Hy Lạp và kịch bản vỡ nợ có trật tự
Bất kỳ khoản giải ngân nào cũng chỉ có thể giúp Hy Lạp cầm cự đến cuối năm 2011 và việc vỡ nợ sau đó là tất yếu. Việc giải cứu “binh nhì” Hy Lạp thất bại, thì bờ đê nào để ngăn hiệu ứng domino?
Học sinh, sinh viên tiếp tục biểu tình tại Athens để phản đối các biện pháp thắt lưng buộc bụng của chính phủ Hy Lạp. Ảnh: AFP

Nguy cơ vỡ nợ của Hy Lạp đang đến gần khi ông Evangelos Venizelos, bộ trưởng Tài chính nước này đã hé lộ về kịch bản phát hành trái phiếu chiết khấu 50% để giải quyết cuộc khủng hoảng nợ. Nhưng Angelos Tolkas, người phát ngôn viên chính phủ đã vội bác bỏ kịch bản này, và cho biết Hy Lạp dự trù nhận khoản giải ngân 8 tỉ EUR từ gói cứu trợ 109 tỉ EUR theo thoả thuận với các chủ nợ ngày 21.7.
“Phản tác dụng”
Ông Klaas Knot, thành viên hội đồng quản trị ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), thừa nhận nguy cơ phá sản của Hy Lạp sắp là sự thật phũ phàng, vì không ai còn có thể lạc quan với tình hình tồi tệ như hiện nay.
Tổ chức Moody’s đã hạ xếp hạng một lúc tám ngân hàng của Hy Lạp: National Bank of Greece, Eurobank Ergasias, Alpha Bank, Piraeus Bank, Agricultural Bank of Greece và Attica Bank từ B3 xuống Caa2; Emporiki Bank of Greece và General Bank of Greece bị hạ xếp hạng từ B1 xuống B3. Trong trường hợp xấu nhất, các ngân hàng không thể tiếp tục vay tiền từ ECB, lượng rút tiền sẽ lên cao đột biến và ngân hàng sẽ bị quốc hữu hoá.
Bộ trưởng Tài chính Venizelos thẳng thắn nói rằng các biện pháp giải cứu và thắt lưng buộc bụng nửa vời của Hy Lạp bây giờ đang “phản tác dụng”. Hy Lạp đã tiến hành cắt giảm chi tiêu, sa thải hàng ngàn công chức và áp đặt các loại thuế mới để thu hẹp mức thâm thủng ngân sách. Nhưng các nhà đàm phán đã bày tỏ sự thất vọng vì tốc độ cải cách chậm chạp của Hy Lạp.
Giữa những lo ngại rằng cuộc khủng hoảng nợ công ở khu vực châu Âu đang vượt ra khỏi tầm kiểm soát, các quan chức châu Âu, cụ thể là Đức và Pháp, đang lên kế hoạch thực hiện một “chiến lược ba mũi nhọn” lớn để khôi phục lòng tin trong khu vực đồng tiền chung EUR, bao gồm một dự án tái cấp vốn khổng lồ cho ngân hàng, một quỹ cứu trợ trị giá vài ngàn tỉ EUR và một kịch bản vỡ nợ có trật tự cho Hy Lạp.
Dự kiến đầu tháng 10.2011, các giám sát viên EU, IMF sẽ trở lại Athens để đánh giá tiến trình cắt giảm chi tiêu, tinh giản cơ cấu chính phủ và quyết định có giải ngân khoản tiền kế tiếp trong thoả thuận 109 tỉ EUR hay không. Nếu không nhận được khoản vay, Hy Lạp sẽ hết tiền trong tháng 10. Đáng lưu ý là bất kỳ khoản giải ngân nào cũng chỉ có thể giúp Hy Lạp cầm cự đến cuối năm 2011 và việc vỡ nợ sau đó là tất yếu. Kết cục này sẽ mang lại thiệt hại “không thể lường trước mức độ” cho khắp châu Âu và Mỹ, vì Hy Lạp bị xem là tâm chấn của cuộc khủng hoảng. Trong trường hợp Hy Lạp vỡ nợ, nhà đầu tư sẽ bán tháo nợ chính phủ của nhiều nước châu Âu khác.
Các bước thực hiện
Đầu tiên, các ngân hàng châu Âu sẽ phải tái cấp vốn hàng chục tỉ EUR để trấn an thị trường rằng, việc vỡ nợ của Hy Lạp hay Bồ Đào Nha sẽ không đẩy toàn bộ hệ thống tài chính thế giới vào một cuộc khủng hoảng thật sự. Các kế hoạch tái cấp vốn sẽ nhiều hơn số tiền 2,5 tỉ EUR (tương đương 3,4 tỉ USD) được đưa ra trước đó, theo yêu cầu của giới quan chức sau các cuộc kiểm tra ngân hàng châu Âu hồi tháng 7.2011, và chủ yếu là dưới áp lực của những người cho vay ở Pháp.
Các quan chức tin tưởng rằng một số ngân hàng có thể tự mình xoay xở được, nhưng nếu không có khả năng đó, họ sẽ được nhà nước hoặc cơ chế ổn định tài chính châu Âu (EFSF), hoặc các chủ nợ tư nhân hỗ trợ tái cấp vốn. EFSF của châu Âu triển khai chương trình giải cứu trị giá 440 tỉ EUR (tương đương 604 tỉ USD). Theo kế hoạch, các chủ nợ khu vực tư nhân sẽ chịu 50% khoản nợ, hơn gấp đôi con số đề nghị là 21%, hiện đang thảo luận. Sau đó, một chương trình cứu trợ mới sẽ được thiết kế dành cho Hy Lạp.
Chặng thứ hai của kế hoạch sẽ là thúc đẩy để mở rộng quy mô của EFSF. Các nhà kinh tế ước tính sẽ cần khoảng 2.000 tỉ EUR để đáp ứng nhu cầu tài chính của Ý và Tây Ban Nha, trong trường hợp hai nước bị gạt ra khỏi thị trường toàn cầu. Các quan chức hiện đang thông qua ngân hàng Trung ương châu Âu ECB để đạt được mục tiêu tăng cường quy mô cho EFSF.
EFSF sẽ đóng góp một phần trong quỹ giải cứu, phần còn lại sẽ do ECB đảm nhận. Nếu EFSF chịu 20% thì quỹ sẽ tăng lên tới 2.000 tỉ EUR. Sử dụng đòn bẩy theo cách này sẽ cho phép các chính phủ tăng đáng kể nguồn lực sẵn có cho EFSF, mà không cần đến sự phê duyệt của quốc hội các nước trong khu vực.
Việc sắp xếp này tương tự như lời đề nghị của bộ trưởng Tài chính Mỹ Tim Geithner cho khu vực châu Âu trong cuộc họp hôm 16.9 tại Ba Lan. Tình trạng hỗn loạn trong thị trường tài chính đã thuyết phục Đức bắt tay vào thực hiện một số phương án trong kế hoạch Mỹ đưa ra tại cuộc họp đầy tranh cãi tại Ba Lan, mặc dù ban đầu nước Đức từ chối với lý do không khả thi và đe doạ làm tổn hại đến sự độc lập của ngân hàng Trung ương châu Âu ECB.
Nha, Tuyết Hạnh (Reuters, Market Watch, Time, Telegraph)
SÀI GÒN TIẾP THỊ



Xem bài viết: Hy Lạp và kịch bản vỡ nợ có trật tự