(Bài viết về chứng khoán của Anh Trương, bản gốc xem tại: http://vn.myblog.yahoo.com/anh-truong/article?mid=307)




Sau khi viết entry Nỗi buồn Chứng khoán, nhiều bạn đã comment rất thú vị. Nhiều bạn muốn tôi viết tiếp về đầu tư chứng khoán.


Ở Việt Nam, chứng khoán đã ra mắt các nhà đầu tư nhân dân như một trò chơi kiếm tiền nhanh, nhiều người đã coi chứng khoán là cơ hội đổi đời. Dân ta đã đầu tư chứng khoán theo phòng trào, giống hệt như đã từng nhà nhà đi nuôi chim cút, nuôi *** nhật, ... rồi gần đây hàng trăm ngàn người trở thành nạn nhân của các ngón lừa đảo đầu tư vàng, ngoại tệ trên mạng.


Thông thường, người ta trở nên cả tin, trở nên nhẹ dạ hơn bao giờ hết khi bị lòng tham chi phối. Mọi người đều kỳ vọng vào những mức lợi nhuận mà không một ngành sản xuất kinh doanh tử tế nào có thể đáp ứng nổi. Tôi luôn nói với mọi người là bất kỳ hoạt động đầu tư nào hứa hẹn đem lại trên 5% mỗi tháng đều chứa đựng những nguy cơ, mạo hiểm tiềm tàng hoặc yếu tố lừa đảo.


Trở lại sàn chứng khoán Việt Nam, có những giai đoạn, chỉ số PE của các công ty niêm yết lên tới 70 - 80 mà các nhà đầu tư vẫn mua ào ào. Mọi người ôm chứng khoán vào với niềm tin là sau vài phiên (T + 3) có thể bán được và thu về 15 - 20% lợi nhuận. Chứng khoán bỗng nhiên có tính thanh khoản như tiền và người mua coi đây như một hình thức "gửi tiết kiệm" với lãi suất hàng chục phần trăm mỗi tuần.


Khi đã coi chứng khoán như tiền, không ai quan tâm đến giá trị thật của chứng khoán nữa mà chỉ quan tâm xem chứng khoán này ngày mai có "cởi trần" (tăng giá trần) hay không mà thôi. Ai cũng nghĩ mình là người khôn ngoan nhất, mình sẽ là người rút chân được ra đầu tiên trước khi cơn hồng thủy ập tới.


Các công ty niêm yết với số thăng dự vốn khổng lồ lại tiếp tục đổ hết vào quanh vòng chứng khoán. Ai cũng khấp khởi với lợi nhuận tăng nhanh hàng tuần. Có những công ty tự hào ôm được lượng chứng khoán rẻ tuyên bố "muốn có mức lợi nhuận bao nhiêu cũng được, chỉ cần thanh khoản danh mục đầu tư".


Các công ty đua nhau trình ra những bản báo cáo tài chính với chỉ số EPS cao ngất ngưởng. Các nhà đầu tư thì choáng váng, mờ mắt không phân biệt được đâu là lợi nhuận từ hoạt động sản xuất kinh doanh truyền thống, đâu là lợi nhuận từ đầu tư tài chính. Đối với một công ty tay ngang, lợi nhuận từ đầu tư tài chính chỉ đáng giá bằng một phần mười lợi nhuận sản xuất kinh doanh truyền thống. Lợi nhuận từ đầu tư tài chính rất mong manh, hôm nay có thể kiếm được hàng tỷ nhưng không có gì bảo đảm là ngày mai còn kiếm được như vậy, chưa kể còn có thể lỗ gấp nhiều lần những gì kiếm được ngày hôm nay.


