Tại sao các ngân hàng thay Tổng Giám đốc?
Xu hướng thay tổng giám đốc trong ngành ngân hàng đã rục rịch từ trước, nhưng đặc biệt sôi động hơn từ nửa cuối năm 2011 cho đến nay. Điều gì đang xảy ra với chiếc ghế nóng này?
Khi quy mô ngân hàng tăng lên thì không thể quản trị theo kiểu hiện tại và cần phân cấp, đòi hỏi phải có những gương mặt lãnh đạo mới.
Ngay trong ngày đầu tiên của năm 2012, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Phương Tây (Western Bank - WSB) thông báo về việc ông Đặng Đức Toàn, Tổng Giám đốc, được chấp thuận không giữ vị trí này nữa. Lý do được Western Bank giải thích rất ngắn gọn: nguyện vọng cá nhân. Ngân hàng này cũng chính thức miễn nhiệm chức danh Tổng Giám đốc đối với ông Toàn theo quyết định của Hội đồng Quản trị kể từ ngày 1.1.2012.
Trước đó, hàng loạt ngân hàng thương mại cổ phần cũng lần lượt công bố việc thay đổi chức vụ điều hành cao nhất. Gây chú ý nhất có lẽ là trường hợp ông Nguyễn Đức Vinh, nguyên Tổng Giám đốc Techcombank. Ông Vinh có 12 năm làm Tổng Giám đốc Techcombank và góp phần tạo nên thành công cho ngân hàng này. Ông cũng đứng sau các quyết định chiến lược của Techcombank, như việc bán 20% cổ phần cho HSBC. Nhiều bước đi tạo tiền đề cho sự phát triển của Techcombank sau này cũng xuất phát từ tầm nhìn của ông Nguyễn Đức Vinh cách đây nhiều năm như triển khai các dự án hiện đại hóa công nghệ, gia nhập 2 liên minh thẻ lớn nhất nước - Smartlink và BankNet. Ngay từ năm 2001, Techcombank đã đầu tư 20 tỉ đồng mua hệ thống Core Banking của Thụy Sĩ. Việc đầu tư lớn cho hệ thống công nghệ đã giúp Techcombank trở thành một trong những ngân hàng thương mại cổ phần có nền tảng công nghệ mạnh nhất nước.
Sau ngày rời ghế Tổng Giám đốc, ông Vinh được thăng chức Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị Techcombank. Về mặt danh nghĩa, chức danh này chỉ đứng sau Chủ tịch Hội đồng Quản trị, ở Techcombank là ông Hồ Hùng Anh. Tuy nhiên, việc trực tiếp điều hành Techcombank, ngân hàng trong nhóm G12 (12 ngân hàng lớn nhất Việt Nam) từ nay không thuộc thẩm quyền ông Vinh nữa. Thay vào đó sẽ do ông Simon Morris, người Anh, đảm nhận kể từ ngày 26.12.2011.
Xét về chuyên môn, Tổng Giám đốc mới là người có kinh nghiệm điều hành ngân hàng lớn nhất Mông Cổ, giám đốc điều hành Ngân hàng Standard Chartered tại Brunei, Sri Lanka, Philippines và Indonesia. Nhưng, điều này không đồng nghĩa với sự kế nhiệm dễ dàng dành cho ông Simon Morris bởi ông không thể am hiểu thị trường và nắm vững các luật lệ kinh doanh của Việt Nam bằng ông Vinh. Có phải ông Hùng Anh, Chủ tịch Techcombank, muốn ưu tiên cho chiến lược quảng bá thương hiệu Techcombank ra quốc tế với nước cờ thuê CEO ngoại?
Bảy nguyên nhân lớn
Có thể khái quát một số nguyên nhân chính đằng sau xu hướng thay đổi CEO trong các ngân hàng như sau. Thứ nhất, nó gắn liền với việc đổi chủ sở hữu và làn sóng mua bán và sáp nhập (M&A) trong ngành ngân hàng. Mặc dù cho đến nay sự thay đổi này mới diễn ra âm thầm trong nội bộ ngân hàng, hoặc nằm ở dạng tin đồn, song việc có nhiều nhà điều hành mới sẽ tạo ra nhiều thay đổi trong cách quản trị ngân hàng. Do vậy, trào lưu tuyển mới và “thay máu” sẽ diễn ra mạnh hơn.
