Thị trường ngoại hối: Doanh nghiệp thiệt đơn thiệt kép

Thứ tư, 11.06.2008, 05:41am (GMT+7)


(TCK)Thị trường ngoại
hối của Việt Nam - lần đầu tiên trong vòng hơn 15 năm qua, đã chứng
kiến sự tăng đột biến của tỷ giá USD thêm 1.000 đ/USD từ 16.700 lên
17.700 đ/USD (ngày 27/5) và đạt mức kỷ lục vào ngày 6/6/2008 là 18.350
đ/USD. Giá USD tăng đột ngột đã gây sốc với nhiều doanh nghiệp, ảnh
hưởng không nhỏ tới kế hoạch chỉ tiêu lợi nhuận và đầu tư phát triển.




Vấn đề đặt ra là liệu tỷ giá USD hiện
nay trên thị trường tự do có phản ánh đúng giá trị thực giữa hai đồng
tiền, hay đây là kết quả đầu cơ thiếu thận trọng của đám đông? Nếu lấy
thời điểm 1/1/2007, khi tỷ giá USD bằng 16.080 đ/USD, là thời điểm gốc
và tạm coi tỷ giá này đúng, người ta sẽ tính được tỷ giá thực tế hiện
tại. Trên thế giới người ta dùng một chỉ số riêng đánh giá giá trị của
USD trong mối tương quan trao đổi tự do với một số loại ngoại tệ mạnh
khác, được gọi là USD Index.


Giá liên ngân hàng hợp lý!


Nhìn vào biểu đồ ta thấy USD Index từ
82,30 giảm xuống 73,12, có nghĩa USD trên thị trường tiền tệ thế giới
đã mất giá khoảng 11% trong vòng một năm. Như vậy, nếu bỏ qua yếu tố
lạm phát thì tỷ giá USD so với VND hiện nay chỉ còn ở mức 16.080:
(100%+11%) = 14.486 đ/USD (!)


Nhưng vì trong thời gian qua ở cả Mỹ và Việt Nam
đều có lạm phát, theo thuyết so sánh ngang giá sức mua, người ta đưa
thêm yếu tố lạm phát để tính lại tỷ giá thực tế. Từ tháng 1/1998 tới
tháng 4/2008, lạm phát của Mỹ tổng cộng đạt 30,1%, nếu tính từ tháng
1/2007 tới hết tháng 4/2008, tỷ lệ lạm phát của Mỹ là 6,9%. Theo số
liệu mới nhất của Tổng cục Thống kê Việt Nam thì cũng tính trong khoảng
thời gian 16 tháng từ đầu 2007 tới nay, tỷ lệ lạm phát tương ứng của ta
là 20,9%. Như vậy xét cả yếu tố lạm phát của 2 quốc gia, tỷ giá thực tế
giữa USD và VND phải khoảng là: 14.486 x (1,209 : 1,069) = 16.383
đ/USD.


Từ tính toán trên, so sánh với số liệu
ngày 4/6/08, tỷ giá danh nghĩa của VND so với USD được niêm yết tại các
Ngân hàng thương mại là 16.268 đ/USD và tỷ giá bình quân liên ngân hàng
là 16.107 đ/USD, mặc dù hơi thấp hơn, nhưng đã được định giá khá chính
xác trong khoảng + 2% so với thực tế. Tỷ giá được Chính phủ công bố là
hợp lý.


Làn sóng đầu cơ "dâng cao"


Vậy tại sao tỷ giá USD chợ đen lại có
mức cao ngất ngưởng 18.500 đ/USD? Nhận định chung đây là tác động của
đầu cơ ngoại tệ do nhiều yếu tố bất lợi, trong đó có những thông tin dự
báo khá bi quan của một số tổ chức tài chính quốc tế về tỷ lệ mất giá
của đồng Việt Nam trong ngắn hạn. Các tổ chức này có phần hữu lý vì họ
tính toán tỷ giá USD/VND "kỳ vọng" căn cứ trên sự thay đổi mặt bằng lãi
suất của các Ngân hàng thương mại dựa vào chính sách tiền tệ thắt chặt
thực hiện gần đây. Mặc dầu vậy, chúng ta vẫn nên bình tĩnh xem xét xem
số liệu các tổ chức này đưa ra có thực sự khách quan và đằng sau chúng
không hàm chứa ý đồ gì khác?


[table]









Chỉ số USD trên thị trường tiền tệ thế giới


[/table]
Nếu tỷ giá danh nghĩa hiện nay = 16.268;
giả sử tất cả các Ngân hàng thương mại đều áp dụng cùng một lãi suất
VND là 15%/năm và lãi suất USD là 7,8%/năm, để đạt được sự cân bằng
trên thị trường ngoại hối, tỷ giá USD kỳ vọng trong tương lai e (E)
phải là:


e (E) = 16.268 x (15% - 7,8% + 1) = 17.439 đ/USD.


Thấy ngay rằng tỷ giá kỳ vọng sau khi
tính toán dựa trên các mức lãi suất mới không quá cao như giá chợ đen,
nếu chúng ta thực hiện điều tiết lại mặt bằng lãi suất nội tệ và ngoại
tệ cho hợp lý hơn thì tỷ giá kỳ vọng còn có thể giảm đi nữa.


