Ổn định tỷ giá: Ngân hàng Nhà nước sẽ can thiệp như thế nào?

Thứ sáu, 27.06.2008, 04:48am (GMT+7)


(TCK)Hôm nay (27/6), Ngân hàng Nhà nước chính thức triển khai các biện pháp ổn định tỷ giá, được xem là mạnh và đồng bộ.



Thay vì hỗ trợ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu muốn dùng từ “can thiệp”, mạnh hơn, để nói về sự vào cuộc lần này.


Thưa Thống đốc, vì sao Ngân hàng Nhà nước biết nhưng vẫn để biến động giá đồng USD so với VND mạnh và kéo dài thời gian qua?



Chúng ta thấy là các chính sách của Ngân hàng Nhà nước bao giờ cũng
triển khai đồng bộ với các chính sách vĩ mô khác, đặc biệt là về tỷ giá
thì bao giờ cũng phải bàn đến nhập siêu, xuất siêu…



Chính phủ đã chỉ đạo các bộ ngành liên quan làm ngày làm đêm tìm cho ra
bài toán làm sao để tạo được những động cơ, điều kiện tốt nhất cho xuất
khẩu, đồng thời xem xét trong điều kiện cho phép để giảm nhập khẩu, đi
đến kiểm soát được nhập siêu.



Cho tới cuối tuần trước, Thường trực Chính phủ mới nghe và kết luận là
bài toán đưa ra để quản lý nhập siêu tương đối khả thi, tức là khoảng
20 tỷ USD trở lại.



Thứ hai nữa là Chính phủ đang chỉ đạo ráo riết, để kiềm chế lạm phát,
là cắt giảm đầu tư công và một số dự án ở các tổng công ty nhà nước;
nhằm giảm cầu và sẽ tác động trực tiếp giảm nhập siêu…



Khi có các bài toán này rồi thì chúng tôi đề xuất bài toán tham gia ổn định thị trường ngoại hối.


Vậy bài toán của Ngân hàng Nhà nước là như thế nào?



Được phép của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước chính
thức can thiệp thị trường ngoại hối để ổn định tỷ giá theo quy định của
Ngân hàng Trung ương.



Tham gia can thiệp ở chỗ nào? Thứ nhất, chúng tôi có quyết định mở rộng
biên độ giao dịch tỷ giá của các tổ chức tín dụng lên +/-2% so với tỷ
giá bình quân liên ngân hàng.



Đi cùng với mở rộng biên độ là buộc các tổ chức tín dụng phải niêm yết,
mua – bán đúng với giá Ngân hàng Nhà nước công bố và cộng thêm biên độ
+/-2%; không được dùng đồng tiền thứ ba để tính ra tỷ giá VND với USD
gây xáo trộn và không trung thực về tỷ giá; không được thu thêm phí
liên quan…



Chúng tôi cũng sẽ tăng cường công tác thanh, kiểm tra và phối hợp với
các ngành chức năng khác để phát hiện và xử lý các trường hợp vi phạm.



Chúng tôi sẽ tập trung chấn chỉnh lại hệ thống các đại lý, các bàn thu
đổi ngoại tệ của các tổ chức tín dụng. Đến nay toàn bộ có 3.591 bàn thu
đổi ngoại tệ; riêng bàn trực tiếp của các tổ chức tín dụng là 2.291
bàn, chiếm số lớn, còn bàn của các đại lý chỉ có 1.297 bàn. Tới đây
chúng tôi sẽ ra soát lại và tất cả phải tuân theo quy định của Ngân
hàng Nhà nước, sẽ điều chỉnh một số văn bản pháp quy để quy định đẩy
đủ, toàn diện và chặt chẽ hơn.


Trong văn bản có nêu là sẽ tăng cường bán ngoại tệ hỗ trợ các ngân
hàng thương mại, nhưng tôi muốn dùng từ mạnh hơn là "can thiệp".


Thống đốc có nói tới 20 tỷ USD nhập siêu năm nay. Vậy đâu là nguồn có thể bù đắp?



