Doanh nghiệp 'bám víu' vốn từ người thân
Ngân hàng siết vốn vay, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa không thể tiếp cận được nguồn tiền, đành ra sức tận dụng tối đa nguồn vốn từ người thân và những mối quen biết để hoạt động cầm cự.
Tại buổi gặp gỡ giữa lãnh đạo TP HCM và doanh nghiệp chiều 19/7, bà Lý Kim Chi, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội lương thực, thực phẩm thành phố cho biết, hiện nay hơn 80% doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này đang gặp rất nhiều khó khăn về vốn. Theo bà Chi, đặc thù của ngành đa phần là doanh nghiệp nhỏ và vừa, chỉ cần có được nguồn vốn 5-10 tỷ đồng đã có thể duy trì được hoạt động và công ăn việc làm cho người lao động.
Không tiếp cận được vốn vay, nhiều doanh nghiệp phải vận động vốn từ người thân và bạn bè.
Thế nhưng, bản thân doanh nghiệp bà cũng như các đơn vị khác hiện nay không thể nào tiếp cận được vốn ngân hàng do lãi suất quá cao. Theo tính toán của bà Chi, với mức lãi suất khoảng 22% một năm, cộng với các khoản chi phí khác, doanh nghiệp phải đạt lợi nhuận 35-40% mới đảm bảo trả được nợ. "Đây là điều khó vô cùng đối với những đơn vị làm ăn chân chính trong bối cảnh hiện nay", bà nói.
Do đó, để cầm cự qua cơn khó khăn này, bản thân bà phải tận dụng tối đa nguồn vốn từ người thân trong gia đình. Thậm chí, thông qua các mối quan hệ quen biết, bà tìm kiếm nguồn vốn từ kiều hối gửi về cho người thân của họ để vay mượn, giúp doanh nghiệp vượt qua giai đoạn "ngàn cân treo sợi tóc".
Ông Phan Đình Tuệ, Phó Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Nghệ Tĩnh tại TP HCM, Giám đốc Chi nhánh Bình Triệu Ngân hàng Phương Nam cho rằng, Nhà nước đang dùng thuốc kháng sinh chống lạm phát "quá liều", lại không kèm theo thuốc bổ nên rất dễ gây tác dụng phụ.
Theo ông, nếu cứ kéo dài tình trạng thắt chặt tiền tệ một cách quá mức như hiện nay, doanh nghiệp sản xuất gặp khó khăn nên sẽ thu hẹp hoạt động. Khi đó, nguồn cung hàng hoá dần bị hạn chế. Như vậy, lạm phát ắt hẳn lại bùng phát. "Lạm phát sẽ lại rượt đuổi lạm phát", ông nói.
Chung sự bức xúc, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch hiệp hội bất động sản TP HCM thốt lên rằng, với mức lãi suất lên đến 24-25% hiện nay, không một doanh nghiệp nào có thể sống nổi. Nếu tình trạng này không sớm chấm dứt, hàng loạt doanh nghiệp sẽ vỡ vụn.
Ông Châu bày tỏ mong muốn, không nên coi bất động sản hoàn toàn là một ngành phi sản suất thuần tuý, bởi nó có mối quan hệ rất mật thiết với nhiều ngành khác. Hiện nay, do sự thắt chặt dòng vốn tín dụng đối với lĩnh vực này, các đơn vị hoạt động trong ngành bất động sản đang hết sức điêu đứng. Thị trường sụt giảm thê thảm, cung vượt cầu. Hàng loạt ngành khác như xây dựng, sắt thép... cũng ảnh hưởng theo.
Ông Huỳnh Văn Minh, Chủ tịch hiệp hội doanh nghiệp TP HCM thông báo, với việc siết chặt chính sách tiền tệ, doanh nghiệp không tiếp cận được vốn vay nên đến thời điểm này đã có hơn 30% số doanh nghiệp bị phá sản. Ông cho rằng, Nhà nước cần có sự can thiệp kịp thời.
Theo lý giải của ông Minh, có 3 yếu tố quan trọng với một doanh nghiệp: Nguồn nhân lực (cán bộ); nguồn vốn (tài chính) và cơ chế, chính sách, luật pháp. Đây là mối quan hệ biện chứng. Trong thực tiễn, nếu có cán bộ giỏi mà không có vốn cũng không làm được gì. Nếu có vốn mà không có cán bộ giỏi thì sẽ dễ mất hết vốn và nếu có cán bộ, có vốn mà cơ chế chính sách không thông thoáng thì doanh nghiệp cũng không hoạt động hiệu quả.
Trên thực tế, ông Minh cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam hiện nay trên 99% là nhỏ và vừa nên điều kiện thứ nhất và thứ hai đều thiếu và yếu. Điều kiện thứ 3, cơ chế, chính sách của Nhà nước còn nhiều bất cập, chưa theo kịp với xu thế hội nhập, nhiều lúc còn nặng nề biện pháp hành chính, nặng chống - nhẹ xây, gây không ít khó khăn.
Trước tình hình trên, vị Chủ tịch hiệp hội đề nghị Chính phủ và trước hết là TP HCM, bằng nguồn lực của mình cần có giải pháp cấp thời để cấp cứu cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp làm xuất khẩu, làm nông nghiệp và tham gia bình ổn giá… "Ba điều kiện tiên quyết nêu trên thì vốn là điều kiện cấp bách, cần cấp cứu gấp", ông nhấn mạnh. Theo ông, Chính phủ phải nhanh chóng kéo mức lãi suất xuống dưới 12% một năm như trước đây, thì doanh nghiệp mới dám vay để phục vụ sản xuất, kinh doanh.
Ngoài ra, ông cũng kiến nghị Nhà nước nên thành lập Quỹ hỗ trợ cho các doanh nghiệp vay (đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa) với mức lãi suất ưu đãi, cùng các điều kiện, thủ tục không quá phức tạp để tất cả đều có thể tiếp cận được nguồn vốn này. Đồng thời cho vay đối với các hợp đồng đã mở LC (dùng LC thế chấp, thay cho thế chấp bằng tài sản). Bên cạnh đó, nên có gói kích cầu bằng “vật chất” có trọng tâm, trọng điểm giúp cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, cùng các ngành cần sự quan tâm giúp đỡ của Nhà nước.
Ông Lê Hoàng Quân, Chủ tịch UBND TP HCM cho biết, những vấn đề mà doanh nghiệp nêu lên, nếu thuộc tầm của thành phố sẽ được xem xét giải quyết ngay. Còn những việc thuộc tầm vĩ mô của Chính phủ, thành phố sẽ kiến nghị lên trên nhằm tìm cách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Lệ Chi
vnexpress



Xem bài viết: Doanh nghiệp 'bám víu' vốn từ người thân