Sự biến động mạnh chưa từng có của tỷ
giá USD rõ ràng xuất phát từ một làn sóng đầu cơ ngoại tệ lớn gấp hàng
trăm lần so với các làn sóng đầu tư tư nhân trước đây, với sự tham gia
của các doanh nghiệp và các thể chế tài chính trong nước cũng như nước
ngoài căn cứ trên kỳ vọng mới của tỷ giá hối đoái mà một số tổ chức tài
chính nước ngoài nhận định. Ngoài ra, sự lo ngại thiếu ngoại tệ để
thanh toán từ thực trạng nhập siêu tăng mạnh trong 4 tháng đầu năm,
cộng với các biểu hiện bất lợi của sự tăng lãi suất và khó khăn khi đi
vay USD đã khiến nhiều doanh nghiệp phải tự cân đối ngoại tệ từ thị
trường tự do, thậm chí phải mua dự phòng trước khi có nhu cầu thanh
toán thực sự, làm cho nhu cầu USD tăng cao hơn bao giờ hết.


Cần phản ứng kịp thời!


Chính sách quản lý ngoại hối của Việt Nam
là ổn định tỷ giá USD/VND có điều tiết, cho phép tỷ giá dao động không
quá + 2% so với tỷ giá bình quân liên ngân hàng do Ngân hàng nhà nước
công bố từng thời điểm. Chính sách này không thả nổi hoàn toàn tỷ giá
nhằm giữ kinh tế ổn định nhưng cũng không quá cứng nhắc khiến các kẻ
đầu cơ có thể tấn công đồng nội tệ. Để thực hiện được điều này, Ngân
hàng nhà nước buộc phải phản ứng rất kịp thời với sự biến động trong
ngắn hạn. Chẳng hạn như sử dụng USD dự trữ bơm ra thị trường nhằm kiềm
chế tăng giá, đồng thời kiểm soát chặt chẽ việc thực hiện quy định về
các biện pháp đồng bộ khác như: thực hiện chế độ giao dịch bằng một
đồng nội tệ trên thị trường nội địa, niêm yết công khai tỷ giá giao
dịch USD/VND hàng ngày tại các tổ chức tín dụng, chỉ cho phép các pháp
nhân sử dụng nguồn ngoại tệ thông qua các tài khoản tại ngân hàng, nếu
không phải bán ngoại tệ tiền mặt lại cho ngân hàng và chứng minh được
nguồn gốc hợp pháp trước khi mua lại số ngoại tệ đó để thanh toán.


Chính sách quản lý ngoại hối của Chính
phủ chỉ phát huy hiệu lực khi thương mại mậu dịch quốc tế của ta sử
dụng USD thanh toán với tỷ giá chính thức được công bố. Nhưng từ khi có
biến động thì không ai có thể mua được USD theo đúng tỷ giá niêm yết,
thậm chí phải mua với giá cao hơn giá thị trường tự do từ 15 - 20.000
đ/USD. Nếu các doanh nghiệp tự cân đối ngoại tệ từ "chợ đen", cần thanh
toán thông qua ngân hàng thì trước hết phải bán cho ngân hàng với giá
niêm yết, sau đó mua lại số ngoại tệ của chính mình với giá bán ra cũng
theo niêm yết. Cách làm này đã và đang vi phạm quy định về quản lý
ngoại hối của Ngân hàng nhà nước, dẫn tới thiệt đơn thiệt kép cho doanh
nghiệp. Việc huy động USD thiếu kiểm soát vô hình trung làm cho thị
trường ngoại hối liên ngân hàng thông nhau với thị trường chợ đen, vô
hiệu hoá chính sách quản lý ngoại hối của Ngân hàng nhà nước. Khi các
thể chế tài chính và các doanh nghiệp cùng tham gia đầu cơ ngoại tệ thì
lại càng thúc đẩy tỷ giá USD/VND tăng cao, nghĩa là tiền Việt Nam mất
giá, các loại hàng hoá khác sẽ nhìn vào đó mà tăng giá theo, cứ như thế
tạo nên một vòng xoáy lạm phát khó ngừng.


Trước thực tế này, ngày 6/6, Thống đốc
Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Quy chế hoạt động của bàn đổi ngoại tệ
nhằm khống chế hiện tượng này nhưng giải quyết đến đâu vẫn là câu
hỏi... chờ thời gian trả lời!






Quyết định số
1216/2003/QĐ-NHNN ngày 9/10/2003 của Thống đốc Ngân hàng nhà nước về
việc ban hành Quy chế hoạt động của bàn đổi ngoại tệ, tại Khoản 1, Điều
3 của Quy chế quy định: các bàn đổi ngoại tệ chỉ được mua ngoại tệ tiền
mặt của cá nhân, không được bán ngoại tệ tiền mặt cho cá nhân (trừ các
Bàn trực tiếp, các Bàn đại lý đặt tại các khu cách ly ở các cửa khẩu
quốc tế); đồng thời, các bàn đại lý đổi ngoại tệ phải bán toàn bộ số
ngoại tệ tiền mặt đổi được cho tổ chức tín dụng ủy nhiệm theo quy định.






http://tinchungkhoan24h.com/News/Vang-TienTe/21799/