Vietstock Weekly 09 - 13/01: Khi nào cơ hội sẽ xuất hiện?
(Vietstock) – Vẫn biết là khi thị trường sụt giảm mạnh thì mua vào cổ phiếu có thể đem lại mức sinh lời lớn. Nhưng câu hỏi đặt ra là khi nào cơ hội sẽ xuất hiện?
I. THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN VIỆT NAM TUẦN QUA
Thị trường tiếp tục lao dốc mạnh trong tuần giao dịch đầu năm 2012. Mặc dù chỉ giao dịch 4 ngày trong tuần nhưng VN-Index đã giảm đến 4.22% và đang dừng tại mốc 336.73 điểm; HNX-Index giảm mạnh 5.64% đứng tại 55.43 điểm. Nhóm cổ phiếu chủ chốt thể hiện qua VS 100 cũng giảm 3.21% chốt tại 50.9 điểm.
VS-Mid Cap giảm điểm mạnh nhất trong các nhóm chỉ số Market Cap khi mất 5.14%, tiếp theo là VS-Large Cap giảm 4.76%, VS-Small Cap và VS-Micro Cap cùng giảm 2.07%.
Thanh khoản sụt giảm mạnh trên cả hai sàn, khi trung bình khối lượng khớp lệnh một phiên đã sụt giảm 27% trên HOSE và giảm hơn 30% trên HNX so với tuần trước.
Ảnh hưởng từ những thông tin dự báo khá ảm đạm về nền kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng tiếp tục là nguyên nhân chính dẫn đến sự sụt giảm của thị trường.
Tâm lý hoang mang và chán nản bao trùm thị trường trong suốt tuần giao dịch. Chính tâm lý này đã khiến hai chỉ số liên tiếp sụt giảm và vẫn chưa biết đâu là đáy của thị trường.
Điểm tích cực là trôi dần về cuối tuần, tâm lý e ngại có dấu hiệu giảm bớt giúp thanh khoản tăng trở lại. Tuy nhiên, sự thận trong vẫn là lực cản khiến cho khối lượng giao dịch chỉ đứng ở mức trung bình so với thời gian gần đây.
Hai “thế lực” thị trường là Mid Cap và Large Cap đều bị xả hàng mạnh trong tuần và khiến các chỉ số chính có tuần “dễ dàng” lùi sâu.
STB tiếp tục thu hút dòng tiền mạnh nhất, tiếp theo là ITA và đáng chú ý là JVC khi cổ phiếu này đã tăng mạnh liên tục trong thời gian gần đây với khối lượng khớp lệnh quanh mức 1 triệu đơn vị/phiên.
Phiên giao dịch ngày 03/01, chỉ số HNX-Index bất ngờ mất tới 3.32%, trong khi các cổ phiếu chủ chốt trên sàn không sụt giảm mạnh. Nguyên nhân chính được biết đến là do cách tính chỉ số của sàn HNX: Giá đóng cửa của phiên hôm trước là giá để tính chỉ số HNX-Index vào cuối phiên; trong khi đó, giá trung bình lại được dùng làm giá tham chiếu của ngày hôm sau. Vì vậy, chỉ số HNX-Index sẽ biến động mạnh trong trường hợp giá đóng cửa và giá trung bình có chênh lệch lớn.
Orchid Fund đăng ký mua tiếp gần 13 triệu cổ phiếu FPT trong hai tháng tới để nâng tỷ lệ sở hữu lên 14.9%. Hiện tại, quỹ đầu tư này đã sở hữu hơn 19.3 triệu cổ phiếu, chiếm 8.94% và là cổ đông lớn nhất của FPT.
STB đã có chuỗi ngày tăng trưởng đáng kể hơn 21% từ lúc công bố thông tin mua cổ phiếu quỹ đến khi hoàn tất vào ngày 04/01. Nhưng ngay lập tức cổ động STB lại tiếp tục đón nhận thêm nhiều thông tin “nóng hổi” khác
REE đăng ký bán thoái vốn hơn 42 triệu cổ phiếu STB trong 2 tháng kể từ ngày 9/1/2012. Trong khi đó, ANZ sẽ chuyển nhượng toàn bộ số cổ phần tại STB (9.6% vốn điều lệ) cho EIB, sau khi đã chính thức được NHNN thông qua. Sau khi nhận chuyển nhượng, EIB sẽ nắm 9.73% vốn điều lệ tại Sacombank.
