1 là các công ty đại chúng quy mô lớn, với vốn điều lệ 120 tỷ đồng và 300 cổ đông trở lên. Điểm nổi bật trong việc yêu cầu các công ty đại chúng quy mô lớn CBTT là phải sổ sung báo cáo vốn chủ sở hữu trong báo cáo tài chính, bên cạnh 4 báo cáo hiện hành là: bảng cân đối kế toán, báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh, báo cáo lưu chuyển tiền tệ và bản thuyết minh báo cáo tài chính.
Để chuẩn hoá yêu cầu lập báo cáo vốn chủ sở hữu, ông Bùi Văn Mai, Tổng thư ký Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam kiến nghị, dự thảo Thông tư cần quy định chi tiết lý do tăng hoặc giảm vốn như: chênh lệch đánh giá lại tài sản, chênh lệch tỷ giá, biến động cổ phiếu quỹ…
Lý giải về nguyên nhân chọn ngưỡng DN có vốn 120 tỷ đồng và từ 300 cổ đông trở lên để đưa vào nhóm công ty đại chúng quy mô lớn, ông Sơn cho biết, trên cơ sở tổng hợp dữ liệu của khoảng 1.000 công ty đại chúng, cũng như các DN đang niêm yết trên HOSE và HNX, đồng thời có tính đến định hướng nâng cao tiêu chuẩn niêm yết trên TTCK, thì ngưỡng này là hợp lý, bởi nếu cao quá thì khá nhiều công ty đại chúng được giảm nhẹ nghĩa vụ CBTT; ngược lại, nếu đưa ngưỡng này xuống thấp thì sẽ làm tăng bất thường nghĩa vụ CBTT của nhiều DN.
Lớp 2 là nghĩa vụ CBTT của DN niêm yết với dự kiến vốn trên 30 tỷ đồng và dưới 300 cổ đông. Điểm mới trong dự thảo là các DN này không phải CBTT về báo cáo tài chính bán niên có soát xét như hiện nay. Tuy nhiên, cách phân loại của lớp 2 là dựa vào DN niêm yết đã gây khá nhiều tranh cãi trong các thành viên thị trường, bởi tiêu chí phân lớp không đồng nhất khi lớp 1 dựa vào tiêu chí về vốn và số lượng cổ đông, trong khi lớp 2 lại căn cứ vào việc DN có niêm yết hay không.
"Thực ra, Ban soạn thảo có lưu ý về sự bất nhất trên, nhưng do đặc thù của TTCK Việt Nam là có số lượng công ty đại chúng chưa niêm yết khá lớn, nên phương án đưa ra trong dự thảo Thông tư là khả dĩ. Tuy nhiên, Ban soạn thảo sẽ cân nhắc thêm để có cách thể hiện ràch mạch hơn", ông Sơn nói. Lớp 3 là nghĩa vụ CBTT của công ty đại chúng khác (không phải hai loại DN trên) được quy định khá nhẹ, khi các DN chỉ phải CBTT về báo cáo tài chính năm được kiểm toán, đồng thời được khuyến nghị nên lập báo cáo tài chính quý.
Chặn cửa "lướt sóng" của cổ đông nội bộ
Một bức xúc của các NĐT nhỏ lẻ hiện nay là phải đứng nhìn cổ đông nội bộ công khai lướt sóng, khi họ đăng ký vừa mua, vừa bán cổ phiếu trong cùng một khoảng thời gian. Tuy nhiên, các cổ đông nội bộ sẽ hết cửa "lướt sóng" khi dự thảo Thông tư quy định: cổ đông nội bộ không được đăng ký vừa mua, vừa bán cổ phiếu của công ty trong cùng một khoảng thời gian và chỉ được đăng ký đợt tiếp theo sau khi đã báo cáo hoàn tất giao dịch đợt trước đó. Kèm theo đó, giảm thời gian đăng ký giao dịch của cổ đông nội bộ xuống còn 45 ngày, thay vì 60 ngày như hiện tại.
Chưa thoả mãn với bước tiến này, ông Robert Singletary, chuyên gia pháp lý Dự án VIE/026 của UBCK, người trực tiếp tham gia xây dựng dự thảo Thông tư chia sẻ, để minh bạch hơn hoạt động mua bán cổ phiếu của cổ đông nội bộ, Ban soạn thảo có thể nghiên cứu để bổ sung quy định: cổ đông nội bộ phải nêu cụ thể số lượng cổ phiếu và dải giá mà họ đăng ký giao dịch, tránh tình trạng đăng ký tù mù như hiện nay.
