Nhà đầu tư, nhà nghiên cứu thị trường
Nguyễn Hải Sơn





Kính gửi UBCK nhà nước.
Kính gửi các báo, đài, cơ quan truyền thông liên quan đến TTCK VN.

Tôi là một nhà đầu tư, một nhà nghiên cứu về thị trường CK trong nhiều năm. Tôi rất trăn trở tìm giải pháp cứu thị trường chứng khoán khỏi tình trạng hoảng loạn hiện nay và giúp thị trường phát triển ổn định, bền vững và thực chất hơn. Và tôi biết, đó cũng là những trăn trở và quyết tâm của CP, Bộ tài chính, UBCK và cả NHNN hiện nay.

Tôi chia sẻ với những khó khăn trong việc điều hành thị trường hiện nay của UBCK cũng như của chính phủ. Và liên tục những cuộc họp khẩn các cấp cùng với sự ra đời các chỉ thị, nghị quyết, văn bản nọ kia nhằm cứu thị trường chứng khoán trong vài tháng gần đây cũng cho thấy sự quan tâm và lo ngại sâu sắc của các cấp đối với sự phát triển của thị trường chứng khoán.

Nhưng dưới con mắt của một nhà nghiên cứu về thị trường chứng khoán, một thể hiện cao cấp nhất của nền kinh tế thị trường thì những mệnh lệnh, chỉ thị mang tính hành chính của chúng ta có nhiều yếu tố phản thị trường, và các hiệu ứng phụ của nó đối với sự phát triển của thị trường là không hề ít.

Trước hết tôi muốn phân tích những hạn chế của các phương án giải cứu thị trường mà chúng ta vừa đưa ra:

- Thứ nhất: Việc chỉ thị cho các NHTM và kêu gọi các NHTMCP tạm ngừng bán tháo cổ phiếu thế chấp là một giải pháp tạm thời, mang nặng tính hành chính. Việc giải chấp cổ phiếu là việc không thể không làm khi hết thời hạn hợp đồng thế chấp, repo mà các NĐT không thanh toán tiền cho ngân hàng. Do đó cho dù lúc thị trường có lên đến 600 hay 800 điểm mà chúng ta thả cửa cho các NH giải chấp thì chắc chắn thị trường sẽ lại lao dốc, khi đó thậm chí còn nguy hiểm hơn bây giờ - chút lòng tin cuối cùng bị lấy nốt, thị trường sẽ thực sự chết.

- Thứ hai: Việc kéo SCIC và hỗ trợ thị trường là một ý tưởng hay nhằm khẳng định chính phủ luôn ủng hộ TTCK, giúp khôi phục niềm tin của NĐT. Tuy nhiên giải pháp này có một số nhược điểm: Một là, hiện cơ chế để SCIC tham gia thị trường CK chưa có, do đó sẽ hạn chế rất nhiều trong hoạt động của SCIC. Hai là, việc tung tiền ngân sách ra để cứu thị trường gặp nhiều bất bình trong dư luận, khi đất nước còn rất nhiều việc phải giải quyết như lạm phát, đầu tư các công trình trọng điểm, thiên tai - dịch bệnh.... Ba là, SCIC mua vào thì ắt sẽ có lúc phải bán ra để thu hồi vốn, nếu không khéo sẽ gây một hiệu ứng xấu cho thị trường. Và bốn là, khi SCIC tham gia thị trường không vì mục tiêu kinh doanh mà chỉ mục tiêu cứu thị trường thì sẽ làm méo mó tính chất của thị trường chứng khoán - một thị trường cấp cao nhất trong nền kinh tế thị trường vốn được điều khiển bằng quy luật cung - cầu.

- Thứ ba: Việc hạn chế biên độ giao dịch 1% đối với sàn HO và 2% đối với sàn HA là một ý tưởng tốt nhằm thay thế việc đóng cửa trong lúc thị trường hoảng loạn giúp nhà đầu tư lấy lại bình tĩnh. Nhưng nếu cân nguyên của việc làm thị trường lao dốc không được xử lý tận gốc thì giải pháp này chỉ làm kéo dài thêm thời gian đau đớn của thị trường mà thôi. Thậm chí tính thanh khoản của thị trường bị triệt tiêu.

