'Chúng tôi chịu trách nhiệm trước dân về giá xăng'
"Diễn biến của thị trường xăng dầu được cập nhật từng ngày từng giờ dưới sự giám sát của Chính phủ, và các đơn vị chức năng, trên cơ sở công khai minh bạch. Làm sai, chúng tôi sẽ chịu trách nhiệm", Cục trưởng Cục Quản lý Giá giãi bày.
* Chưa điều chỉnh giá xăng, dầu do giá cơ sở đang cao hơn giá hiện hành
Cục trưởng Cục Quản lý Giá - Nguyễn Tiến Thỏa chia sẻ với VnExpress sau khi Bộ Tài chính phát đi thông báo giãi bày lý do vì sao, giá bán lẻ xăng dầu trong nước chưa được giảm, theo kỳ vọng của đại bộ phận người tiêu dùng.
Người tiêu dùng vẫn phải trả 21.300 đồng cho mỗi lít xăng A92 bán lẻ.

Ông Thỏa giãi bày những người làm công tác điều hành giá cả cũng là người tiêu dùng và hiểu người dân khi hàng ngày phải đối mặt với chuyện giá cả tăng cao. Song theo ông, việc giữ ổn định giá bán lẻ xăng dầu đã là một cố gắng đối với cả cơ quan quản lý lẫn doanh nghiệp. Bởi một khi giá thế giới nhập khẩu vẫn cao hơn giá bán lẻ trong nước tới hơn 500 đồng, quỹ bình ổn cạn kiệt, thuế cũng được điều chỉnh đến ngưỡng rất thấp thì việc giảm giá là không thể tính đến.
Trong thông báo phát đi chiều tối, Bộ Tài chính tiếp tục khẳng định thị trường thế giới đang tồn tại nghịch lý: Trong lúc giá dầu thô liên tục giảm và xuống mức rất thấp (78,92 USD một thùng) thì giá xăng dầu thành phẩm - cơ sở để tính giá bán lẻ trong nước lại luôn giữ ở mức rất cao (122,45 USD một thùng). Do vậy, khi giá dầu thô xuống thấp trong một khoảng thời gian khá dài gây tâm lý chờ đợi của người tiêu dùng rằng - giá bán lẻ trong nước có cơ hội điều chỉnh giảm.
Theo Nghị định số 84 của Chính phủ, giá bán lẻ trong nước được căn cứ trên cơ sở giá Platt’s giao dịch ở thị trường Singapore dự trữ lưu thông 30 ngày chứ không phải căn cứ vào giá dầu thô. Trong giai đoạn từ ngày 12/7 đến ngày 10/8, giá xăng A92 thành phẩm ở mức 122,45 USD một thùng, dầu diezel loại 0,05S giá 129,80 USD một thùng, dầu hoả giá 129,25 USD một thùng thùng. Dầu mazut giá 671,50 USD một tấn. Và dầu thô bình quân trong 30 ngày cũng ở mức 93,87 USD một thùng.
Như vậy, với giá nhập khẩu này, sau khi trừ đi các khoản thuế, phí, mỗi lít xăng A92 về đến cảng vào khoảng 21.758 đồng, cao hơn so với giá bán lẻ là 458 đồng. Nghĩa là, mỗi lít xăng, doanh nghiệp lỗ ít nhất 458 đồng. Tương tự mỗi lít dầu diezel và dầu hỏa doanh nghiệp lỗ lần lượt 342 đồng và 383 đồng. Riêng dầu mazut, mức lỗ cao nhất với 530 đồng mỗi kg.
Tuy nhiên, trong thông báo phát đi, Bộ Tài chính đưa ra 2 con số khiến những người quan tâm đến mặt hàng xăng dầu không khỏi băn khoăn. Đó là mức giá xăng A92 thành phẩm nhập khẩu giao dịch tại thị trường Singapore bình quân trong 30 ngày 10/6 đến 11/7 chỉ ở mức 118,76 USD một thùng. Còn giai đoạn từ 12/7 đến 10/8, giá sản phẩm này bình quân ở mức 122,45 USD một thùng.
Mức giá 118,76 USD một thùng trung bình trong 30 ngày trong giai đoạn từ đầu tháng 6 đến giữa tháng 7 mà Bộ Tài chính công bố thực sự là con số gây sốc. Ngay cả những người tiêu dùng còn "bán tín bán nghi" trước tuyên bố của bà Đàm Thị Huyền, Phó tổng giám đốc Petrolimex rằng: "Lẽ ra xăng đã giảm giá trong tháng 6" cũng bắt đầu đặt câu hỏi: Phải chăng Bộ Tài chính đã hy sinh quyền lợi của người tiêu dùng khi giá bán lẻ trong nước có điều kiện giảm cơ quan này đã vội vã áp thuế và tăng trích quỹ bình ổn? Từ chỗ nghi ngờ, dư luận chuyển sang trì triết khi cho rằng giá xăng dầu trong nước luôn được điều hành theo kiểu: "Tăng nhanh mà giảm chậm" hay "tăng mạnh mà giảm nhỏ giọt".
