Dự án bí mật cứu Hy Lạp của Đức

Cửa vào bộ Nội vụ Hy Lạp bị khoá do những người phản đối đã phong toả bộ Tài chính và một số bộ khác. Cơn khủng hoảng của Hy Lạp sẽ được cứu với dự án Eureca?
Một dự án bí mật của Đức mang tên Eureca vừa được nhật báo Pháp La Tribune tiết lộ với ý tưởng cơ bản là sáng tạo một cấu trúc chung, “loại tương tự Treuhandanstalt do Đức thành lập năm 1990 để tư nhân hoá khoảng 8.500 công ty Đông Đức”. Hy Lạp sẽ đưa vào cấu trúc này toàn bộ tài sản công (ngân hàng, bất động sản, điện thoại, cảng…) – ước tính 125 tỉ euro.

Một thể chế châu Âu do các nước cấp vốn sẽ mua cấu trúc này và thí điểm tư nhân hoá tài sản trước năm 2025. Số tiền thu được sau tư nhân hoá (125 tỉ euro) sẽ cho phép Athens mua lại các trái phiếu của mình ở ECB và quỹ Bình ổn tài chính châu Âu (EFSF) để giảm ngay lập tức tỷ lệ nợ/GDP từ 145% hiện tại còn 88%. Lãi suất vay nợ sẽ giảm khoảng 50% và Hy Lạp có thể trở lại thị trường.
Thể chế châu Âu liên quan sẽ đầu tư 20 tỉ euro tái cấu trúc tài sản địa phương để tăng giá trị khoảng 50 tỉ euro. Tổng mức đầu tư có thể tăng từ 10 – 15 tỉ euro nhờ các quỹ cơ cấu châu Âu mà Hy Lạp hiện không thể sử dụng. Số tiền vượt trội, tương đương 8% GDP, giúp kinh tế Hy Lạp tăng trưởng lại, khoảng 5% mỗi năm trong vòng ba hay bốn năm tới, thay vì suy giảm 5% như hiện nay. Nhờ những khoản thu nhập phát sinh này, Hy Lạp có thể tiến hành kế hoạch hoàn nợ khoảng 1% GDP mỗi năm, để đến 2018, siêu nợ xuống dưới mức 60% GDP. Theo tính toán của các nhà kinh tế Roland Berger, ngay cả khi không tiến hành quá trình tư nhân hoá nào, nợ của Hy Lạp vẫn xuống dưới 70% GDP và đây là một cải thiện quan trọng trong tình hình hiện nay.
Kế hoạch này có thể được Hy Lạp và các chính phủ châu Âu chấp nhận hay không tuỳ thuộc phần lớn vào “món cược”: đó là tập hợp tài sản công của Hy Lạp, hoặc là một danh sách còn nhiều hơn danh sách mà Hy Lạp đã công bố trong khuôn khổ kế hoạch tư nhân hoá 50 tỉ euro trong thoả thuận ngày 21.7. Kế hoạch tạo lòng tin rằng, những hoạt động tư nhân hoá được chỉ đạo bên ngoài Hy Lạp (ngay cả khi tài sản Hy Lạp được ưu tiên trong các hoạt động chuyển nhượng) thoát khỏi nguy cơ tham nhũng và không minh bạch.
Dự án có những điểm giá trị khác: đề nghị một lối ra mới trong khi châu Âu tất bật suốt từ tháng 7 để bàn cách cứu giúp Hy Lạp; tránh cho Athens một chương trình thắt chặt nghiêm ngặt nhất để dành thời gian thực hiện những đổi mới cơ cấu mà Chính phủ Hy Lạp đã cam kết; giúp Hy Lạp tăng trưởng ngay lập tức và trở lại thị trường; tránh xa nguy cơ một cuộc khủng hoảng hệ thống ở châu Âu.
Ngoài ra, theo nhật báo La Tribune, một kế hoạch như thế “sẽ quét sạch lợi nhuận giới đầu cơ… những người không tin vào khả năng cứu giúp Hy Lạp mà đặt cược vào sự sụp đổ giá trái phiếu Hy Lạp, Tây Ban Nha, Ý, và Ireland”. Nhưng kế hoạch sẽ phải “tính đến sự chống đối của các ngân hàng và thị trường tài chính, đối với các ngân hàng bởi vì có lẽ họ có những ý tưởng riêng về tư nhân hoá tài sản Hy Lạp, còn đối với các thị trường tài chính thì tình huống không chắc chắn hiện tại cho phép các bên nghĩ ra vô số trò chơi và phần thưởng”. Hiện nay, Eureca không nằm trên bàn tranh luận của các lãnh đạo châu Âu.
Võ Phương
Sài gòn tiếp thị



Xem bài viết: Dự án bí mật cứu Hy Lạp của Đức