Bộ Tài chính: CPI tháng 7 khó giữ vì giá thực phẩm
Cục quản lý giá, Bộ Tài chính vừa cho biết, trong 15 ngày đầu tháng 7/2011 giá cả một số loại nguyên vật liệu, hàng hóa trên thị trường thế giới như đường, phân bón urê, gạo, xăng dầu... có xu hướng tăng đang tạo áp lực cho việc kiềm chế tốc độ tăng giá đối với thị trường trong nước.

Không chỉ chịu “lực đẩy” của thị trường thế giới đối với những mặt hàng tham gia vào thị trường xuất-nhập khẩu như phân bón, gạo, xăng dầu, sắt thép, ximăng..., Cục quản lý giá còn cho biết, thị trường trong nước đang chịu áp lực rất lớn do giá thực phẩm và rau xanh tăng mạnh.
Cụ thể, trong nửa đầu tháng 7, giá mặt hàng thực phẩm tươi sống như các loại thịt, rau củ quả tăng rất mạnh so với cùng kỳ tháng 6/2011. Trong đó, giá thịt lợn ở thị trường phía Bắc đã lên tới 110.000 - 115.000 đồng/kg tức là mỗi kg loại thực phẩm phổ biến nhất trong bữa ăn hàng ngày của người dân đã tăng 20.000-25.000 đồng so với cùng kỳ tháng 6. Còn tại thị trường phía Nam, giá thịt lợn đã tăng 5.000 - 7.000 đồng/kg, lên 90.000 - 95.000 đồng/kg. Giá thịt cũng đã lên 130.000-140.000 đồng/kg (miền Bắc), 113.000 - 125.000 đồng/kg (miền Nam), tức là tăng so với cuối tháng 6 từ 5.000 - 8.000 đồng/kg.
Giá thịt bò phổ biến ở miền Bắc có nơi đã chạm mốc 200.000 đồng/kg, tăng 20.000-30.000 đồng so với cuối tháng 6/2011. Trong kh đó, ở thị trường miền Nam, giá loại thực phẩm thông dụng này cũng phổ biến ở mức 170.000-198.000 đồng/kg (tăng 18.000-30.000 đồng).
Tương tự, giá hầu hết các loại rau củ quả và thuỷ hải sản sử dụng phổ biến trong đời sống hàng ngày của người dân đều tăng. Giá rau củ quả tăng ít nhất là 2.000 đồng/kg và cao nhất lên tới 17.000 đồng/kg; thuỷ hải sản tăng 8.000 - 10.000 đồng/kg.
Điều đáng nói là mặc dù giá hàng thực phẩm, lương thực, rau củ quả đã tăng rất mạnh trong vòng 1 tháng trở lại đây, nhưng chưa có dấu hiệu giảm, thậm chí còn tiếp tục tăng vào thời gian tới.
Theo bà Nguyễn Thị Thuý Nga, Phó cục trưởng Cục quản lý giá, nguyên nhân là do giá thức ăn chăn nuôi tăng cao (bình quân giá thức ăn chăn nuôi 6 tháng đầu năm 2011 tăng 30-40% so cùng kỳ năm 2010), thêm vào đó vốn đầu tư cho chăn nuôi bị hạn chế vì lãi suất ngân hàng quá cao cũng đẩy giá thực phẩm lên cao.
“Chi phí đầu vào và lãi suất tăng cao, cộng với ảnh hưởng tâm lý sợ thiệt hại do dịch bệnh trên gia súc đã khiến nhiều hộ gia đình không dám nuôi lợn vì không có lãi bằng công lao động ở các ngành nghề khác, dẫn đến nguồn cung bị hạn chế (hiện có tới 50-60% các hộ chăn nuôi đã “treo chuồng”). Bên cạnh đó, giá thịt lợn của Việt Nam hiện đã tương đương với một số nước trong khu vực cũng tạo áp lực đẩy giá thịt lợn tăng cao nhất từ trước tới nay”, bà Nga cho biết.
Trong khi đó, giá đầu vào của ngành trồng trọt là phân urê cũng đang có dấu hiệu tăng cho dù trong 15 ngày đầu tháng 7 ở thị trường miền Bắc, mỗi kg phân urê đã tăng 300 đồng, còn ở thị trường miền Nam tăng 600-950 đồng do giá mặt hàng này trên thị trường thế giới tăng 29 - 69 USD/tấn trong vòng 1 tháng gần đây.
Với diễn biến của thị trường trong nước và thế giới trong thời gian gần đây, ông Nguyễn Lộc An, Phó vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (Bộ Công thương cho rằng), tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 7 khó có thể ở mức dưới 1%. Và nếu nguồn cung các mặt hàng lương thực, thực phẩm, rau củ quả tăng mạnh trong thời gian tới, cộng với việc thực hiện quyết liệt và đồng bộ các chính sách tài chính - tiền tệ chặt chẽ thì khả năng tốc độ tăng CPI năm 2011 cũng phải ở mức 17%.
Mạnh Bôn
đầu tư



Xem bài viết: Bộ Tài chính: CPI tháng 7 khó giữ vì giá thực phẩm