Vietstock Weekly 18 – 22/07: Lực đỡ từ kết quả kinh doanh khả quan của một số ngành
(Vietstock) – Chúng tôi đang kỳ vọng sẽ xuất hiện những gam màu sáng hơn hơn từ kết quả kinh doanh ở các doanh nghiệp ngành mía đường, dệt may, cao su, nông sản, ngân hàng … Đây sẽ là động lực ít ỏi giúp thị trường có cơ hội phân hóa, níu kéo đà sụt giảm và tâm lý bi quan của giới đầu tư, trong bối cảnh có nhiều lý do để chứng khoán là “con gấu” hơn là “con bò”.
I. KINH TẾ TÀI CHÍNH TRONG NƯỚC
Giá vàng tăng mạnh: Dấu hiệu của một giai đoạn kinh tế biến động phức tạp?
Diễn biến tăng vọt của giá vàng trong tuần qua đã gây xôn xao và lo ngại cho giới đầu tư về một viễn cảnh biến động phức tạp của kinh tế toàn cầu.
Bức tranh tổng thể của kinh tế toàn cầu được “chắp nối” bởi những mảnh ghép sạm màu của các nền kinh tế trên thế giới. Khủng hoảng nợ công ở Châu Âu đang gây ra mối đe dọa đối với sự ổn định của hệ thống tài chính lục địa già nói riêng và toàn thế giới nói chung. Trong khi đó, các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển thì đang phải vật lộn với lạm phát tăng cao.
Phân tích của chúng tôi cho thấy giá vàng sẽ khó có khả năng giảm mạnh trong vòng 3-6 tháng tới. Đây cũng là lúc các hoạt động đầu tư trên kênh này được đẩy mạnh, và có khả năng sẽ ảnh hưởng đến hoạt động đầu tư chứng khoán trong ngắn hạn.
Hút ròng trên OMO, lãi suất trái phiếu “muốn” tăng cao
Trái ngược với diễn biến sôi động của thị trường trái phiếu trong hơn 1 tháng qua, tỷ lệ trúng thầu trái phiếu Chính phủ trong 2 ngày qua đã sụt giảm đáng kể. Nếu ngày 14/7, tỷ lệ trúng thầu còn ở mức 45% với lãi suất ở khoảng 12.2%-12.3% cho các kỳ hạn 3 năm, 5 năm, thì vào phiên đấu giá cuối tuần, tỷ lệ trúng thầu bằng 0 ở cả hai kỳ hạn trên.
Đáng chú ý là trong phiên này chỉ có một đơn vị tham gia đấu thầu với khối lượng chỉ là 100 tỷ đồng trong 3,000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ gọi thầu. Tuy vậy, lãi suất yêu cầu lại cao hơn mức lãi suất đưa ra nên không có lượng trái phiếu nào được bán ra.
Chúng tôi đã thấy NHNN quay trở lại hút ròng tiền về trên thị trường mở sau khi bơm nhẹ vào tuần trước. Rõ ràng là các ngân hàng sẽ thận trọng hơn trước dấu hiệu này, đặc biệt trong bối cảnh lạm phát vẫn còn nhiều thách thức trong tháng 7 và lãi suất hoàn toàn có thể tiếp tục đứng ở mức cao, chứ chưa thể hạ xuống một cách lạc quan trong ngắn hạn.
Ngành chứng khoán: Lỗ hàng loạt
Theo Bộ Tài chính, tổng số công ty chứng khoán có mức lỗ lũy kế đến quý 2/2011 là 61/105 công ty, trong khi đó có tới 27/47 công ty quản lý quỹ bị thua lỗ. Một số công ty chứng khoán duy trì được mức lợi nhuận trong quý 2 chủ yếu nhờ sức đề kháng từ hoạt động dịch vụ.
Nếu xem thị trường chứng khoán là hàn thử biểu của nền kinh tế, thì có thể thấy đến thời điểm này điều đó đã được thể hiện một cách chân thật nhất. Điểm sáng hiếm hoi cho thị trường chứng khoán là sự gia tăng về số lượng tài khoản nhà đầu tư cả trong và ngoài nước.
II. THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN VIỆT NAM
Kết thúc tuần giao dịch hai sàn sụt giảm điểm khá mạnh, VN-Index sụt giảm 3.62% về mức 414.74 điểm, HNX-Index cũng đã mất 1.79% đứng tại 71.54 điểm. Nhiều cổ phiếu giảm điểm mạnh hơn rất nhiều so với chỉ số chung của thị trường.
Khối lượng giao dịch khớp lệnh tăng trở lại trong tuần qua là một tín hiệu đáng mừng cho thị trường. Tuy nhiên thanh khoản lại dần đi xuống vào những phiên giao dịch cuối tuần khiến tâm lý giới đầu tư e dè hơn.
(1) Sự sụt giảm của thị trường có thể dễ dàng nhận thấy do sự đi xuống mạnh của nhóm Large Cap, khi nhóm này mất tới 4.02% trong tuần giao dịch qua. Sự đi xuống của hàng loạt các cổ phiếu như MSN, BVH, VNM, HAG... trong nhóm Large Cap, đặc biệt là các cổ phiếu trong nhóm Bất động sản như VICSJS đã liên tục kéo chỉ số này mất điểm.
Trong khi đó, chỉ số VS 100 do loại được sự ảnh hưởng của nhóm Large Cap nên chỉ sụt giảm 1,1% về mức 59.48 điểm.
(2) Thanh khoản được cải thiện trên HOSE, sụt giảm trên HNX so với tuần giao dịch trước đó. Trên HOSE, khối lượng giao dịch trung bình đạt 27.5 triệu cổ phiếu / phiên, tăng 19.6% và giá trị giao dịch trung bình đạt 478.4 tỷ đồng, tăng tương ứng 12.8% so với tuần trước. Mặc dù vẫn có sự đóng góp rất lớn từ giao dịch thỏa thuận, nhưng khối lượng giao dịch cũng đã có chút khởi sắc so với tuần trước.
Trên HNX, khối lượng giao dịch trung bình giảm 9.5%, chỉ đạt 19,4 triệu cổ phiếu so với trung bình khối lượng giao dịch tuần trước. Mặc dù vậy khối lượng giao dịch khớp lệnh cũng đã có cải thiện so với tuần trước đó.
(3) Cổ phiếu của Sacombank tiếp tục thu hút sự chú ý khi xuất hiện các đồn đại về việc ngân hàng này đang bị thâu tóm. STB cũng là cổ phiếu đứng đầu danh sách bị khối ngoại bán ròng nhiều nhất trong tuần, với tổng giá trị bán ròng hơn 13 tỷ đồng.
(4) Khối ngoại tiếp tục bán ròng trên cả hai sàn nhưng giá trị đã thu hẹp đáng kể. Khối ngoại bán ròng trên HOSE với giá trị chỉ còn 2.2 tỷ đồng. Trong khi đó, trên HNX khối ngoại đã quay sang bán ròng mạnh 6.1 tỷ đồng sau một tuần mua ròng mạnh mẽ trước đó.
(5) Trên HOSE, FPT bất ngờ được khối ngoại mua ròng 7 phiên liên tiếp, tính tổng cộng họ mua ròng hơn 33 tỷ đồng trong tuần qua. Cổ phiếu mua ròng mạnh tiếp theo là REE (13.4 tỷ đồng), DPR (8.5 tỷ) và EVE (7.8 tỷ ).
Ở phía bán ròng, như đề cập ở trên, STB đang đứng đầu danh sách trong tuần qua. SSC cũng bị bán ròng một cách đột ngột với giá trị gần 11.5 tỷ đồng; tiếp đến là CIIVIC.
Trên HNX, VCG bất ngờ bị khối ngoại bán ròng mạnh trong phiên cuối tuần với giá trị hơn 6 tỷ đồng, tiếp đến là PVXSCR. Lực mua ròng bị thu hẹp đáng kể khi chỉ diễn ra ở KLSPVS với hơn 1.5 tỷ đồng mỗi cổ phiếu.