Cùng với làn sóng hợp nhất đang diễn ra mạnh mẽ và sự tăng trưởng chung của cả ngành, quy mô các ngân hàng sẽ phình to lên. Với con số 43 ngân hàng hiện nay, theo dự báo của một chuyên gia ngân hàng, sẽ chỉ còn khoảng 13 - 15 ngân hàng. Nghĩa là trung bình cứ 3,5 ngân hàng gộp thành 1. Khi quy mô ngân hàng tăng lên thì không thể quản trị theo kiểu hiện tại và cần phân cấp, do đó phải có những gương mặt lãnh đạo mới. Cuộc “cách mạng” sáp nhập và hợp nhất đã khởi đầu với 3 ngân hàng đầu tiên tại TP.HCM và cho ra đời ngân hàng mới - SCB. Và theo tuyên bố của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình thì ngay trong quý I này sẽ sáp nhập thêm 5 - 8 ngân hàng.
Thứ hai, nhiều ngân hàng đang gặp khó khăn rất lớn buộc Hội đồng Quản trị phải “thay máu” để thực hiện “big bath”. Nói cách khác đây là một cách cắt lỗ, đã xấu rồi thì cho xấu luôn và chơi ván cờ mới trong năm mới. Để mở đường cho quá trình cải tổ, phải dọn dẹp những tàn tích cũ. Tổng Giám đốc và có thể cả các phó tướng sẽ là nạn nhân đầu tiên. Động thái này cũng diễn ra mạnh mẽ tại các công ty chứng khoán, ví dụ Thăng Long (TLS).
Thứ ba, các ngân hàng trong nước đã và đang tìm lối đi riêng như bán lẻ, bán buôn, dịch vụ vì ngành ngân hàng còn rất nhiều đất để phát triển chứ không chỉ có lối mòn tín dụng, kiều hối, thanh toán. Chiến lược cạnh tranh mới của các ngân hàng chắc chắn cần được dẫn dắt bởi các tổng giám đốc giỏi chuyên môn, hiểu thị trường và đối thủ.
Thứ tư, áp lực cạnh tranh rất gay gắt từ 5 ngân hàng 100% vốn nước ngoài. Các ngân hàng nội muốn cạnh tranh phải có CEO và chiến lược đủ tầm. Họ cũng phải hạn chế những rủi ro về tín dụng, các khoản nợ xấu. Thực tế, các ngân hàng 100% vốn nước ngoài đang tăng trưởng nhanh về tín dụng và các sản phẩm dịch vụ ngân hàng cá nhân nhưng khá an toàn trong khi nhiều ngân hàng nội chưa đạt được. Điều này cũng liên quan đến vai trò tổng giám đốc.
Thứ năm, các ngân hàng đang thiếu tiền, thậm chí có ngân hàng phải nhận vốn do Ngân hàng Nhà nước bơm qua Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam - BIDV (như PGBank, BacABank) nên cần nguồn vốn mới. Vì thế, CEO ngân hàng không chỉ đóng vai trò người cho vay và quan hệ với khách hàng (hiện nay chủ yếu về tín dụng), mà còn phải có khả năng tìm vốn, đối tác mới.
Cuối cùng, mô hình “đối tác chiến lược” mà nhiều ngân hàng theo đuổi về cơ bản đã thất bại ở một vài ngân hàng như Seabank với Societe Generale (ngân hàng Pháp, nắm 20% cổ phần trong Seabank); Habubank (HBB) với Deutsche Bank (ngân hàng Đức, nắm 20% cổ phần)… Nhiều mối lương duyên khác cũng “cơm không lành, canh không ngọt” sau giai đoạn đầu khá nồng ấm. Nhiều ngân hàng có đối tác chiến lược quốc tế tên tuổi nhưng hầu như không có tác dụng gì. Bản thân người của ngân hàng ngoại ngồi trong hội đồng quản trị ngân hàng nội nhưng không được can thiệp gì vào chiến lược của ngân hàng.
Có vẻ như Techcombank đã rất thành công sau khi bắt tay với HSBC. Tuy nhiên, tác động của HSBC đến hoạt động của Techcombank là có nhưng rất chật vật. Trước kia HSBC chỉ tham gia một số mảng của Techcombank là sản phẩm, quản lý rủi ro, quản lý tài chính. Thậm chí, có thời gian ngân hàng này đã có chức danh “đồng Giám đốc Tài chính”.
Nổi bật nhất trong câu chuyện quản lý ngân hàng là mảng tín dụng và quản lý rủi ro vẫn bị chi phối bởi những mối quan hệ lằng nhằng của các ông chủ ngân hàng Việt Nam và khách hàng của họ; các đối tác nước ngoài dù biết cũng khó can thiệp. Nếu can thiệp được cũng không kịp và hệ quả là các khoản nợ xấu. Do vậy, ngân hàng ngoại chỉ còn cách trực tiếp đưa người lên điều hành, thông qua tự nguyện lẫn bắt buộc. Nếu là bắt buộc thì đối tác ngoại phải là cổ đông chi phối hoặc cổ đông lớn nhất trong ngân hàng đó.
