Tính tập trung cao là một trong những điểm nổi bật nhất trong chiến lược của DRC. Mặc dù DRC phân phối sản phẩm trên khắp cả nước nhưng miền Trung mới là khu vực kinh doanh chính của công ty này (chiếm 48,5% doanh thu). Qua từng năm, tỉ trọng này được nâng lên, cho thấy sự kiên định và bước chân vững chắc của DRC ở miền Trung. Cao su Đà Nẵng đang chiếm ưu thế ở phân khúc lốp tải nhẹ và xe đặc chủng. Hầu hết các đơn vị sản xuất và lắp ráp ôtô trong nước như ôtô Trường Hải, TMT, Hoa Mai, Chiến Thắng, Đô Thành đều sử dụng sản phẩm lốp của DRC. Đặc biệt, nhà máy của DRC gần công ty sản xuất ôtô Trường Hải nên chi phí vận chuyển cũng giảm và dễ tiếp cận khách hàng hơn. Chính vì thế, gần như 100% sản lượng sản xuất của DRC đều được tiêu thụ, bất chấp áp lực cạnh tranh từ đối thủ.

DRC đang tìm cách đẩy mạnh xuất khẩu như một cách tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do và thúc đẩy tăng trưởng. Trước mắt, săm lốp của DRC đã xuất đi 33 nước, thâm nhập cả vào những thị trường khó tính như Mỹ. Ở khu vực ASEAN, DRC đều có nhà phân phối chính thức. Năm 2015, xuất khẩu của DRC đã đạt trên 20 triệu USD, chiếm 13% doanh thu của Công ty.

Dù là doanh nghiệp chịu nhiều rủi ro về biến động giá nguyên liệu nhưng DRC lại nổi bật về khả năng quản lý chi phí. DRC hiện là đơn vị có khả năng quản lý chi phí tốt nhất trong các doanh nghiệp sản xuất săm lốp niêm yết. Nếu như tỉ lệ giá vốn trên doanh thu của các công ty trong ngành xấp xỉ 80% thì con số này của DRC chỉ ở mức 71,8%. Chi phí quản lý và bán hàng của DRC chỉ bằng một nửa so với Casumina. DRC cũng cho thấy khả năng vượt trội về quản lý hàng tồn kho. Vòng quay hàng tồn kho của DRC nhanh hơn CSMSRC cũng như càng lúc càng cải thiện qua từng năm, từ 3,03 lần năm 2014 lên 3,36 lần năm 2015.


Xem bài viết: Nhịp đập Thị trường 12/07: Giao dịch chậm rãi trở lại