Nhiều công ty thuộc hàng blue chip trên sàn chứng khoán đã liên kết với nhau chơi trò chơi cổ đông chiến lược. Công ty A bán cho Ngân hàng B 10% cổ phần, Ngân hàng B bán cho Công ty C 10% cổ phần rồi Công ty C lại bán cho Công ty A 10% cổ phần. Cả 3 công ty là những nhà đầu tư chiến lược của nhau. Hàng Quý, các công ty lần lượt bán ra cổ phần đã "đầu tư chiến lược" ra và kê khai các khoản lợi nhuận ảo khổng lồ. Với cùng một đồng tiền, qua vòng quay chứng khoán, nó được nhân lên hàng chục lần. Ai cũng đếm đống giấy chứng nhận cổ phần trong tay với tiền triệu.


Câu chuyện này tương tự như có hai anh nông dân, một anh gánh khoai, một anh gánh ngô ra chợ. Đến nơi, chợ vắng chỉ có hai người. Anh bán khoai có một đồng tiền, đến trưa, buồn miệng mua đồng ngô ăn chơi. Rồi đến anh bán ngô mua lại một đồng khoai ăn cho đỡ đói lòng. Đến chiều, cả hai anh đã mua bán hết ngô khoai và ra về vẫn với một đồng tiền.


Lúc đầu, các Quỹ đầu tư nước ngoài khi tham gia thị trường Việt Nam rất dè dặt. Nhưng rồi, khi thấy các lý thuyết đầu tư bài bàn không đúng ở thị trường Việt Nam khi người người xông vào thị trường, nhiều Quỹ cũng chuyển sang phương thức đầu tư chụp giật. Cả thị trường gồm nhà đầu tư có tổ chức lẫn nhà đầu tư cá nhân nhân đều mua tranh bán cướp.


Do lợi nhuận quá cao, do niềm tin chứng khoán tiếp tục tăng giá, do lòng tham, nhiều nhà đầu tư đã áp dụng công thức repo chứng khoán xoay vòng để lấy tiến mua tiếp chứng khoán rồi lại đem chứng khoán mới mua repo tiếp. Vòng xoay này cuốn theo hàng chục ngàn tỷ đồng của các nhà băng vào thị trường chứng khoán. Chỗi repo này sẽ trở thành gánh nặng ngàn cân đối với cả nhà đầu tư lẫn ngân hàng khi thị trường có dấu hiệu chững lại.


Thị trường chứng khoán nóng quá tác động tiêu cực đến cả nền kinh tế. Khi mà ai cũng nhìn thị trường chứng khoán như mỏ vàng lộ thiên thì không ai còn an phận tiếp tục công việc truyền thống của mình nữa. Trong thời gian ngắn, hàng trăm công ty chứng khoán được xin và cấp phép đã nói lên sự khát khao của các nhà đầu tư. Các chỉ số chứng khoán đều ở mức báo động khi nhà đầu tư mù quáng đổ tiền lên sàn.


Và cuối cùng, Chính phủ đã ra tay hòng giảm nhiệt cơn sốt chứng khoán mà báo chí gọi là ngăn chặn quả bong bóng sắp nổ. Cần phải nhìn nhận một cách tỉnh táo thị trường chứng khoán là một thực thể hết sức nhạy cảm được xây dựng trên cơ sở niềm tin. Kim tự tháp lòng tin vô cùng mong manh dễ vỡ. Các tác động đến thị trường chứng khoán mà làm suy giảm lòng tin của nhà đầu tư sẽ lập tức dẫn tới cuộc tháo chạy hỗn loạn mà hậu quả không thể lường được.


Tôi rất tâm đắc câu nói: một nửa cái bánh mỳ vẫn là một nửa cái bánh mỳ, nhưng một nửa niềm tin thì không còn là niềm tin nữa. Niềm tin là một thể toàn vẹn mà chỉ cần sứt một mẩu nhỏ thì toàn bộ những gì được xây dựng trên cơ sở niềm tin đều sụp đổ.