Trong phạm vi bức thư này, tôi muốn đề xuất một giải pháp rất đơn giản, rất thị trường và chắc chắn cứu được thị trường mà không làm tổn hại đến bất kỳ bên tham gia thị trường nào, không cần sự can thiệp bằng ngân sách của SCIC đó là:

Thay vì đặt biên độ 1% cho HO, 2% cho HA tôi nghĩ bỏ biên độ, bỏ phiên khớp lệnh định kỳ bên HO, thực hiện giao dịch khớp lệnh liên tục trong suốt phiên trên cả hai sàn Hà nội và HCM với giá mua bán không hạn chế trần - sàn (cái này giống như cổ phiếu chào sàn bên sàn Hà Nội).

Cùng với việc này duy trì giá tham chiếu của tất cả các cổ phiếu và VN-Index, HASTC-Index trong các phiên không đổi - tương ứng với giá trị của phiên đầu tiên áp dụng phương pháp này. Việc áp dụng phương án giao dịch không biên độ này được áp dụng cho đến khi thị trường có xu hướng phát triển ổn định, bền vững thì quay trở lại áp dụng phương án hiện hành để mọi việc trở lại bình thường.

Tất nhiên trong quá trình áp dụng việc giao dịch không biên độ này thì chúng ta không cần thiết phải hạn chế các Công ty chứng khoán, các ngân hàng giải chấp các cổ phiếu cầm cố.

Nói về phương án này, ta có thể khẳng định:

Thứ nhất, nói về luật giao dịch chứng khoán, nó không hề vi phạm bất kỳluật nào, có chăng là ta thay đổi quy ước về giao dịch.

Thứ hai, chúng ta không sử dụng những mệnh lệnh hành chính hay sử dụng tiền ngân sách tham gia vào thị trường - điều dễ nhận được chỉ trích từ nhiều phía. Đây là sự vận hành đúng theo cơ chế thị trường.

Và những lợi ích đối với thị trường:

- Nguyên nhân trực tiếp gây nên sự lao dốc của thị trường hiện nay có thể quy kết là do các ngân hàng và công ty chứng khoán giải chấp cổ phiếu cầm cố, họ bán ồ ạt cổ phiếu với số lượng lớn ở mức giá sàn. Lượng cung lớn, nhà đầu tư nhỏ hoảng loạn bị cuốn theo, trong khi các quỹ nhìn thấy xu thế xuống giá còn kéo dài nên chưa giải ngân và thị trường lao dốc. Khi áp dụng phương án này, các ngân hàng và cty chứng khoán sẽ vẫn bán tháo cổ phiếu, nhưng họ sẽ bán với giá thấp nhất là bằng giá cầm cố cộng với lãi suất. Khi đó các quỹ và NĐT cá nhân sẽ biết được đâu là giá rẻ nhất của mỗi Cổ phiếu, và chắc chắn họ không việc gì phải chờ đợi nữa, mà sẽ giải ngân hấp thụ hết số cổ phiếu giải chấp.

- Đối với nhà đầu tư, việc giữ nguyên VN-Index và giá tham chiếu của cổ phiếu trong nhiều phiên có tác dụng tâm lý rất tốt, giúp họ có cảm giác tài khoản không bị hao hụt sau mỗi ngày, tâm lý trở nên bình tĩnh hơn.

- Và chắc chắn sau một số phiên giao dịch thị trường sẽ trở nên ổn định và có xu hướng đi lên vì khi đó cổ phiếu đã nằm trong tay của các tổ chức và cá nhân có niềm tin vào thị trường.

Một số ý kiến rất tâm huyết mong được gửi đến những người có chức trách, nhằm góp phần đưa thị trường chứng khoán phát triển lành mạnh và bền vững hơn.

Nhà đầu tư, nhà nghiên cứu thị trường
Nguyễn Hải Sơn
ĐC: Hà nội
Tel 0983055516