"Báo cáo thường niên không nên phải soát xét"
Ông Nguyễn Khắc Hải, Phó tổng giám đốc Công ty Quản lý quỹ SSI
Tuy dự thảo Thông tư thay thế Thông tư 09/2010/TT-BTC không yêu cầu các công ty đại chúng (CTĐC) phải soát xét báo báo thường niên (BCTN), nhưng một số ý kiến lại đề nghị Ban soạn thảo bổ sung quy định này, nhằm đảm bảo sự thống nhất, trung thực về số liệu giữa BCTN và báo cáo tài chính đã được kiểm toán.
Tuy nhiên, theo quan điểm của tôi, với thực tiễn hiện nay, việc đưa quy định này vào dự thảo Thông tư là không hợp lý, bởi khi công bố BCTN, DN sẽ không mạo hiểm làm sai lệch số liệu so với báo cáo kiểm toán. Nếu DN nào cố tình làm như vậy thì rất dễ bị phát hiện và tự đánh mất uy tín của mình. Mặt khác, mẫu BCTN được quy định rất rõ ràng, nên DN không thể tự tiện bóp méo, thêm thắt thông tin theo hướng có lợi cho mình. Do đó, không cần kiểm toán phải soát xét BCTN. Hiện các CTĐC có rất nhiều nghĩa vụ phải chấp hành với chi phí về thời gian và tiền bạc không ít, nay nếu phải soát xét BCTN nữa thì sẽ gia tăng gánh nặng không đáng có cho DN. Bản thân các công ty kiểm toán đang rơi vào tình trạng quá tải mỗi khi vào mùa kiểm toán, nay đặt ra yêu cầu soát xét BCTN, thì cũng sẽ tăng áp lực cho các DN này.
Cũng liên quan đến BCTN, dự thảo Thông tư quy định, CTCK, công ty quản lý quỹ CBTT định kỳ theo quy định tại Điều 8 mục 2 Chương II… Về vấn đề này, Ban soạn thảo cần giải thích rõ, CTCK, công ty quản lý quỹ không phải là CTĐC có cần phải CBTT định kỳ giống như CTĐC, bao gồm cả việc lập và công bố BCTN không? Để đảm bảo sự bình đẳng giữa các DN, tốt nhất nên quy định theo hướng CTCK, công ty quản lý quỹ thuộc loại hình nào, thì chỉ có nghĩa vụ CBTT trong phạm vi và theo loại hình của công ty đó.
"Cần làm rõ hơn nghĩa vụ CBTT của cổ đông lớn"
Bà Nguyễn Ngọc Lan Anh, Giám đốc phát triển kinh doanh, Bộ phận dịch vụ chứng khoán HSBC Việt Nam
Đối với nghĩa vụ CBTT của cổ đông lớn, dự thảo Thông tư nên quy định cụ thể về cách thức xác định thời điểm hoàn tất việc thực hiện giao dịch, không chỉ đối với trường hợp cổ phiếu của CTĐC niêm yết hoặc đăng ký giao dịch, mà bao gồm cả trường hợp cổ phiếu của CTĐC không niêm yết/đăng ký giao dịch. Trên cơ sở đó, cổ đông lớn có thể xác định thời hạn phải hoàn tất nghĩa vụ CBTT của mình.
Cụ thể, đối với cổ phiếu của công ty niêm yết hoặc đăng ký giao dịch, thời điểm thực hiện giao dịch nên là thời điểm hoàn tất chu kỳ thanh toán (khi giao dịch được thực hiện thông qua hệ thống giao dịch tập trung của Sở GDCK hoặc thời điểm VSD hoàn tất việc chuyển nhượng chứng khoán và thông báo tới thành viên lưu ký của NĐT. Đối với cổ phiếu của CTĐC không niêm yết/đăng ký giao dịch, thời điểm thực hiện giao dịch nên là thời điểm hoàn tất việc ghi nhận sở hữu vào sổ đăng ký cổ đông. Đồng thời, dự thảo Thông tư nên xem xét quy định, đối với bất kỳ sự chuyển nhượng sở hữu nào, CTĐC không niêm yết/đăng ký giao dịch hoặc tổ chức cung cấp dịch vụ quản lý cổ đông cho CTĐC có trách nhiệm thông báo tới NĐT sau khi hoàn tất việc chuyển đổi sở hữu.
Dự thảo Thông tư cũng cần làm rõ khái niệm "sở hữu gián tiếp" và cách thức báo cáo thông tin về cổ đông lớn đối với một số loại hình chủ tài khoản cụ thể, ví dụ như CTCK nước ngoài và công ty quản lý quỹ trong nước. Ngoài phần sở hữu chứng khoán trên tài khoản tự doanh, những chủ thể này đồng thời đại diện cho phần sở hữu trên tài khoản thay mặt cho các khách hàng, vì vậy cần làm rõ tỷ lệ sở hữu được xác định ở cấp độ nào, cấp độ tài khoản lưu ký hay cấp độ sở hữu của từng khách hàng.

Hữu Hòe
đầu tư chứng khoán



Xem bài viết: Lập quy chuẩn mới về công bố thông tin