Vietstock Weekly 12 – 16/03: Đối diện với nhiều khó khăn!
Không còn nghi ngờ gì nữa, CPI tháng 3 và định hướng chính sách tiền tệ là những thông tin được chờ đợi nhất trong vài tuần giao dịch tới.
* Chứng khoán Tuần 05 – 09/03: Xả Ngân hàng, gom Bất động sản
* Kinh tế Vĩ mô Tuần 12 – 16/03: Nới nhẹ chính sách tiền tệ để hỗ trợ tăng trưởng?
NHẬN ĐỊNH THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN TUẦN 12 – 16/03/2012
Sự ”cộng hưởng” của thông tin tăng giá bán lẻ xăng dầu, chiến lược bán khi có tin tốt và mong muốn chốt lời đã chặn đứng chuỗi tăng điểm ấn tượng của thị trường trong thời gian qua.
Xu hướng đầu tư đã có thay đổi khi giới đầu tư ”bỏ chạy” khỏi cổ phiếu Ngân hàng trước bối cảnh nhiều thông tin chính thức đã xuất hiện; và bất ngờ ”chiếu cố” nhóm Bất động sản và Chứng khoán, đặc biệt là các cổ phiếu có thị giá thấp so với giá trị sổ sách.
Tuần giao dịch 12 – 16/03, TTCK sẽ phải đối diện với nhiều khó khăn hơn.
(1) Cũng giống như tuần giao dịch trước, thị trường sẽ phải hấp thụ khối lượng hàng ”khủng” trong phiên giao dịch 06/03 về tài khoản. Chúng tôi đánh giá mức độ khó khăn sẽ lớn hơn rất nhiều, khi thị trường đang trong xu hướng điều chỉnh ngắn hạn.
(2) Sự hứng khởi của giới đầu tư đã dịu trở lại, được thể hiện qua sự sụt giảm dần của thanh khoản. Đây cũng là điều thường thấy ở TTCK Việt Nam: dòng tiền đổ dồn khi tăng điểm, những dễ dàng ”bỏ của chạy lấy người” khi thị trường lao dốc.
(3) Thị trường sẽ phải đối diện với khoảng trống thông tin. Các thảo luận về CPI tháng 3 chỉ có thể xuất hiện vào cuối tuần. Dù chúng tôi đang kỳ vọng một tín hiệu tích cực, nhưng như vậy, các phiên đầu tuần sẽ chịu nhiều áp lực.
(4) Nếu thị trường tiếp tục giảm sâu thì cũng không thể không tính đến áp lực của hoạt động giải chấp xuất hiện trở lại. Điều này không phải không có lý khi thông tin gần đây cho thấy dịch vụ margin của các CTCK đã sôi động trở lại trong thời gian gần đây.
Chúng tôi tiếp tục nghe thấy nhiều thảo luận về hoạt động thâu tóm ở công ty này, công ty nọ. Sau đó, diễn biến trên thị trường cho thấy dòng tiền tập trung rất mạnh về những cổ phiếu có liên quan. Rất có thể đây cũng là ”xu hướng” đầu tư trong lúc thị trường thiếu thông tin hỗ trợ.
Mặc dù điều chỉnh nhưng diễn biến giao dịch vẫn hết sức sôi động. Bên mua vẫn cho thấy niềm tin vào thị trường, trong khi bên bán cũng tỏ ra bình tĩnh. Trong khi đó, khối ngoại vẫn giữ nguyên chiến lược gom cổ phiếu; không loại trừ khả năng nhóm cổ phiếu chủ chốt sẽ là đích nhắm của họ trong tuần tới. Đây sẽ là bệ đỡ giúp kích thích sự hưng phấn trở lại ở giới đầu tư.
Không còn nghi ngờ gì nữa, CPI tháng 3 và định hướng chính sách tiền tệ là những thông tin được chờ đợi nhất trong vài tuần giao dịch tới.
Theo tính toán của cơ quan quản lý, việc tăng giá xăng ngày 7/3 vừa qua sẽ làm tăng CPI năm 2012 thêm 0.85% nếu vẫn tiếp tục giữ giá đến hết năm. Nếu việc tính toán sát với thực tế thì theo quan điểm của chúng tôi, mức tác động 0.85% là không lớn.
Kịch bản lạc quan là CPI tháng 3 tăng khoảng 0.5 – 0.6% và sau đó, NHNN sẽ nới lỏng nhẹ chính sách tiền tệ chặt chẽ đang được áp dụng đi kèm với việc hạ trần lãi suất huy động như đã cam kết trước đây.
Theo thông tin từ EVN, trong năm 2012 có thể sẽ có hai lần điều chỉnh tăng giá điện với trên 5%/lần. Theo các quy định hiện hành, lần tăng giá điện sắp tới chỉ có thể diễn ra sau ngày 20/3/2012. Chúng tôi cho rằng rất có thể các đợt tăng giá điện sẽ được giãn ra để giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực lên giá cả.
Phân tích kỹ thuật: VN-Index – Test lại vùng kháng cự mạnh. Tuần vừa qua, VN-Index đã test lại một trong những vùng kháng cự quan trọng trong trung hạn: vùng 470 – 485 điểm. Trong vòng 12 tháng trở lại đây, vùng 470 – 485 điểm đã có ít nhất 3 lần quan trọng báo hiệu thành công sự đảo chiều mạnh của giá. Vì vậy, sự sụt giảm mạnh trong các phiên gần đây sau khi đến gần vùng này đã khiến giới đầu tư lo lắng về khả năng lặp lại kịch bản của tháng 02/2011 và tháng 09/2011.
Một tín hiệu khác cũng rất đáng chú ý trong tuần là khối lượng đột biến mạnh trong phiên giao dịch ngày 06/03/2012 và sau đó liên tục sụt giảm mạnh trong các phiên tiếp theo. Đây có thể coi là một dấu hiệu cảnh báo lớn của thị trường về khả năng đảo chiều mạnh trong tương lai bởi vì trong hầu hết các trường hợp đột biến khối lượng trong quá khứ thì theo sau đó thường là một giai đoạn điều chỉnh kéo dài.
Giới phân tích kỹ thuật cũng cho rằng không nên đánh giá thấp dấu hiệu cảnh báo đảo chiều từ mẫu hình engulfing bear. Vì trong vòng 12 tháng qua mẫu hình này đã báo hiệu chính xác 2 lần điều chỉnh mạnh là tháng 06/2011 và tháng 09/2011.
Phân kỳ giá xuống của MACD Histogram với VN-Index cũng đã xuất hiện sau gần 2 tháng hình thành. Vì vậy, nếu như trong tuần sau SMA 200 cũng không thể trụ vững thì việc thoát ra khỏi thị trường là cần thiết đối với nhà đầu tư để tránh sự thua lỗ nặng.