Những mảng màu tối tiếp tục lấn át trên TTCK khi CTCP Chứng khoán Trường Sơn (TSS) tự nguyện xin rời bỏ tư cách thành viên trên hai sàn HOSE và HNX. Nói cách khác, TSS đã tự nguyện rời bỏ nghiệp vụ môi giới và lưu ký chứng khoán.
Cuối tuần xuất hiện hiện thông tin về việc thay phương án giảm thời gian thanh toán xuống T+2 như ý tưởng ban đầu, bằng phương án T+0. Tuy nhiên, ông Nguyễn Sơn, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường – UBCKNN xác nhận không có thông tin cơ quan quản lý cân nhắc giảm thời gian thanh toán xuống T+0.
Tuần giao dịch đầu năm, giao dịch thỏa thuận đã sụt giảm mạnh trở lại khi chỉ có 25 triệu đơn vị được trao tay trong tuần qua trên HOSE và 10 triệu đơn vị trên HNX.
Số ngành giảm điểm chiếm ưu thế với 20/24 ngành giảm điểm. Chứng khoán là ngành sụt giảm mạnh nhất với 9.06%. Xây dựng và Bất động sản giảm lần lượt 4.79% và 3.8%, trong khi Ngân hàng tiếp tục có tuần ngược dòng với các ngành nóng khi tăng 0.21%. Cổ phiếu ngành Nông Lâm Ngư có mức tăng tốt nhất trong tuần, nhưng chỉ với 1.35%.
Khối ngoại có tuần bán ròng nhẹ 27 tỷ đồng trên cả hai sàn. Họ bán ròng 58.3 tỷ đồng trên HOSE, trong khi mua ròng 31.3 tỷ đồng trên HNX.
Trên HOSE, khối ngoại tiếp tục bán ròng mạnh nhất STB với 1.7 triệu đơn vị, tương ứng với 26.4 tỷ đồng. Ở chiều ngược lại, họ bất ngờ mua ròng mạnh nhất SSC với giá trị 11.3 tỷ đồng.
Trên HNX, ACB được mua ròng mạnh nhất với 13.4 tỷ đồng; trong khi đó NTP bị bán ròng mạnh nhất nhưng chỉ với 0.3 tỷ đồng.
II. NHẬN ĐỊNH THỊ TRƯỜNG TUẦN 09 – 13/01/2012
Tâm lý bi quan, chán nản trong những phiên giao dịch cuối năm 2011 tiếp tục kéo dài sang tuần giao dịch đầu năm, và dường như tác động còn mạnh mẽ hơn khi các chỉ số sụt giảm mạnh, thanh khoản teo tóp dần qua thống kê trung bình khớp lệnh.
Xuyên suốt các phiên giao dịch trong tuần, thông kê lệnh đều cho thấy bên bán đang hoàn toàn kiểm soát thị trường và hoạt động bán ra dường như xuất phát từ các nhà đầu tư lớn. Khi lực bán tập trung mạnh vào các bluechips, các chỉ số sẽ dễ dàng lùi sâu và ảnh hưởng đến tâm lý giao dịch của toàn thị trường.
Điều thách thức lớn nhất hiện nay là chu kỳ điều chỉnh liên tục đã khiến lòng kiên nhẫn của giới đầu tư đang bị bào mòn nghiêm trọng.
Sự mất mát trong một giai đoạn dài đã khiến cho quan điểm phòng ngừa rủi ro đang được ưu tiên. Điều này tỏ ra ”hợp thời” khi một số cụm từ quen thuộc trong Nghị quyết 11 năm ngoái đã được lặp lại. Đề cập trong Nghị quyết 01 về điều hành kinh tế xã hội năm 2012 của Chính phủ, chính sách điều hành sẽ tiếp tục tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; cụ thể là phải thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng, linh hoạt.
Vẫn biết là khi thị trường sụt giảm mạnh thì mua vào cổ phiếu có thể đem lại mức sinh lời lớn. Nhưng câu hỏi đặt ra là khi nào cơ hội sẽ xuất hiện?
Như chúng tôi đã đề cập trong tuần, với hàng loạt hoạt động M&A như ở FPT hay STB, thì những “tay to” vẫn đang kỳ vọng rất lớn vào triển vọng lạc quan trong trung và dài hạn của thị trường. Nhưng với những gì đang diễn ra, có vẻ là chưa đủ để dòng tiền đầu cơ có thể xuất hiện trở lại, trước quá nhiều e ngại rủi ro.