Trong vài tháng, Nhà nước đã đưa ra một loạt các biện pháp giảm nhiệt thị trường giống một thầy thuốc kế cho bệnh nhân những đơn thuộc loại đặc trị rất nặng mà không tính tới thể chất của con bệnh. Các đơn thuộc này đều tập trung vào việc giảm lượng tiền lưu thông trên thị trường, siết chặt dòng tiền chảy vào chứng khoán, siết chặt cho tín dụng đối với những thị trường liên thông với chứng khoán như bất động sản, ngoại hối.


Chúng ta quên mất một điều là con bệnh đang quen được uống nước nhiều, việc đóng vòi nước một cách cấp tập khiến cho con bệnh bị sốc phản vệ.


Nhìn vào cách điều trị bệnh của chúng ta và của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ thấy các biện pháp hoàn toàn trái ngược nhau. FED liên tục giảm lãi suất nhằm lùa tiền ra ngoài thị trường, khuyến khích người dân đầu tư, chi tiêu thay vì gửi tiền ở ngân hàng. lãi suất của FED giảm đến mức thấp nhất trong vòng 4 năm gần đây.


Bên cạnh đó, Chính phủ Mỹ đệ trình chính sách ưu đãi thuế nhằm tăng cường tiêu dùng và bơm một lượng tiền mặt cực lớn ra để cứu thị trường. Họ ý thức rõ là nếu để xảy rất bất kỳ một ngưng trệ nào trong vòng quay của thị trường tiền tệ sẽ ảnh hưởng một cách tiêu cực đến toàn bộ các ngành sản xuất thương mại và gây ra đổ vỡ dây chuyền. Các tập đoàn tài chính Mỹ và Tây Âu đã kê khai những khoản lỗ kỷ lục nhưng với sự trợ giúp của Chính phủ, không thấy ngân hàng nào mất khả năng thanh toán và cũng chưa có ai phá sản.


Ở Việt Nam, các biện pháp cấp tập như khống chế tỷ lệ cho vay chứng khoán (28.05.2007), tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc (16.01.2008), phát hành tín phiếu bắt buộc (16.02.2008), giãn tiến độ mua ngoại tệ của các nhà đầu tư nước ngoài (Q1.2008), rút tiền ngân sách của Kho Bạc Nhà nước gửi ở các ngân hàng thương mại (Q1.2008), ... đã cắt hẳn nguồn cung tiền cho thị trường chứng khoán.


Hầu hết các tổ chức tín dụng phải chạy đua cật lực để đảm bảo tỷ lệ cho vay chứng khoán, chạy đua gom tiền mua tín phiếu bắt buộc, ... Các ngân hàng ở vào tình trạng khan tiền hơn bao giờ hết. Mất nguồn cung tiền, quả bong bóng chứng khoán đã nổ tung.


Ngay sau tết âm lịch, chỉ trong vòng 1 tuần, các cổ phiếu chủ chốt đã mất giá trên 20% khiến các nhà đầu tư hoảng loạn. Sự hoảng loạn bao trùm lên cả nhà đầu tư có tổ chức lẫn nhà đầu tư cá nhân. Ai cũng cố đẩy cổ phiếu của mình ra sàn và khi ai cũng muốn bán thì hẳn không ai muốn mua. Không ai kịp có phản ứng tích cực. Hàng chục ngàn tỷ đồng bộc hơi theo VnIndex.


Khi chứng khoán rớt giá cỡ 30% thì lập tức tác động mạnh đến những cổ phiếu đang được repo ở ngân hàng. Xuống dưới giới hạn cho phép, các ngân hàng buộc con nợ hoặc đắp thêm tài sản hoặc phải bán cổ phiếu. Chứng khoán cứ xuống một vài điểm thì càng có thêm nhiều cổ phiếu đang thế chấp phải bán ra. Các cổ phiếu nào trước đây có tính thanh khoản cao, giá trị cao, được thế chấp nhiều thì càng bị áp lực lớn.


Chuỗi repo đổ sụp khi các con nợ không còn giải pháp nào ngoài việc để ngân hàng cưỡng bức bán cổ phiếu. Giống như quả bóng tuyết, càng lăn thì quả bóng càng to và các ngân hàng trở thành những "nhà đầu tư bất đắc dĩ" lớn nhất.