HNX-Index – Cơ hội hay rủi ro? Đa số các nhà phân tích đều cho rằng việc HNX-Index điều chỉnh mạnh trong các phiên gần đây là một cơ hội bắt đáy mới cho những nhà đầu tư lỡ nhịp sóng tăng vừa rồi.
Mặc dù có phiên đột biến khối lượng lớn nhất trong lịch sử vào ngày 06/03/2012 nhưng khối lượng vẫn duy trì mức khá cao trong các phiên cuối tuần. Điều này cho thấy lực cầu phần nào vẫn đang duy trì khá ổn định chứ không hẳn là nhà đầu tư đang tìm cách tháo chạy một cách hoảng loạn khỏi thị trường.
Nhiều khả năng khi HNX-Index test lại đường internal trendline (tương đương vùng 68 – 71 diểm). Sẽ có phục hồi nếu khối lượng duy trì ổn định và không sụt giảm tiếp tục xuống bên dưới đường trung bình 20 phiên gần nhất.
Chúng tôi cũng chờ đợi sự xuất hiện của những mẫu hình nến đảo chiều tăng điểm như Hammer, Doji, Spinning top... để củng cố và làm gia tăng hơn nữa khả năng hồi phục trở lại của HNX-Index khi đến gần vùng 68 – 71 điểm. Tuy nhiên, nếu vùng này bị phá vỡ hoàn toàn thì việc bán ra và đứng ngoài thị trường là cần thiết.

VIETSTOCK INDEX
VS 100: Giảm nhẹ (-0.94%) trong phiên giao dịch cuối tuần ngày 09/03/2012, VS 100 tiếp tục quá trình điều chỉnh đã có từ các phiên trước đó.
Những phiên giao dịch biến động mạnh gần đây cũng như sự đột biến khối lượng vào giữa tuần đã phần nào cho thấy tâm lý thận trọng đang lớn dần.

VS-Market Strength: Trong phiên giao dịch ngày 09/03/2012, VS-A/D HOSE đạt mức 0.27, tức số mã tăng giá bằng 0.27 lần số mã giảm giá; trong khi VS-U/D HOSE là 0.4, tức khối lượng của cổ phiếu tăng giá bằng 0.4 lần so với khối lượng giao dịch của phía giảm giá. VS-A/D HNX đạt 0.22 lần và VS-U/D HNX bằng 0.24 lần.
SMA 5 ngày của VS-Arms VN duy trì ở mức 0.45, đây là mức trung bình của chỉ số này nên khả năng tăng trưởng trong thời gian tới không cao.

Phòng Nghiên cứu VIETSTOCK
finfonet



Xem bài viết: Vietstock Weekly 12 – 16/03: Đối diện với nhiều khó khăn!