6 tháng, SHS phải trích lập dự phòng khó đòi lên đến 387 tỷ đồng, chủ yếu đến từ các hợp đồng hợp tác kinh doanh, mua bán chứng khoán. Tại Chứng khoán Hà Thành - HASC, theo ý kiến của Kế toán trưởng hiện tại của Công ty, HASC đang phải thực hiện nghĩa vụ thu nợ khoảng 30 tỷ đồng cho Công ty Tài chính điện lực (EVNFC); Seabank đang treo dư nợ khách hàng của HASC là 121 tỷ đồng, nợ repo 13 tỷ đồng và nợ khác hơn 31 tỷ đồng.

Trong khi đó, vốn chủ sở hữu cuối năm 2010 còn 99 tỷ đồng và một loạt khoản nợ phải xử lý.

Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội, mã SHS, trong báo cáo tài chính quý II vừa được công bố, trích lập 124,7 tỷ đồng cho khoản phải thu khó đòi chủ yếu đến từ các hợp đồng hợp tác kinh doanh, mua bán chứng khoán (đến cuối tháng 6/2011 là gần 385,7 tỷ đồng).

Trên thực tế, bản chất của hầu hết hợp đồng hợp tác kinh doanh, mua bán chứng khoán chính là hợp đồng cung cấp vốn cho khách hàng.

Trong BCTC quý II của Chứng khoán Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín, mã SBS, do trình bày khá sơ sài với nhiều khoản mục được gói gọn trong từ "khác", nên nhà đầu tư rất khó ước lượng mức độ chuẩn xác. Ví dụ như đầu tư tài chính khác lên tới 3.781 tỷ đồng trên tổng số gần 5.902 tỷ đồng tiền đầu tư tài chính. Khoản này được trích lập dự phòng giảm giá 126 tỷ đồng.

So sánh thuyết minh BCTC hợp nhất năm 2010 và thuyết minh BCTC quý II/2011 của SBS, có thể dễ dàng nhận ra rằng, bản chất của các khoản đầu tư khác chính là việc cung cấp vốn cho khách hàng.

Trên thực tế, nhiều công ty chứng khoán có số dư cho vay chứng khoán lên đến vài nghìn tỷ đồng, nhưng đến thời điểm này, SHS có lẽ là công ty chứng khoán đầu tiên công bố chấp nhận trích lập dự phòng nợ khó đòi với khoản lớn như trên.