Cục trưởng Nguyễn Tiến Thỏa không bình luận trước ý kiến của lãnh đạo Petrolimex mà chỉ khẳng định rằng: Đây là phát biểu không có cơ sở.
Ông cho hay giá bán lẻ được căn cứ vào mức giá bình quân của 3 thời điểm, gồm 30 ngày gần nhất, 30 ngày của tháng trước và 30 ngày tại thời điểm điều chỉnh phương án giá gần đây nhất. Tương tự, tháng 6, khi giá thế giới xuống thấp, doanh nghiệp lãi vài trăm đồng mỗi lít xăng, Liên bộ Tài chính - Công Thương đã xây dựng 3 phương án để xin ý kiến Chính phủ.
Lúc bấy giờ, thị trường xăng dầu trong nước đang rất "loạn". Trong khi các nhà nhập khẩu lớn bắt buộc phải nhập xăng dầu với giá cao để đảm bảo lưu thông 30 ngày theo quy định, một số doanh nghiệp nhỏ đã tranh thủ giai đoạn giá thế giới xuống thấp để nhập hàng về. Do nhập được hàng rẻ hơn, doanh nghiệp trích hoa hồng cho đại lý tới 700-900 đồng để cạnh tranh và gây "nhiễu" thị trường. Khi đó, Chính phủ đã quyết định chọn giải pháp tăng thuế để hạn chế cạnh tranh không lành mạnh, đồng thời yêu cầu doanh nghiệp tăng trích quỹ bình ổn để phòng khi giá thế giới tăng trở lại, khoản tiền dữ trự này sẽ được tung ra để bình ổn, thay vì tăng giá bán lẻ.
Một lý do khác nữa khiến Liên bộ Tài chính - Công Thương tăng thuế thay vì giảm giá bán là vì mức lãi của doanh nghiệp thời điểm ấy chỉ khoảng 200-300 đồng. Trong khi, suốt một thời gian dài, ngân sách nhà nước thất thu khi thuế nhập khẩu giữ ở mức 0%. Nguyên tắc điều hành giá tại thời điểm ấy là ưu tiên thuế, quỹ bình ổn, sau đó mới là giảm giá.
Lý giải về chuyện xăng tăng mạnh và giảm nhỏ giọt, đại diện Công xăng dầu Đồng Tháp cho hay quy định của Nhà nước là doanh nghiệp chỉ được đề xuất điều chỉnh giá bán trong khoảng thời gian 30 ngày. Khi trình lên Bộ Tài chính, doanh nghiệp phải chờ cơ quan này tính toán và thông thường các mức tăng cho phép đều thấp hơn rất nhiều so giá nhập khẩu. Chẳng hạn, tại thời điểm giá bán lẻ trong nước xăng A92 là 18.000 đồng, giá nhập khẩu 21.000 đồng.
"Lẽ ra nếu tính đúng tính đủ, doanh nghiệp phải tăng tới 3.000 đồng. Thế nhưng Bộ Tài chính chỉ cho tăng 1.000 đồng và lên mức 19.000 đồng. Vì thế mà, ngay cả các thời điểm tăng, doanh nghiệp vẫn lỗ tới 2.000 đồng. Nếu Nhà nước cho tăng đúng, tăng đủ thì khi giá giảm, doanh nghiệp có thể giảm giá ngay đâu đến nỗi để dư luận phải bức xúc như vậy", ông nói.
Vị lãnh đạo Công ty Xăng dầu Đồng Tháp tiết lộ khi ký hợp đồng nhập khẩu xăng dầu, các đối tác nước ngoài thường tính giá cho doanh nghiệp Việt theo công thức 2-1-2 hoặc 5-1-5. Nghĩa là, với những lô hàng giao ngay và được bơm trực tiếp xuống tàu, đối tác sẽ tính giá bán theo tỷ lệ 2-1-2. Tức là giá của ngày giao hàng cộng với giá của 2 ngày trước và 2 ngày sau. Còn với những lô hàng ký hợp đồng, cách tính theo tỷ lệ 5-1-5, tức là giá của ngày hôm này cộng với 5 ngày trước và 5 ngày hôm sau. "Thông thường, hôm nay chúng tôi ký hợp đồng thì 15 ngày sau mới có hàng. Và giá cũng được tính tại thời điểm 15 ngày sau tính theo các công thức kể trên. Nói điều này để thấy không phải khi giá giảm là doanh nghiệp có thể mua ngay được hàng như thể mua rau ở chợ", ông nói.
Ông cho biết thêm tới đây doanh nghiệp sẽ kiến nghị Bộ Tài chính niêm yết công khai giá cơ sở để người tiêu dùng tiện theo dõi. Qua đó, dư luận phần nào cái khó của doanh nghiệp để họ không chịu tiếng xấu là: Chỉ biết có tăng mà không chịu giảm. Khi tăng thì tăng cao mà khi giảm thì chỉ vài trăm đồng...
Hồng Anh
Vnexpress



Xem bài viết: 'Chúng tôi chịu trách nhiệm trước dân về giá xăng'