(6) Khối ngoại chuyền tay nội khối hàng loạt cổ phiếu. VIC là cổ phiếu được khối ngoại chuyền tay nhiều nhất tuần với gần một triệu cổ phiếu, giá trị xấp xỉ 119 tỷ đồng. Trong danh mục chuyền tay của khối ngoại còn có IMP 167 nghìn cổ phiếu, DPM 150 nghìn, HPG 50 nghìn và VNM 20 nghìn.
(7) Tuần giao dịch này, VS-Large Cap đã giảm mạnh nhất 4.02%. Tiếp theo là VS-Mid Cap giảm 2.41%, VS-Small Cap giảm 2.19% và VS-Micro Cap giảm nhẹ nhất với 1.71%.
III. NHẬN ĐỊNH THỊ TRƯỜNG TUẦN 18/07 – 22/07/2011
Lực cầu bắt đáy đã giúp thị trường có hai phiên tăng điểm hiếm hoi; tuy nhiên niềm hy vọng nhỏ nhoi từ dòng tiền bắt đáy này vẫn chưa đủ gây dựng niềm tin cho giới đầu tư. Thị trường đã nhanh chóng trở lại xu hướng giá xuống trong những phiên giao dịch cuối tuần.
Bất ngờ lớn nhất trong tuần qua là sự sụt giảm mạnh của “trụ cột” thị trường mang tên Large Cap. Phải chăng giới đầu tư đang chọn giải pháp tiền mặt và chờ đợi thời cơ? Điều này có vẻ phù hợp khi thông tin vĩ mô vẫn chưa có nhiều thay đổi so với tuần trước. Diễn biến đáng lo hơn cả là có vẻ như lạm phát đang tiếp tục trở lại như là một thách thức gai góc khi giá các mặt hàng thực phẩm đang lên cao.
Thông tin lạm phát sẽ là tâm điểm của tuần giao dịch tới. Chúng tôi đã thấy thông tin NHNN quay lại hút ròng tiền trên thị trường mở, trong khi các ngân hàng thương mại lại có dấu hiệu kỳ vọng lãi suất chưa thể giảm ngay. Đây là lực cản cho quá trình tạo đáy của chứng khoán. Như đã đề cập trong tuần, giá vàng tăng lên dữ dội trong bối cảnh hiện nay cũng là một “điểm trừ” cho chứng khoán.
Về kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2011, chúng tôi đang kỳ vọng sẽ xuất hiện những gam màu sáng hơn hơn từ các ngành như mía đường, dệt may, cao su, nông sản, ngân hàng … Đây sẽ là động lực ít ỏi giúp thị trường có cơ hội phân hóa, níu kéo đà sụt giảm và tâm lý bi quan của giới đầu tư, trong bối cảnh có nhiều lý do để chứng khoán là “con gấu” hơn là “con bò”.
Ngoài ra, nếu thị trường sụt giảm mạnh trong một vài phiên đầu tuần thì cũng sẽ kích thích giao dịch của lòng tham xuất hiện sau đó vào cuối tuần.
Phân tích kỹ thuật: VN-Index – Cơ hội sẽ xuất hiện tại ngưỡng 400? Trong báo cáo tuần ngày 01/07/2011, chúng tôi đã đề cập đến mẫu hình cờ đuôi nheo hướng xuống cho khả năng VN-Index về vùng giá mục tiêu 400. Khối lượng giao dịch vẫn duy trì mức thấp chưa cho thấy VN-Index có sự biến động đủ mạnh để phá xu hướng giảm theo trung hạn hay ít nhất là sự thay đổi giá mục tiêu của mẫu hình cờ đuôi nheo như trong hình.
Thông thường, sau khi phá vỡ mẫu hình cờ đuôi nheo sẽ có những phiên giảm giá rất mạnh (wash-out) về vùng giá mục tiêu, điều này được lý giải do sự nén lại cực độ tâm lý của nhà đầu tư khi hoàn chỉnh các mẫu hình. Theo lý thuyết, VN-Index đã bỏ lỡ cơ hội xuất hiện những phiên giảm giá mạnh (wash-out) khi liên tục biến động giảm trong biên độ hẹp cùng với khối lượng thấp. Chính những thân nến đỏ nhỏ liên tục xuất hiện trong 2 tuần gần đây khi VN-Index phá vỡ mẫu hình cờ đuôi nheo cho khả năng tăng trở lại theo kỹ thuật.
