Thị trường chứng khoán không phải là cờ bạc
TTCK không phải là cờ bạc, mà là kênh huy động vốn cực tốt cho DN, cho nền kinh tế và chỉ có…Nhà nước là người thắng từ trước đến giờ.
Tham vấn của ĐTCK với 40 nhân vật, là lãnh đạo CTCK, DN niêm yết, một số chuyên gia và nhà đầu tư về cảm xúc ngày sinh nhật lần thứ 11 của TTCK Việt Nam (20/7/2000 - 20/7/2011) đã cho những câu trả lời khác biệt.
TS. Lê Xuân Nghĩa ví rằng, TTCK Việt Nam 11 tuổi như "đứa trẻ sinh nằm trên cỏ; không quê hương sương gió tơi bời" (mượn lời nhà thơ Tố Hữu). Chủ tịch CTCK Kim Long (KLS) thì cảm nhận vấn đề của TTCK hôm nay nằm bên ngoài thị trường, thật khó để tự thân thị trường giải quyết được. Còn TS. Quách Mạnh Hào thì chia sẻ, TTCK đã 11 tuổi, nhưng như vẫn loay hoay với những gì cũ kỹ của thủa ban đầu.
Có người ví TTCK 11 tuổi như một đứa trẻ đang lớn, bị còi xương, đói ăn vì… lạm phát. Có người bảo, báo chí cần làm cho xã hội, nhất là tầng lớp lãnh đạo hiểu, TTCK không phải là cờ bạc, mà là kênh huy động vốn cực tốt cho DN, cho nền kinh tế và chỉ có…Nhà nước là người thắng từ trước đến giờ.
Người thì coi TTCK 11 năm như cô gái mới lớn, được nhiều người kỳ vọng, tung hô, sinh ra đỏng đảnh, khó chiều. Khi mọi người quay lưng lại thì cũng là lúc cô này đổ bệnh, xuống sắc. Lúc này cô cần phải tự điều chỉnh và cần sự chăm sóc của "cả nhà": ông bà (Bộ Tài chính); bố mẹ (UBCK) và người thân thiết (DN niêm yết, CTCK, nhà đầu tư)… Có ý kiến không chia sẻ quan điểm, chỉ cho rằng, trên thì thiếu quan tâm, dưới thì vùng vẫy, nhà đầu tư thua lỗ, muộn phiền, TTCK như thế này biết nói gì đây?...
Trong rất nhiều góc nhìn bi quan, ĐTCK đã ghi nhận được một cách nghĩ lạc quan của một nữ nhà đầu tư lớn, có danh mục tính bằng trăm tỷ đồng. Chị nói, chị rất biết ơn Nhà nước đã lập ra TTCK Việt Nam. Nhờ có thị trường mà công việc kinh doanh của chị nhẹ đi rất nhiều. Với chị, TTCK có 3 lợi thế lớn mà không một ngành kinh doanh nào có được.
Thứ nhất, đó là tính thanh khoản. Kinh doanh bất kỳ ngành nghề gì cũng không thể đầu tư/rút vốn nhanh như chứng khoán.
Thứ hai, cùng là tiền, cùng là kinh doanh, nếu so với ngành nghề cũ của chị (lắp ráp và buôn bán xe máy) thì riêng công việc quản lý công nhân đã là rất phức tạp, vất vả. Nay đầu tư chứng khoán, chị chỉ cần 2 nhân sự giúp việc kế toán, vừa đơn giản, vừa tiết kiệm hơn nhiều.
Thứ ba, đầu tư chứng khoán không sợ sự cố bất ngờ (mất cắp, cháy nổ…), vì tiền và chứng khoán khi đã nằm trong tài khoản là rất an toàn. Đó là chưa kể các CTCK toàn nhân sự trẻ, có học thức, nhà đầu tư như chị vừa được hỗ trợ tận tình, vừa được tôn trọng thực sự. Liệu ở đâu có môi trường kinh doanh tốt như thế không?
Trong mắt nhà đầu tư này, TTCK chỉ có 1 cái dở, đó là…thiếu lòng tin của nhà đầu tư. Ở Mỹ, năm 2008, TTCK từng xuống 6.000 điểm, nhưng nay cũng đã lên đến 12.000 điểm. Ở Nhật, dù trải qua đại thảm họa, TTCK vẫn có sự phục hồi. Duy chỉ có ở Việt Nam, TTCK hơi lên một chút là nhà đầu tư… chạy. Vì thế, từ mức 1.170 điểm năm 2007, VN-Index cứ liên tục đi xuống và luẩn quẩn 400 điểm, không thể đi lên. Điều mà TTCK cần làm, đó là tạo dựng lại niềm tin, làm thế nào để nhà đầu tư tin rằng nếu để tiền vào chứng khoán lâu dài, chắc chắn sẽ có lợi.
Mỗi người, ở mỗi vị trí riêng sẽ có cảm nhận riêng về TTCK. Nhưng nếu đặt nhà đầu tư là chủ thể trung tâm trên TTCK thì muốn phát triển, trước hết, cần lắng nghe nhà đầu tư nói và cần hành động vì những gì họ cần.
Phạm Oanh
đầu tư chứng khoán



Xem bài viết: Thị trường chứng khoán không phải là cờ bạc