Kết thúc tuần giao dịch 26/09 – 02/10, sắc xanh cho thấy xu hướng chiếm ưu thế trên bảng giá kim loại. Giá vàng phục hồi sau 2 tuần giảm liên tiếp với mức tăng 1.01% lên 1659.67 USD/ounce. Đà phục hồi vào các phiên cuối tuần đã giúp giá bạc kết tuần với mức tăng 0.68% lên mức 19.03 USD/ounce. Bạch kim liên tục giằng co, tuy nhiên lực mua đã quay trở lại mạnh mẽ sau tuần lao dốc trước đó, chốt tại mức giá 870 USD/ounce sau khi tăng 1.32%.

Trong tuần qua, dữ liệu lạm phát tại khu vực Châu Âu (EU) cho thấy bức tranh tiêu cực hơn khi chỉ số giá tiêu dùng CPI tháng 9 tục tăng vọt từ 9.1% lên mức 10% trong tháng 9 so với cùng kỳ năm ngoái, mức cao nhất trong lịch sử của khu vực này. Tại Đức, con số này cũng đã lần đầu tiên cán mốc 2 chữ số khi tăng 10.9%. Mức lạm phát cao kỷ lục trong bối cảnh khủng hoảng năng lượng ngày càng trầm trọng đã gây ra lo ngại rằng Ngân hàng Trung ương (ECB) sẽ mạnh tay thắt chặt tiền tệ hơn nữa trong cuộc họp vào tháng 10. Điều đó đã giúp đồng Euro dần phục hồi và khiến chỉ số Dollar Index suy yếu, hỗ trợ cho bạc và bạch kim được định giá bởi đồng USD do áp lực về chi phí nắm giữ giảm bớt.

Đối với nhóm kim loại cơ bản, diễn biến giá đồng COMEX trong tuần qua theo rất sát diễn biến của đồng Dollar Mỹ. Mặc dù kết thúc tuần trong sắc xanh sau khi tăng 2.08% lên mức 3.41 USD/pound nhưng đồng COMEX đã ghi nhận tháng giảm thứ 6 liên tiếp, chuỗi giảm theo tháng mạnh nhất kể từ cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008. Điều này cho thấy áp lực vĩ mô vẫn đang là yếu tố đè nặng lên triển vọng tiêu thụ đồng trên thế giới trong thời gian này. Tuy vậy, đà phục hồi của giá đồng COMEX trong tuần qua được hỗ trợ bởi nhu cầu tích trữ cao hơn tại Trung Quốc trước kỳ nghỉ lễ Quốc khánh dài 5 ngày bắt đầu từ 03/10. Ngoài ra, dữ liệu từ công ty tư vẫn CRU Group cho biết nhu cầu đồng tinh chế của nước này đã tăng 5% so với cùng kỳ năm ngoái trong quý III, và sẽ đạt mức tăng 9% vào quý IV. Trong khi đó, nguồn cung tiếp tục có xu hướng thu hẹp khi sản lượng đồng của Chile giảm 9.4% trong tháng 8 so với cùng kỳ năm trước cũng là yếu tố hỗ trợ cho giá.

Trái lại, quặng sắt suy yếu sau dữ liệu chỉ số quản trị mua hàng PMI phi sản xuất của Trung Quốc, đo lường lĩnh vực dịch vụ và xây dựng giảm mạnh từ 52.6 xuống 50.6 trong tháng 9, cho thấy bất động sản vẫn đang là trở ngại lớn đối với triển vọng tiêu thụ sắt thép tại quốc gia này.

Nicken LME giảm gần 10% trong bối cảnh sản lượng tại Indonesia tăng mạnh 41% vào 7 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm ngoái, góp phần thúc đẩy sản lượng toàn cầu tăng 14%. Nguồn cung dồi dào trong bối cảnh nhu cầu đầu tư và tiêu thụ còn yếu đã kéo giá lao dốc trong tuần.