Những kỳ vọng vào Thủ tướng
Kiềm chế lạm phát, giảm đà tăng giá lương thực, đẩy mạnh chống tham nhũng, cơ cấu lại các tập đoàn, phát triển kinh tế biển... là mong muốn của đại biểu Quốc hội, cử tri với Thủ tướng nhiệm kỳ 2011-2016.

Tiến sĩ Nguyễn Bách Phúc (67 tuổi, Viện trưởng Viện Điện - Điện tử - Tin học TP HCM): "Cách chức những người không hoàn thành nhiệm vụ".
Thứ nhất, tôi kỳ vọng Thủ tướng nhiệm kỳ mới sẽ đẩy mạnh chống lãng phí và lạm phát, trước hết là phải giảm chi tiêu công và hủy bỏ dự án đầu tư không hiệu quả. Hiện nay, chúng ta đang rất lãng phí trong quy hoạch và đầu tư. Nhiều quy hoạch không thực tiễn và chưa hợp lý gây lãng phí rất lớn.
Thứ hai, tôi mong Thủ tướng cải cách giáo dục để cho xã hội lành mạnh hơn. Hiện nay, tôi thấy bất an về thực trạng nền giáo dục của nước ta đang xuống cấp trầm trọng trong đào tạo nhân cách con người, dẫn đến nhiều hậu quả xã hội.
Thứ ba, tôi kỳ vọng Thủ tướng mở rộng hành lang pháp lý để khoa học phát triển. Hiện nay khoa học của Việt Nam chưa đóng vai trò là động lực phát triển đất nước, của các doanh nghiệp. Mong Chính phủ tạo điều kiện cho các nhà khoa học làm việc, cống hiến và đóng góp vào sự phát triển của nền kinh tế và quốc phòng của đất nước.
Tôi đề nghị Thủ tướng và Chính phủ cách chức những người nào không hoàn thành nhiệm vụ, đồng thời phải lựa chọn những người có tâm huyết và có năng lực để phát triển đất nước.
Chị Nguyễn Thị Nhã (25 tuổi, quận 9, TP HCM): "Kỳ vọng Thủ tướng sẽ đi thực tế nhiều hơn".
Tôi kỳ vọng Thủ tướng sẽ dành nhiều thời gian đi thực tế, xuống tận nhà lắng nghe ý kiến của người dân. Nhiều vấn đề dân kêu, chính quyền hứa, chúng tôi mong mỏi, chờ đợi rồi hy vọng, nhưng mãi vẫn không giải quyết được như ngập nước, ô nhiễm môi trường...
Tôi mong Thủ tướng một lần đi chợ sẽ thấy được giá cả leo thang như thế nào. Một ngày không đi chợ thấy giá cả đã thay đổi chóng mặt rồi. Ngày trước 8.000-10.000 đồng tiền mua rau là ăn hoài không hết, bây giờ phải 17.000-18.000 đồng có khi còn không đủ. Các vị lãnh đạo phải có quyết sách kìm giá để người dân bớt khổ.
Đại tá, bác sĩ quân y Lê Quang Toản (83 tuổi, quận Đống Đa, Hà Nội): "Không cần tăng lương, chỉ mong giá lương thực, thực phẩm giảm"
Điều tôi chờ đợi ở Thủ tướng khóa mới là làm sao giữ được giá cả ổn định. Giá lương thực, thực phẩm ổn định mới là điều quan trọng chứ không phải tăng lương, vì lương có tăng bao nhiêu thì cũng không bù được trượt giá hiện nay. Tình hình an ninh đất nước trong thời gian qua có một số vấn đề. Tôi mong Chính phủ không tiếp tục để xảy ra thêm vụ việc nào tương tự như vụ Mường Nhé vừa qua.
PGS.TS Lê Kế Lâm (Chủ tịch Hội khoa học kỹ thuật và kinh tế biển TP HCM): “Cơ cấu lại nền kinh tế biển”.
Tôi kỳ vọng Thủ tướng sẽ cơ cấu lại toàn bộ nền kinh tế quốc dân, trong đó có kinh tế biển. Năm 2020, kinh tế biển dự báo chiếm 53-55% GDP, nên ngay bây giờ, cần phải có bước thăm dò, điều tra lại thực trạng nền kinh tế biển để có chiến lược phát triển theo từng giai đoạn 5 năm, 10 năm, 20 năm…
Hiện nay, nền kinh tế của chúng ta có phát triển nhưng chưa bền vững (bán tài nguyên, sản phẩm thô, xuất khẩu lao động phổ thông...). Chính phủ phải có chiến lược đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao, gắn kết được phát triển kinh tế và bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ đất nước.
Tôi cũng mong Thủ tướng quyết liệt chống tham nhũng. Nếu không chống được tham nhũng thì rất khó huy động được sức mạnh của toàn dân.
Đại biểu Cao Sĩ Kiêm: "Không để lặp lại những vụ như Vinashin"
Tôi hy vọng rằng Thủ tướng sẽ điều hành Chính phủ tốt hơn, hiệu lực và tập hợp được lực lượng nhiều hơn. Đấy là hy vọng không chỉ của riêng tôi mà của tất cả cử tri và đại biểu Quốc hội trong nhiệm kỳ này.
Theo tôi, có 2 việc rất quan trọng với Thủ tướng, đầu tiên là bắt tay vào chống lạm phát vì muốn cho sản xuất ổn định, đời sống được giữ vững, tình hình phát triển bền vững thì phải giải quyết vấn đề này. Nếu không giải quyết được lạm phát thì tất cả các mục tiêu ấy sẽ rất khó khăn. Xa hơn là phải cấu trúc lại nền kinh tế, đổi mới cơ cấu, xem xét hạ tầng, nâng cao chất lượng nguồn lực và hoàn chỉnh hệ thống thể chế.
Vinashin không phải là vấn đề của riêng nó mà là của các tập đoàn ở nước ta. Việc giải quyết cũng phải rất hệ thống và cơ bản. Thứ nhất là phải xác định lại nhiệm vụ, chức năng của tập đoàn. Thứ hai là rất chú ý tới công tác nhân sự. Thứ ba là tăng cường, kiểm soát tập đoàn này. Đây là "địa chỉ" tiêu tiền nhà nước lớn nhất nhưng cũng có đóng góp, là vị trí trụ cột của đất nước. Nếu để lỏng, không kiểm soát được hoặc có những rủi ro, lực lượng này có thể làm cho kinh tế đất nước suy giảm rất nhanh.
Tá Lâm - Nguyễn Hưng - Tiến Dũng
vnexpress



Xem bài viết: Những kỳ vọng vào Thủ tướng