Đằng sau nghĩa vụ trả nợ và nợ tư
Theo Chính phủ, nợ công năm nay và năm năm tới vẫn ở ngưỡng an toàn. Nhưng nếu xem xét dự kiến nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ năm 2012 và nợ của khu vực doanh nghiệp nhà nước (theo quy định hiện hành không được tính vào nợ công) thì các chỉ tiêu an toàn nợ có còn đứng vững?

Nợ chính phủ phải trả năm 2012 là bao nhiêu?
Nợ công của Việt Nam đến hết năm 2011 khoảng 54,6% GDP, đến hết năm 2012 khoảng 58,4% GDP. Tương ứng, nợ chính phủ lần lượt là 43,6% và 46,1% GDP. Chính phủ đánh giá dư nợ như vậy vẫn trong ngưỡng an toàn, kể cả đến năm 2015, khi nợ công lên đến 60-65% GDP.
Tuy nhiên, Quốc hội vẫn đề nghị Chính phủ cần có báo cáo đánh giá một cách toàn diện về nợ công.
Bởi vậy, khi thẩm tra các kế hoạch về ngân sách nhà nước (NSNN), về sử dụng vốn trái phiếu chính phủ (TPCP) những năm tiếp theo, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội luôn nhấn mạnh với Chính phủ: “Để đánh giá an toàn nợ công, bên cạnh số liệu về tổng mức, tỷ lệ vay nợ, cần phải xét trên nhiều khía cạnh: tính hiệu quả của việc sử dụng vốn vay, tiềm lực của nền kinh tế, thời hạn trả nợ của các khoản vay, sự biến động tỷ giá của đồng ngoại tệ vay nợ” (Báo cáo số 135/BC-UBTCNS13).
Trao đổi với TBKTSG bên lề cuộc thảo luận tổ đầu tuần này về tình hình thực hiện NSNN năm 2011 và dự toán phân bổ ngân sách năm 2012, ông Nguyễn Hữu Quang, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách, phân tích: “Năm 2011, Chính phủ chi khoảng hơn 100.000 tỉ đồng để trả nợ. Theo dự toán ngân sách năm 2012 trình Quốc hội, Chính phủ cũng dự kiến chi hơn 100.000 tỉ đồng nữa để trả nợ chính phủ, tính cả biến động tỷ giá. Bên cạnh con số, Chính phủ còn ghi thêm rằng có một số giải pháp giãn nợ, đảo nợ và phát hành thêm. Nhưng phát hành thêm là phát hành cái gì? Vậy thực chất nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ năm 2012 là bao nhiêu?”. Ông Quang nhấn mạnh, ông không hiểu phát hành thêm có phải là phát hành thêm trái phiếu?
Việc phát hành thêm trái phiếu rất khó vì Quốc hội đã khống chế vốn trái phiếu phát hành năm năm (2011-2015) ở mức 45.000 tỉ đồng/năm, để đảm bảo an ninh tài chính quốc gia. Vì sao có sự khống chế này? Theo Ủy ban Tài chính - Ngân sách, thực tế bảy năm (2003-2010), Chính phủ đã bố trí nhu cầu vốn trái phiếu gấp 10,17 lần con số đề ra. Do vậy, dù mức trần phát hành trái phiếu chỉ bằng 40% nhu cầu và các địa phương luôn kêu thiếu vốn, Quốc hội vẫn quyết định thắt chặt việc phát hành trái phiếu trong những năm tới.
Ở một góc độ khác, ông Quang dẫn ra báo cáo của kiểm toán và phân tích: “Năm 2010, tăng trưởng cung tiền thực tế là 31% so với mức 25% đã được Quốc hội thông qua trước đó, khiến cho an ninh tài khóa không được thực hiện nghiêm, gây áp lực rất lớn lên việc mất giá tiền đồng”. Năm 2011, Quốc hội đã ra nghị quyết trong đó có giới hạn tăng trưởng cung tiền là 15%. Để ổn định kinh tế vĩ mô, con số này của năm 2012 khó mà cao hơn được.
Ngay trong vấn đề trả nợ của năm nay, Chính phủ đề nghị Quốc hội bố trí 15.000 tỉ đồng từ số tăng thu ngân sách, giảm bội chi năm 2011 (từ 5,3% xuống còn 4,9% GDP) để tăng chi trả nợ cũng không rõ ràng. Quốc hội không biết bao nhiêu phần trăm trong số này để bù đắp chênh lệch tỷ giá và bao nhiêu phần trăm để trả nợ trước hạn nhằm giảm áp lực vay nợ?
Khối nợ của doanh nghiệp nhà nước
Không có một công thức chung cho bất cứ một quốc gia hay nhóm quốc gia nào về ngưỡng an toàn nợ công. “Vấn đề đặt ra là giới hạn an toàn nợ công cho Việt Nam ở đâu và đến đâu thì nguy hiểm?”, vẫn ông Quang đặt câu hỏi. Nếu xét theo con số, năm 2011, nợ công của Việt Nam trong ngưỡng an toàn. Số nợ công năm 2012 theo tính toán của Chính phủ chỉ tăng thêm khoảng 4%. Song quan điểm của ông Quang là “Việt Nam chưa tính đúng, tính đủ nợ công”. Theo thông lệ quốc tế, nợ của DNNN tính vào nợ công nhưng ở Việt Nam, số nợ này là nợ tư, tự vay, tự trả.
Ông Quang dẫn ra một thực tế về khủng hoảng nợ của Ireland đang đặt ra những bài học quan trọng về việc quản lý nợ công ở Việt Nam. Theo đó, năm 2007, nợ công của quốc gia này mới chỉ bằng 11% GDP, trong khi nợ tư (doanh nghiệp vay ngân hàng) đã lên đến hơn 200% GDP cũng không được tính đến. Khi khủng hoảng nợ xảy ra, Chính phủ phải quốc hữu hóa ba ngân hàng lớn, đồng nghĩa với gánh số nợ của các doanh nghiệp tại các ngân hàng này nên nợ tư đã biến thành nợ công. “Ở Việt Nam, nếu chỉ tính nợ công như luật định thì chưa thể nói là nợ công vẫn an toàn”, ông cảnh báo.
Ông Quang còn dẫn lại một con số từ báo cáo của Chính phủ tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương **** khóa III mới đây cho biết, tổng nợ của khối DNNN hiện nay khoảng gần 1,3 triệu tỉ đồng, trên tổng tài sản là 1,883 triệu tỉ đồng (683.000 tỉ đồng trong số này là vốn nhà nước). “Ở Việt Nam, nợ của DNNN chủ yếu đi vay ở các ngân hàng. Chính phủ không thể để các ngân hàng gặp khủng hoảng vì các món nợ lớn như thế và phải cứu trong một số trường hợp cần thiết”. Theo ông, nợ tư có thể sẽ biến thành nợ công là vì vậy.
Ngọc Lan
tbktsg



Xem bài viết: Đằng sau nghĩa vụ trả nợ và nợ tư