Hầu hết ở các nước nhập siêu như chúng ta thì được bù đắp từ các vốn
như đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), đầu tư gián tiếp nước ngoài
(FII), các khoản tiền gửi khác như kiều hối, nguồn ngoại tệ của khách
du lịch…



Theo tính toán tất cả các số liệu đến nay thì cán cân tổng thể của nền
kinh tế Việt Nam vẫn dương, nếu như đảm bảo nhập siêu 100% dưới 20 tỷ
USD thì năm nay chúng ta vẫn thặng dư khoảng 2,5 tỷ USD.


Trong những giải pháp trên, tại sao lại nới biên độ tỷ giá và sao lại là +/-2%?



Như chúng ta đã biết, chúng ta điều hành chính sách tỷ giá linh hoạt có
kiểm soát, có một biên độ để các tổ chức tín dụng ấn định, thời gian
qua đã nâng dần lên. Theo đó, tùy thuộc các tổ chức tín dụng, với quan
hệ cung – cầu để chủ động ấn định. Việc mở biên độ là để tạo điều kiện
linh hoạt hơn cho các tổ chức tín dụng và mức +/-2% cũng đã được Chính
phủ cho phép trước đó.


Khi tỷ giá có biên độ mới, liệu thị trường còn có tình trạng hai giá hay không?



Tinh thần là các tổ chức tín dụng chỉ áp dụng một giá, còn một bộ phận
nhỏ của thị trường tự do thì chúng ta xử lý, sẽ có một lộ trình, tới
đây chúng tôi quản lý rất chặt chẽ.



Là bộ phận nhỏ nhưng giao dịch và việc chấn chỉnh trên thị trường tự do vẫn khó khăn, thưa Thống đốc?



Chúng tôi biết một số trường hợp đội lốt, dựa vào đó để làm ăn không
đúng luật; cá nhân tôi cũng chỉ điểm cho một số tổng giám đốc phải xem
lại những đại lý này. Nếu của Nhà nước mà vi phạm là rút giấy phép
ngay, không có chờ đợi gì cả.



Hệ thống ngân hàng hiện nay có một mạng lưới thu đổi rất lớn. Ví dụ
trên địa bàn Hà Nội có 941 bàn thì của các tổ chức tín dụng là 687 bàn
rồi; hay ở Tp.HCM có 1.219 bàn, của hệ thống tổ chức tín dụng là 695
bàn. Chúng ta đủ sức làm chuyện đó.



Sắp tới chúng tôi sẽ có quy định để những bàn thu đổi ngoại tệ là phải
chuyên nghiệp chứ không phải hình thức kiểu như làm thêm là không có.
Nếu anh chị đi nước ngoài thấy những bàn thu đổi đó, nhỏ thôi nhưng rất
chuyên nghiệp.


Thống đốc có thể cho biết số ngoại tệ đã được bán ra hỗ trợ trong thời gian qua không?



Đã nói là can thiệp thì chúng ta chấp nhận dùng nguồn ngoại tệ bán
thẳng vào các tổ chức tín dụng, căn cứ vào trạng thái âm và họ có nhu
cầu thì bán vào. Bây giờ là do tâm lý. Tôi xin báo cáo luôn là cán cân
tổng thể 6 tháng đầu năm của chúng ta giữa cán cân vãng lai và cán cân
vốn là bằng nhau, nhưng do yếu tố tâm lý làm cho có cảm giác thiếu hay
có vẻ mất cân đối giữa cung – cầu ngoại tệ.



Nhưng nhiều doanh nghiệp nhập khẩu vẫn gặp khó khăn khi mua USD thời gian gần đây…



Tôi tin tưởng từ ngày mai (27/6) trở đi thì các doanh nghiệp sẽ không
găm giữ USD. Nhân đây tôi cung cấp thông tin luôn, là Vietcombank hôm
nay (26/6) giá mua vào là 17.000 VND/USD, người ta bán rất đông. Thường
thì tôi nắm thông tin trực tiếp báo cáo liên tục 2 giờ một lần. Đó là
một tín hiệu đáng mừng.




http://tinchungkhoan24h.com/News/Vang-TienTe/22524/