Thị trường đang bị thiệt hại nặng, cần một sự trăn trở toàn diện…
TTCK Việt Nam mừng sinh nhật lần thứ 11 trong cảnh trầm lắng kéo dài. Không ít NĐT quay lưng lại với thị trường. ĐTCK đã có cuộc trao đổi với ông Huy Nam - chuyên gia kinh tế, tài chính và chứng khoán về những suy tư, trăn trở với thị trường.
Đồng hành cùng TTCK từ trước những ngày đầu mở cửa sàn giao dịch, ông cảm thấy như thế nào trước tình cảnh thị trường hiện nay?
Rất xót. Có thể xem đây là giai đoạn xấu nhất của TTCK Việt Nam. Đáng buồn là từ một số điểm yếu mang tính đời thường của thị trường đã bị khuếch tán thành những cái nhìn tiêu cực che lấp công lao của nó với nền kinh tế. Sự thực là nhiều vấn đề bế tắc một thời đã được tháo gỡ khi có TTCK. Đó là quá trình cổ phần hóa, là hoạt động phát hành trái phiếu chính phủ, là việc tạo thị trường và xác lập giá trị cho loại tài sản cao cấp, mà mãi tới trước những năm 2000 vẫn còn bị “chê”.
Ở góc độ vi mô, rất nhiều DN đã giải được bài toán vốn dài hạn hiệu quả. Nhờ sự mở túi vô tư của quần chúng đầu tư, DN mới có cơ hội phát triển vượt trội về quy mô. Không ít DN đã có bước phát triển ngoạn mục. Có thể khẳng định, mọi DN niêm yết đều đã hưởng lợi từ TTCK. DN “có giá” hơn nhờ được nhìn nhận đầy đủ về giá trị, điều mà trước khi TTCK ra đời không thể có được. TTCK giúp quăng nhanh vào nền kinh tế nguồn tiền khê đọng trong túi đại chúng thông qua hoạt động đầu tư của họ. Tôi còn nhớ, trước năm 2000, khái niệm đầu tư và NĐT vẫn còn khá xa lạ với nhiều người.
Hiện nay có tình trạng NĐT quay lưng lại với TTCK, nhưng đó không là điều tự nhiên, phải không thưa ông?
Đúng vậy. Nhiều vấn đề cộm lên đã bào mòn niềm tin của họ. Đó là các vấn đề liên quan đến khía cạnh kỹ thuật, các chuẩn mực và thông lệ hành xử chuyên nghiệp, chuyên ngành chậm hình thành, thiếu công cụ, nghèo nghiệp vụ… Việc tổ chức vận hành và bối cảnh hoạt động của thị trường nhìn chung còn đơn điệu, kém đồng bộ và đa dạng. Việc để thị trường tự bơi, tự xoay xở để sinh tồn dễ sinh lạm dụng, lệch lạc. Do chưa được đấu nối thật sự vào hoạt động kinh tế chung, chưa có sự gắn kết theo logic nhân quả giữa thị trường giao dịch và thị trường phát hành, giữa giá trị giao dịch và giá trị cơ sở của DN…, đã làm cho thị trường cứ hết ảo cao lại ảo thấp như hiện nay. Cái hàn thử biểu do vậy bị thất nghiệp! Các diễn biến cơn trào lặp đi lặp lại này hiện nay không còn mấy thích thú và việc NĐT lần lượt ra đi là điều chẳng lạ. NĐT cũng có thể quay lưng với nơi họ đã gửi gắm niềm tin, khi nơi đó thử thách họ quá lâu, thậm chí quay lưng lại với họ. Việc NĐT thua lỗ đại trà trong thời gian gần đây có thể xem là một thiệt hại lớn, nếu không muốn nói là tai họa cho TTCK nước nhà.
Theo ông, TTCK đánh mất vai trò và mất điểm trong mắt các thành viên tham gia là lỗi tại ai?
Việc xác định lỗi tại ai thật khó nói. Không nên võ đoán để chỉ đổ lỗi cho việc tổ chức, là do công tác quản lý hay tại luật lệ. Cũng không thể kết luận đó là do DN niêm yết, CTCK hay các thành tố khác. Càng không thể trách cứ NĐT hay các tổ chức đầu tư.
