So với cùng kỳ năm trước năm 2021, chỉ số sản xuất công nghiệp trong 7 tháng đầu năm 2022 tăng 8,8%, vốn hóa thị trường chứng khoán tăng thêm gần 8 tỷ USD sau ba phiên bùng nổ theo đà và giá dầu thô liệu có hạ nhiệt trước thềm cuộc họp OPEC+… Dưới đây là nội dung chính 3 thông tin đáng chú ý trong phiên giao dịch hôm nay thứ Ba ngày 2/8.

1. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) trong 7 tháng đầu năm 2022 tăng 8,8%
Theo Bộ Công Thương, chỉ số IIP tháng 7 tăng 1,6% so với tháng 6 nhưng tăng tới 11,2% so với cùng kỳ năm 2021. Tính chung 7 tháng, IIP tăng 8,8% so với cùng kỳ năm trước năm 2021. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực tăng trưởng cho toàn ngành công nghiệp khi tăng 9,7%, ngành sản xuất phân phối điện tăng 6,4%, ngành khai khoáng tăng 3,6%, ngành cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải tăng 4,5%.

Sản xuất công nghiệp khôi phục ở hầu hết các ngành, nhu cầu và sản lượng sản xuất đều tăng, các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp đã hoạt động ổn định trở lại, nối lại các chuỗi cung ứng cơ bản thông suốt. Hoạt động dịch vụ hỗ trợ khai thác mỏ và quặng tăng 68,5%; sản xuất đồ uống tăng 19,5%; sản xuất trang phục tăng 23%; sản xuất thiết bị điện tăng 21%.

Ở chiều ngược lại, chỉ số sản xuất 7 tháng đầu năm của một số ngành trọng điểm cấp II giảm so với cùng kỳ năm trước như: sản xuất sản xuất từ cao su và plastic giảm 8,4%; than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế giảm 1%.

2. Vốn hóa thị trường chứng khoán tăng thêm gần 8 tỷ USD sau ba phiên bùng nổ theo đà
Các phiên giao dịch cuối tháng 7, thị trường chứng khoán Việt Nam diễn biến khởi sắc và vượt ngưỡng 1.200 điểm chinh phục không thành công nhiều lần trước đó. Tiếp đà đi lên, VN-Index tăng gần 25 điểm trong phiên đầu tháng 8 lên ngưỡng 1.231,35 điểm. Giao dịch tích cực ghi nhận ở hầu hết các nhóm ngành, đáng chú ý là những nhóm cổ phiếu giảm giá sâu trong nhịp giảm trước đó như ngân hàng, chứng khoán, bất động sản, thép. Sự khởi sắc của VN-Index thu hút dòng tiền của nhà đầu tư tham gia, đẩy quy mô thanh khoản tăng cao. Ba gần gần đây, giá trị giao dịch cổ phiếu toàn thị trường vượt ngưỡng 1.700 tỷ đồng.

Theo thống kê, chỉ sau ba phiên VN-Index giao dịch trên ngưỡng 1.200 điểm, tổng vốn hóa của thị trường chứng khoán Việt Nam tăng thêm 183.724 tỷ đồng (7,8 tỷ USD) lên hơn 6,43 triệu tỷ đồng. Vốn hóa sàn HOSE tăng thêm 160.637 tỷ đồng lên hơn 4,89 triệu tỷ đồng. Vốn hóa của sàn HNX và thị trường UPCoM cũng tăng lần lượt 8.574 tỷ đồng và 14.513 tỷ đồng sau ba phiên khởi sắc. So với thời điểm thấp nhất đầu tháng 7, quy mô vốn hóa thị trường chứng khoán Việt Nam đã tăng thêm 424.357 tỷ đồng, nhưng vẫn thấp hơn khoảng 1,33 triệu tỷ đồng so với thời điểm cuối năm 2021.

3. Giá dầu thô liệu có hạ nhiệt trước thềm cuộc họp OPEC+?
Ngày 3/8 tới, liên minh OPEC+ sẽ nhóm họp để thống nhất bước đi tiếp theo cho thị trường dầu mỏ. Song, đây là lần đầu tiên trong năm nay, giới chuyên gia không nhận thấy tín hiệu chính sách rõ ràng từ OPEC+. Hiện, OPEC+ đã bơm trở lại thị trường toàn bộ sản lượng mà các nước thành viên đồng ý rút bớt vào tháng 4/2020. Theo kế hoạch thì tháng 8 tới, OPEC+ sẽ trở lại mức sản lượng cơ sở ban đầu. Tuy nhiên, trên thực tế, sản lượng của liên minh dầu mỏ đang bị hụt khá nhiều so với mục tiêu. Trong tháng 5 - tháng gần nhất có số liệu đầy đủ, các nước thành viên đã bơm ít hơn kế hoạch khoảng 2,7 triệu thùng/ngày. Gần một nửa mức hụt liên quan đến Nga. Sau khi quân đội nước này tấn công Ukraine vào tháng 2, các sản phẩm dầu thô và dầu mỏ tinh chế khác của Nga đã bị các khách hàng châu Âu tẩy chay.

Việc chuyển hướng xuất khẩu sang Ấn Độ và Trung Quốc đã giúp Nga tránh được tác động của các lệnh cấm vận, song không thể bù đắp hoàn toàn tổn thất từ thị trường châu Âu. Các nước tiêu thụ năng lượng lớn đang kêu gọi OPEC+ tăng sản lượng. Trong chuyến thăm Arab Saudi hồi cuối tháng 7, Tổng thống Joe Biden đã yêu cầu liên minh OPEC+ bơm thêm dầu để hạ nhiệt lạm phát. Cuộc họp tuần này sẽ là cơ hội đầu tiên để tất cả các thành viên thảo luận về yêu cầu đó. Nếu nghiêm túc cân nhắc tăng sản lượng một lần nữa, OPEC+ có thể nâng hạn ngạch của các nước thành viên. Tuy nhiên, điều đó sẽ nới rộng khoảng cách giữa sản lượng theo kế hoạch và sản lượng thực tế, vì không nhiều nước có thể bơm dầu nhiều hơn mức hiện tại.

Trên thực tế, OPEC+ giờ đây chỉ có Arab Saudi và UAE có công suất dự phòng. Ngay cả vậy, liệu hai nhà sản xuất này có thể bơm thêm bao nhiêu dầu vẫn là một câu hỏi chưa có lời giải.