Ghế nóng và xu hướng mới
Tình hình kinh tế biến động năm 2011 ảnh hưởng lớn đến kinh doanh của các ngân hàng. Năm 2011, nhất là 6 tháng cuối năm, các ngân hàng gặp nhiều khó khăn, nhiều ngân hàng không hoàn thành chỉ tiêu kinh doanh. Đây cũng là một trong những lý do dẫn đến sự xáo trộn ở ghế nóng.
Cùng với việc thay tướng ở các ngân hàng là sự thay đổi chiến lược và định hướng phát triển. Theo ông Nguyễn Hồng Tuấn, quyền Tổng Giám đốc BaoVietBank, quá trình tái cơ cấu nền kinh tế và tái cấu trúc hệ thống ngân hàng sẽ mở ra các vận hội kinh doanh mới cho ngân hàng nào nhạy bén và sáng tạo. Hội đồng Quản trị BaoVietBank sau khi bổ nhiệm ông Tuấn làm quyền Tổng Giám đốc thay thế nguyên Tổng Giám đốc Phan Đào Vũ chỉ đặt mục tiêu tăng trưởng ổn định và phát triển các tiện ích ngân hàng điện tử cho năm 2012.
Quản lý rủi ro là điểm yếu nhất của các ngân hàng Việt Nam phải được cải thiện bởi những CEO có tố chất và kinh nghiệm. Tuy nhiên, tại một số ngân hàng tư nhân quy mô nhỏ thì đất dụng võ cho các CEO được độc lập về chuyên môn khá hạn chế. Theo thông tin riêng của NCĐT, ngay trong tháng 1 này Ngân hàng An Bình dự kiến sẽ thay tổng giám đốc. Có khả năng một phó tổng giám đốc sẽ được đôn lên làm tổng giám đốc, thay cho người đương nhiệm. Ngân hàng Thương mại Cổ phần Hàng Hải (Maritime Bank) cũng muốn thay đổi tổng giám đốc và đang trong quá trình tìm kiếm ứng viên đủ điều kiện. Ngân hàng Thương mại Cổ phần Tiên Phong cũng mới miễn nhiệm Tổng Giám đốc và bổ nhiệm quyền Tổng Giám đốc.
Một ngân hàng lớn là VietinBank (CTG) đã chỉ định ông Nguyễn Văn Thắng, quyền Tổng Giám đốc vào vị trí Tổng Giám đốc nhiệm kỳ 2009 - 2014. Nhưng có lẽ vai trò điều hành chính vẫn nằm trong tay Chủ tịch Hội đồng Quản trị Phạm Huy Hùng. Hồi giữa năm ngoái cả Chủ tịch Hội đồng Quản trị lẫn Tổng Giám đốc Agribank đều được điều chuyển công tác sau những lùm xùm về tín dụng và nợ xấu.
Có thể nói, dù cần thời gian kiểm chứng mức độ thành công nhưng việc lần đầu tiên một ngân hàng thương mại cổ phần trong nước thuê CEO nước ngoài (Techcombank) là một xu thế không thể bỏ qua. Các ngân hàng nội cần có nhiều CEO nước ngoài hơn nữa bởi Việt Nam chưa có môi trường thực tế đào tạo ra những CEO có tài. Tuy nhiên, vẫn cần phải nhắc lại bài học quan trọng nhất mà nhiều CEO nước ngoài ở doanh nghiệp Việt Nam đã rút ra: ngoài chuyên môn giỏi, họ phải hiểu tình hình Việt Nam.
Cuối cùng, cần có thêm những tổng giám đốc có kinh nghiệm cải cách chứ không chỉ làm theo chỉ đạo. Muốn vậy họ phải có sự độc lập nhất định trong công việc. Các doanh nghiệp tư nhân lớn như Giấy Sài Gòn, Kềm Nghĩa, Trung Nguyên, Bitexco... đã từng thuê CEO ngoại. Có thành công và cả thất bại. Đây cũng sẽ là xu hướng chính trong ngành ngân hàng Việt Nam sắp tới. Hãy chờ xem ngân hàng nào sẽ tiếp bước Techcombank.
Thành Trung
NHỊP CẦU ĐẦU TƯ



Xem bài viết: Tại sao các ngân hàng thay Tổng Giám đốc?