Thay vì đi tìm lỗi tại ai, tôi đề nghị nên có một cuộc thăm dò, nghiên cứu với quy mô toàn diện, để tìm ra câu trả lời và giải pháp cho nguyên nhân do đâu mà thị trường phải chìm sâu trong ảm đạm quá lâu như vậy. Do khách quan hay nội tại. Nên soi rọi lại nội tại trước khi đề cập đến khách quan. Có hay không tình trạng méo mó, kém mạch lạc và lỗi thuộc tính chưa được nhìn nhận trong toàn cảnh TTCK ở ta. Do đâu mà hầu hết NĐT bị thua lỗ và bỏ cuộc. Có cần tránh né khi đặt vấn đề ai là kẻ được, người thắng thực sự trong 11 năm qua. TTCK là của ai, cấu trúc thế nào, bản chất vận hành ra sao. Vai trò và chỗ đứng của TTCK Việt Nam trong nền kinh tế và vị trí của UBCK thế nào… Một nghiên cứu toàn diện với các nhận diện đầy đủ và có trách nhiệm trong lúc này theo tôi là điều thiết thực nên làm.
Ai sẽ làm những việc như ông vừa nói và làm như thế nào, thưa ông?
Tất nhiên sẽ cần đến một đầu mối, nhưng không phải chỉ có đầu mối này làm. Đầu mối này có thể cao hơn UBCK, nhưng không thể thiếu UBCK. Từ đầu mối tạo ra một cuộc vận động toàn diện để có sự đóng góp tâm huyết, để lắng nghe, chọn lọc ghi nhận, để không chỉ điều chỉnh mà nếu cần thì xây dựng lại hay làm lại bài bản, để thị trường có được làn gió mới… Càng có nhiều câu hỏi tại sao hay do đâu đặt ra càng tốt. Cần có những giả định, đưa ra các tình huống để làm sáng tỏ vấn đề. Chẳng hạn, ta giả định một sự rút lui của hàng loạt tổ chức đầu tư nước ngoài hay tình huống thị trường ngưng trệ sẽ tác động thế nào đến nền kinh tế. Chỉ khi ta không ngại đối diện với những gai góc thì mới mong nhìn ra được hết vấn đề để mà có lối đi thích hợp. Việc này lại không thể ngày một ngày hai, có thể dài lâu nhưng hiệu quả có thể có sớm từ những tác động lan tỏa hay các tín hiệu phát đi từ đó.
Có ý kiến cho rằng, nên “khai tử” TTCK, ông nghĩ sao?
Tôi không hiểu tại sao lại có ý kiến vội vàng và đơn giản như vậy. Cho dù đang có nhiều tổ chức đã hưởng lợi từ thị trường trong thời gian mật ngọt nay giũ áo ra đi vì những lý do riêng, có trường hợp không mấy thuyết phục, thì việc đưa ra ý tưởng “khai tử” thị trường có quá đáng? Do nằm ngoài sức tưởng tượng, tôi xin phép không bàn sâu ý này.
NĐT có còn hy vọng, nên ở lại và chờ đợi một tương lai thị trường sáng sủa hơn?
Tại sao không? Hy vọng có cơ sở chứ không phải hão huyền. Nhưng hy vọng này chỉ được củng cố khi nào thị trường nhận được sự cải thiện thật sự hay ít ra là các tín hiệu tích cực từ những nỗ lực tập trung và có trách nhiệm. Ta gọi đấy là tín hiệu đổi mới cũng nên.
Đến một lúc như lúc này, NĐT cũng cần thay đổi quan niệm về đầu tư. Nếu họ nghĩ đầu tư chứng khoán là đầu tư vào DN, để chọn mua những tài sản giá trị đang có giá rẻ do bị thị trường định sai, thì cơ hội có nhiều. Đầu tư trong lúc này chẳng cần phải quá cân não, chỉ một phép tính ROI thôi cũng có thể nhìn ra cơ hội. Đó có thể là giá thấp, công ty có thâm niên uy tín, lịch sử trả cổ tức tốt, thì cơ may thành công sẽ cao. Không loại trừ các làn sóng ngầm đuổi bắt cơ hội như vậy đang diễn ra.
Ngọc Thủy thực hiện
đầu tư chứng khoán



Xem bài viết: Thị trường đang bị thiệt hại nặng, cần một sự trăn trở toàn diện…