Các ngân hàng có cho vay chứng khoán đều thiệt hại lớn vì không thể thu hồi nợ khi chứng khoán mất giá. Họ càng ép các con nợ thì áp lực xả chứng khoán lên sàn càng lớn, giá càng xuống thấp thì càng nhiều cổ phiếu xả ra. Trong sự hỗn loạn đó, chứng khoán như đồ bỏ, không còn khái niệm giá trị nội tại, PE, EPS, ... Chỉ còn một áp lực là phải có tiền.


Tổn thất của ngân hàng dẫn đến ảnh hưởng nặng nề khả năng thanh toán. Các ngân hàng buộc phải huy động vốn bằng mọi giá dẫn đến cuộc đua lãi suất huy động. Trong vòng 4 tháng, lãi suất huy động đã tăng từ 0.7%/tháng lên 1.2%/tháng. Mặc dù Ngân hàng Nhà nước khống chế trần lãi suất huy động là 12%/năm nhưng lệnh này chỉ tác động đến người gửi tiền nhỏ lẻ. Đối với các khoản tiền gửi lớn, khách hàng đều yêu cầu ngân hàng lập hợp đồng tín dụng riêng rẽ với mức lãi suất 14% - 15%/năm.


lãi suất đầu vào tăng khiến các ngân hàng xiết chặt đầu ra. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ, có độ tín nhiệm thấp đều không còn khả năng vay được tiền từ ngân hàng. Còn các doanh nghiệp lớn nếu muốn vay thì lãi suất lên đến 18 - 22%/năm. Trong nhiều giai đoạn, các ngân hàng chỉ đem tiền cho nhau vay trên thị trường liên ngân hàng với lãi suất tới 30%/năm.


Dòng tiền giờ đây không chảy vào sản xuất, không chảy vào đầu tư mà chỉ chảy vòng quanh các ngân hàng. Khi lãi suất lên tới hàng chục phần trăm, không ai còn muốn đầu tư tiền vào những nơi rủi ro nhưng chứng khoán, thậm chí cùng không còn muốn đầu tư vào sản xuất kinh doanh.
Khẩu hiệu "Cash is King - Tiền là Vua" có nghĩa hơn bao giờ hết, và mọi người chỉ muốn gửi vua vào ngân hàng. Khi dòng tiền không hỗ trợ sản xuất kinh doanh, nhiều ngành nghề có mức sinh lời thấp sẽ ngưng trệ dẫn đến phản ứng dây chuyền tiêu cực cho nền kinh tế.


Tác động kép của thị trường chứng khoán, thị trường tiền tệ làm bức tranh kinh tế Việt Nam 2008 rất xấu. Nếu Chính phủ không có những biện pháp hợp lý thì hậu quả rất khó dự đoán.
Hàng ngày, nhìn trên website của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, các công ty niêm yết cứ khất lần việc công bố báo cáo tài chính Quý 1 với nhiều lý do như "bị virus máy tính", "bận tham gia hội chợ", "nhiều sổ sách phải tổng hợp", ... cùng hàng loạt những bản giải trình kết quả kinh doanh là có thể hiểu được phần nào sức khỏe của các công ty.


Khi siết chặt chứng khoán, nhiều người đặt ra tiền đề hy sinh chứng khoán để cứu lạm phát vì lạm phát ảnh hưởng đến cuộc sống của mấy chục triệu người còn chứng khoán chỉ có 300 ngàn tài khoản. Nhưng 300 ngàn tài khoản đấy liên quan đến gần 50% GDP là không thể xem nhẹ.


Chứng khoán, tiền tệ, bất động sản là những thị trường liên thông với nhau. Khi chứng khoán gục ngã, bất động sản đóng băng thì tiền tệ lên cơn sốt. Liệu nền kinh tế sẽ chịu đựng thế nào thì mạch máu tiền tệ cứ tiếp tục sôi?