Thế giới “chùn bước” trước giá dầu tăng

Thứ tư, 11.06.2008, 08:00am (GMT+7)


(TCK)Giá dầu tăng quá nhanh đang khiến nhiều nền kinh tế thế giới và cuộc sống của
người dân thay đổi mạnh. Có rất nhiều nguyên nhân cho tình trạng trên.





Giá dầu tăng cao trên toàn cầu khiến nhiều nền kinh tế phải tiến hành các
biện pháp khác nhau để thích nghi với điều kiện mới. Những hãng hàng không lớn
cắt giảm nhân công, giảm số chuyến bay. Một số người dân thay đổi thói quen đi
lại khi giá xăng tăng quá cao.


Cơ quan Năng lượng Quốc tế mới đây đã công bố dự đoán nhu cầu dầu của thế
giới năm nay sẽ giảm, tuy nhiên mức độ không nhiều. Cụ thể, trong bản báo cáo về
tình hình thị trường dầu thế giới, IEA dự báo lượng tiêu thụ dầu năm 2008 trung
bình sẽ khoảng 86,8 triệu thùng/ngày, giảm 70 nghìn thùng so với dự báo trước
đó. Tuy nhiên, nhu cầu dầu năm 2008 vẫn cao hơn 0,9% so với mức trung bình của
năm 2007.


Khắp nơi trên thế giới, từ Madrid cho tới Hồng Kông, căng thẳng xung quanh
vấn đề giá dầu tăng cao lên rất cao. Điều này đang ảnh hưởng lớn tới chi tiêu
tiêu dùng của người dân.


IEA đồng thời cũng lên tiếng cảnh báo về các biện pháp hỗ trợ tài chính của
nhiều chính phủ đối với giá năng lượng. Theo họ, giá dầu cao là một yếu tố cần
thiết để làm giảm bớt nhu cầu của thế giới. Như vậy yếu tố cung – cầu sẽ cân
bằng hơn. Việc trợ giá xăng dầu một phản ứng tệ nhất mà các chính phủ tiến
hành.


Giá dầu tăng cao đồng thời cũng đã gây ra căng thẳng và bất ổn chính trị tại
châu Âu. Một số chính trị gia châu Âu như tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đã gợi
ý về việc giảm thuế để trợ giá năng lượng.
Tại sao giá dầu tăng lên mức 139
USD/thùng?




Tuần qua, giá dầu thô trên thị trường Mỹ đã chinh phục đỉnh cao nhất từ trước
đến nay, khi được mua bán ở mức 139,12 USD/thùng. Giá dầu liên tục leo thang từ
mức dưới 50 USD/thùng vào đầu năm 2007 và đã tăng khoảng 40% trong năm nay, so
với mức 95,98 USD/thùng thời điểm cuối năm ngoái.


Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), sau khi điều chỉnh lạm phát, giá dầu
hiện đắt hơn rất nhiều so với đỉnh cao 101,70 USD/thùng vào tháng 4/1980, một
năm sau cuộc cách mạng Iran. Cung cầu dầu mỏ hiện nay gần như cân bằng, với nhu
cầu đứng ở mức 86 triệu thùng/ngày, gần bằng lượng cung hàng ngày.


Những yếu tố khiến giá dầu tăng cao là:
1. Đồng USD mất giá và hoạt động của các quỹ đầu tư




Sự suy yếu của các loại tài sản khác cùng với dự đoán rằng các thị trường
hàng hoá sẽ tiếp tục tăng giá đã lôi kéo các nhà đầu tư và các quỹ đầu cơ tham
gia vào thị trường dầu mỏ, theo đó tiếp tục trợ giá cho nhiên liệu này. Bên cạnh
đó, việc đồng USD giảm giá so với các đồng tiền chủ chốt khác cũng khuyến khích
các nhà đầu tư mua vào dầu mỏ, bởi đồng USD sụt giá sẽ khiến cho các hàng hoá
tính giá bằng đồng tiền này sẽ trở nên tương đối rẻ.


Ngoài ra, các nhà đầu tư và giới đầu cơ đang tìm kiếm một vũ khí phòng vệ
trước lạm phát, bởi hàng hoá đang có xu hướng đắt lên khi các tài sản khác giảm
giá.
2. OPEC




Bên cạnh cơn sốt đầu cơ và đồng USD yếu, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ
(OPEC) cũng là nguyên nhân chính đẩy giá dầu tăng cao, khi nói rằng họ đã bơm đủ
dầu để giữ cho thị trường được cân bằng. Arập Xêút, nước sản xuất dầu mỏ lớn
nhất trong OPEC, dự kiến sẽ tăng sản lượng lên gần 9,5 triệu thùng/ngày vào
tháng 6/08, từ mức 9,1 triệu thùng/ngày hồi tháng 5 vừa qua. Kể từ cuộc họp hồi
tháng 9/07, cho đến nay OPEC vẫn chưa chính thức tăng sản lượng, cũng như chưa
có kế hoạch sẽ nhóm họp chính thức cho đến tận ngày 9/9 tới.
3. Nguồn cung dầu đã tới mức tối đa?




Một số nhà phân tích đã đặt ra câu hỏi rằng liệu OPEC có khả năng sẽ tăng sản
lượng một cách đáng kể hay không. Những người bị cho là bi quan lập luận rằng
nguồn cung dầu mỏ đã chạm hoặc đang ở gần mức tối đa.


Những người lạc quan thì cho rằng vẫn còn rất nhiều dầu mỏ và việc cải tiến
công nghệ sẽ đảm bảo rằng dầu mỏ có thể tiếp tục được khai thác từ lòng đất,
nhưng một loạt các vấn đề chính trị đã cản trở sản xuất của nhiều nước sở hữu
trữ lượng dầu lớn nhất thế giới.


Sản xuất dầu của Irắc đã bị gián đoạn sau nhiều năm nước này bị cấm vận và
sau đó là chiến tranh. Các lệnh trừng phạt cũng hạn chế hoạt động khai thác của
Iran và bạo lực cũng đã làm gián đoạn nguồn cung dầu của Nigiêria.
4. Nhu cầu




Ngày càng có thêm nhiều bằng chứng cho thấy giá dầu cao đã bắt đầu làm giảm
nhu cầu, nhưng nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng mạnh của Trung Quốc và các nền
kinh tế đang nổi khác dự kiến sẽ giúp giảm bớt ảnh hưởng của bất kỳ sự sụt giảm
nào tại các nước phát triển.
5. Năng lực lọc dầu

Ngay cả khi có rất nhiều dầu thô để đáp ứng nhu cầu,
cũng không có nghĩa là có đủ nguồn cung các sản phẩm tinh chế, như dầu điêden,
xăng, do thiếu năng lực lọc dầu.



http://TinChungKhoan24h.Com