Phân tích kỹ thuật trong tuần của chúng tôi cho thấy hoạt động bắt đáy có thể thăm dò khi thị trường về ngưỡng hỗ trợ mạnh (dù sau đó có thể sẽ phải tiếp tục cân nhắc). Đối với VN-Index là vùng 320 – 325 điểm; còn đối với HNX-Index là vùng 45 – 48 điểm. Trên thực tế, những mốc này vẫn còn khá xa so với mức hiện tại.
Phân tích kỹ thuật: VN-Index – Liệu vùng 320 – 325 điểm có trụ vững? Sự bi quan và chán nản rõ ràng đang bao trùm lên thị trường chứng khoán Việt Nam, khi triển vọng trước mắt của nền kinh tế không có nhiều nét tích cực.
Khối lượng không tăng trưởng mạnh như những đợt suy giảm trước khiến cho giới phân tích kỹ thuật bắt đầu đặt ra nghi vấn là liệu vùng 320 – 325 điểm có thể trụ vững hay không nếu như chỉ có hiện tượng bắt đáy một cách thận trọng như hiện nay?
Có một điều khá chắc chắn là ngay cả khi vùng này đứng vững thì cũng phải cần một thời gian tích lũy thì VN-Index mới có thể tăng trưởng mạnh trở lại; khi mà các ngưỡng kháng cự bên trên vẫn còn rất nhiều (internal trendline, SMA 20...).
Quan điểm kiên nhẫn và không vội bắt đáy sớm để phòng ngừa rủi ro vẫn được duy trì trong các phiên đầu tuần sau.

HNX-Index – Khối lượng vẫn duy trì mức trung bình. Thanh khoản duy trì mức trung bình cho thấy lực cầu không gia tăng mạnh sau khi ngưỡng chống đỡ Fibonacci Retracement 161.8% bị thủng.
Mặc dù hiện tượng hoảng loạn, bán tháo đồng loạt không xảy ra trên diện rộng nhưng sự suy giảm từ từ và đều đặn của HNX-Index đang bào mòn kiên nhẫn của giới đầu tư. Về mặt lý thuyết, sau khi thủng vùng 56.5 – 58 điểm, mục tiêu kế tiếp sẽ là vùng 45 – 48 điểm.
Các chỉ số dao động (momentum) dù đã xuống rất sâu trong vùng oversold nhưng chưa thể bứt phá trở lại do các phân kỳ giá lên (bullish divergence) chưa hoàn thành.
Các tín hiệu trên cho thấy triển vọng hồi phục trở lại của chỉ số này đang khá thấp.
VIETSTOCK INDEX
VS 100: Giảm mạnh (-0.63%) trong phiên giao dịch ngày 06/01/2012, VS 100 vẫn tiếp tục quá trình dò đáy mới trong ngắn hạn.
Thanh khoản vẫn đang duy trì mức thấp cho thấy lực cầu bắt đáy không quá lớn và tâm lý thận trọng vẫn đang lấn át thị trường.
VS-Market Strength: Trong phiên giao dịch ngày 06/01/2012, VS-A/D HOSE đạt mức 0.45, tức số mã tăng giá bằng 0.45 lần số mã giảm giá; trong khi VS-U/D HOSE là 0.62, tức khối lượng của cổ phiếu tăng giá bằng 0.62 lần so với khối lượng giao dịch của phía giảm giá. VS-A/D HNX đạt 0.39 lần và VS-U/D HNX bằng 0.14 lần.
Chỉ số VS-Arms VN duy trì ở mức 1.25, đây là mức thấp của chỉ số này. Nếu tiếp tục duy trì mức hiện nay thì khả năng tăng trưởng sẽ nâng cao dần.
VS-Thrust VN và VS-ADL VN tiếp tục duy trì trong vùng oversold và cho dấu hiệu rằng triển vọng tăng giá có thể vẫn chưa trở lại vì chưa có phân kỳ giá lên.
III. THỐNG KÊ THỊ TRƯỜNG TUẦN 03 – 06/01/2012

Phòng Nghiên cứu VIETSTOCK



Xem bài viết: Vietstock Weekly 09 - 13/01: Khi nào cơ hội sẽ xuất hiện?