CPI tháng 8 “đủng đỉnh” hạ nhiệt
Theo số liệu vừa được Tổng cục Thống kê công bố, chỉ số giá tiêu dùng cả nước trong tháng 8/2011 tăng 0,93% so với tháng trước, thấp hơn không đáng kể so với mức tăng của tháng 6 và 7.
* Tải tài liệu: Chỉ số giá tiêu dùng tháng 8
Có lẽ, Tp.HCM là một “dị biệt” với diễn biến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của cả nước. Việc đầu tàu kinh tế phía Nam đột ngột hãm phanh với mức tăng CPI khá thấp trong tháng này chỉ là nét chấm phá sáng màu trong bối cảnh vẫn còn nhiều bất ổn.

Khả năng CPI so với cùng kỳ diễn biến như năm 2008 sẽ rất khó xảy ra trong năm nay.

Mất đúng nửa năm triển khai Nghị quyết 11 về kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô, công bằng mà nói, CPI tháng 8 đã lần đầu tiên về dưới mức tăng 1%. Nhưng đi cùng diễn biến này là các mốc so sánh khác đều tiếp tục tăng cao.
So với tháng 12/2010, chỉ số giá tiêu dùng tháng 8 đã tăng 15,68% từ con số 14,61% của tháng trước. Nhìn vào tốc độ tăng chỉ số giá hiện nay, nhiều quan điểm cho rằng, khả năng khống chế CPI cả năm ở mức 17% như mục tiêu Chính phủ đặt ra sẽ rất khó thành hiện thực. Chia sẻ góc nhìn này, Vụ trưởng Vụ Giá (Tổng cục Thống kê) Nguyễn Đức Thắng cũng cho rằng để đạt mục tiêu lạm phát cả năm sẽ còn phải "phấn đấu".
Trong khi đó, CPI tháng 8 so với cùng kỳ đã tăng 23,02%, từ mức 22,16% trong tháng 7. Đây là một thách thức rất đáng kể nếu Ngân hàng Nhà nước quyết đưa mặt bằng lãi suất về mức 17-19% trong tháng 9 tới.
Chốt lại khoảng một năm chỉ số giá tiêu dùng so với cùng kỳ liên tục gia tốc tháng sau cao hơn tháng trước, tính từ thời điểm tháng 8/2010 đến nay, con số bò qua các nấc thang mới đã tăng thêm được xấp xỉ 15 điểm phần trăm. Đi cùng diễn biến này là khó khăn đè nặng sản xuất và đời sống.
Vào tháng trước, chỉ số tồn kho công nghiệp chế biến đã chốt lại tháng thứ 3 liên tiếp tăng cao hơn so với tháng trước đó. Tổng mức bán lẻ cũng trong giai đoạn này thì “lẹt đẹt” tháng giảm tháng tăng. Bộ Công Thương trong một văn bản mới đây còn khuyến cáo một số doanh nghiệp có mức tồn kho cao cần cẩn trọng trong việc lập kế hoạch sản xuất.
Nhìn vào bức tranh không mấy sáng sủa của sản xuất kinh doanh, chính sách tiền tệ có lẽ đã kéo dài hết mức chịu đựng của nhiều doanh nghiệp. Trong khi lãi suất vẫn còn ở mức cao, tỷ giá liên tục neo trần trong thời gian gần đây đang gia tăng thêm khó khăn cho doanh nghiệp.
Nhưng với tình hình nợ xấu có xu hướng gia tăng và đâu đó đã xuất hiện cảnh báo rủi ro tín dụng mất khả năng thu hồi của một số ngân hàng nhỏ, chính sách tiền tệ dường như đang có sự thay đổi.
Ngân hàng Nhà nước gần đây không còn hút ròng qua thị trường mở. Lượng tiền lưu thông ngoài hệ thống ngân hàng cũng đang tăng lên trong khoảng 1 tháng gần đây.
Phía các ngân hàng thương mại, dù không được hỗ trợ từ tăng mạnh tiền gửi nhưng khả năng là thanh khoản đã dễ thở hơn. Lãi suất liên ngân hàng 1 tháng nay diễn biến trong xu thế giảm, từ gần 13% xuống quanh mức 10,6%. Cũng có thể do khép ở đầu ra cho vay?
Cùng với chính sách tài khóa đi hết nửa quãng đường nhưng mới tiêu vượt thu khoảng 23% mức cho phép, theo số liệu của Bộ Tài chính, bội chi trong nửa cuối năm nay sẽ có dư địa bằng khoảng 4 lần nữa.
Và thanh khoản hệ thống ngân hàng đang “đón lõng” những dự án được phép triển khai và chờ quyết toán ngân sách vào cuối năm nay. Vấn đề chỉ còn lại là trần tăng trưởng tín dụng cào bằng có được gỡ bỏ và khả năng cân đối hợp lý được lãi suất.
Diễn biến cùng kịch bản dòng tiền khơi thông trở lại, việc tăng lương tối thiểu từ ngày 1/10 tới đây đang được dự báo sẽ tác động rất lớn đến mặt bằng giá của giai đoạn cuối năm.
Trong khi đó, chi phí đầu vào sẽ là bài toán khó với doanh nghiệp, khi điện đòi tăng giá 3 tháng một lần, xăng dầu không chịu giảm, gas sắp bước vào giai đoạn tiêu thụ mạnh của nhiều nước… Ngoài ra, bão lũ, dịch bệnh… cũng là biến số rất phức tạp có thể ảnh hưởng mạnh đến CPI các tháng tới.
Trở lại với chỉ số giá tiêu dùng tháng này, ông Thắng lưu ý đến mức tăng trội hơn của CPI lương thực, giáo dục, nhà ở và vật liệu xây dựng… Nhóm thực phẩm ngược lại có mức giảm tốc khá mạnh, dù vẫn tác động lớn đến mức tăng CPI.
Nhưng sự trồi sụt của nhóm này hay nhóm kia, ở một thời điểm, mùa vụ, trước những điều chỉnh chính sách, hay tác động đột biến từ bên ngoài không phải mối lo quá lớn. Nhìn vào hàng loạt chỉ số cứ “tằng tằng” tịnh tiến, có khả năng nguyên nhân chính của lạm phát chưa được giải quyết triệt để.
Cho nên, sẽ rất khó để 4 tháng tới CPI theo tháng giảm như cuối năm 2008, dù rằng CPI theo năm đã gần như chắc chắn đạt đỉnh tại tháng này.
Anh Quân
tbktvn



Xem bài viết: CPI tháng 8 “đủng đỉnh” hạ nhiệt