Chúng tôi cho rằng, nhiều khả năng VN-Index sẽ xuất hiện cơ hội tại vùng giá mục tiêu 400 (+/- 10%), nhưng do chỉ là phục hồi kỹ thuật và biến động bên dưới đường xu hướng cùng với khối lượng giao dịch thấp nên thị trường sẽ xuất hiện sự phân hóa của các nhóm cổ phiếu.

HNX-Index – Nguy cơ vẫn rình rập tại ngưỡng hỗ trợ 71.70 tương ứng Fibo 61.8%. HNX-Index đang có những biến động nhỏ hẹp quanh ngưỡng 71.70 (Fibo 61.8%), sự xuất hiện liên tục các doji vẫn đang tạo hy vọng về mặt kỹ thuật khi không xuất hiện các phiên giảm giá mạnh.
Mặc dù ngưỡng 71.70 đã giảm bớt đà giảm của HNX-Index và những doji phần nào đem lại hy vọng nhưng nguy cơ về 66 vẫn còn đó khi giá chưa bứt khỏi vùng 71.07.
Chúng tôi cho rằng những nhà đầu tư theo trường phái an toàn nên kiên nhẫn chờ sự xuất hiện của nến xanh đảo chiều mạnh.

VIETSTOCK INDEX
VS 100: Một mẫu hình Spinning top xuất hiện trong phiên giao dịch ngày 15/07/2011 cho thấy sự giằng co vẫn đang tiếp tục.
Khối lượng của VS 100 đang tăng lên cho thấy dòng tiền vào các mã cổ phiếu chủ chốt đang ngày một tích cực. Nếu điều này tiếp diễn trong vài phiên tới thì sẽ là một dấu hiệu tốt cho thị trường.

VS-Market Cap: VS-Micro Cap là nhóm dẫn đầu trong tuần này với mức sụt giảm ít nhất (-1.71%). Điều này đã được dự đoán trước do sự sụt giảm hết sức mạnh mẽ trong những tháng trước đó.
Mặt khác, giá cũng đang hình thành một phân kỳ giá lên (bullish divergence) với Relative Strength Index. Chúng tôi kỳ vọng chỉ số này sẽ còn tiếp tục tăng trưởng trong thời gian tới.
VS-Large Cap sau khi tạo tín hiệu bán mạnh với EMA 20 đã liên tục đi xuống. Nhiều khả năng xu hướng này sẽ còn tiếp tục trong tuần tới.

(*) VS 100, VS-Sector Index, VS-Market Cap là các chỉ số thuộc hệ thống VS-Index do Vietstock phát triển với nhiều ưu điểm nổi trội.
VS 100 được tính toán dựa trên 100 cổ phiếu dẫn đầu trên cả 2 sàn HoSE và HNX. Các cổ phiếu này được chọn lọc một cách kỹ lưỡng dựa trên các tiêu chí cơ bản, vốn hóa thị trường và có tính đại diện cho từng ngành...
VS 100 có trọng số tính toán dựa trên số lượng cổ phiếu tự do chuyển nhượng (free floated), giúp khắc phục nhược điểm của hầu hết các bộ chỉ số trên thị trường hiện nay.
VS-Sector Index là hệ thống 24 Chỉ số Ngành do Vietstock xây dựng, cũng được dựa trên số lượng cổ phiếu tự do chuyển nhượng (free floated).
VS-Market Cap gồm VS-Large Cap, VS-Mid Cap, VS-Small Cap và VS-Micro Cap giúp phân tích hướng đi của dòng tiền và hạn chế tín hiệu nhiễu của các chỉ số thị trường VN-Index và HNX-Index.
IV. THỐNG KÊ THỊ TRƯỜNG TUẦN 11/07 – 15/07/2011

Phòng Nghiên cứu Vietstock



Xem bài viết: Vietstock Weekly 18 – 22/07: Lực đỡ từ kết quả kinh doanh khả quan của một số ngành