Ngân hàng giảm lãi, nhiều công ty chứng khoán lỗ…

Thứ ba, 01.04.2008, 07:23am (GMT+7)


Cổ phiếu ngân hàng (NH) và công ty chứng khoán (CTCK)
sụt giảm mạnh trong những tháng qua, không chỉ vì thị trường chứng
khoán (TTCK) xuống dốc, mà còn do nhà đầu tư (NĐT) đã thấy trước một
năm đầy khó khăn đối với hai ngành này.



[table]





Ngân hàng và các công ty chứng khoán không còn giữ được lợi nhuận như trước đây Ảnh: Phạm Yên
[/table]
Ngân hàng khó khăn


Nhà phân tích chứng khoán Thiệu Quang Thắng nhận định,
khi Chính phủ thi hành chính sách siết chặt thị trường tiền tệ để chống
lạm phát, thì NH và CTCK là những nơi bị tác động mạnh nhất.


Tốc độ tăng trưởng tín dụng “bị” khống chế dưới 30%
trong năm 2008, trong bối cảnh đang diễn ra “cơn khát” tiền đồng, đã
buộc nhiều NH phải cắt giảm mức lợi nhuận mà họ vừa đặt ra hồi đầu năm.



Không chỉ những NH lớn như ACB với lợi nhuận dự kiến
2008, từ 2.800 tỷ xuống 2.500 tỷ, Sacombank từ 2500 tỷ xuống 2.000 tỷ,
Eximbank từ 1.500 xuống 1.300 tỷ, mà nhiều NH cỡ vừa như NH An Bình
cũng hạ từ 555 xuống 500 tỷ…


Tổng GĐ NH ACB Lý Xuân Hải thừa nhận “tuy hạ lợi nhuận
dự kiến năm năm 2008 xuống còn 2.500 tỷ, nhưng vẫn cao hơn năm 2007 tới
500 tỷ, trong khi mọi thứ như huy động vốn, cho vay hay kinh doanh
chứng khoán, cho vay bất động sản, chứng khoán… đều khó khăn hơn năm
2007 rất nhiều”.


Tổng GĐ NH Đông Á Trần Phương Bình cũng cho rằng lợi
nhuận của NH này năm nay đặt ra chỉ tiêu 800 tỷ ( cao hơn 76% so với
2007) là một thách thức rất lớn cho Ban GĐ NH này.


Tuy đã giảm chỉ tiêu lợi nhuận xuống nhưng các NH đều
lo ngại không đạt được vì có quá nhiều khó khăn. Trong các cuộc họp của
Hiệp hội NH (VNBA) gần đây, các thành viên đều khẳng định NH nào có lợi
nhuận như dự kiến đặt ra vào cuối năm 2007, hay vượt năm ngoái thì sẽ
là “kỳ tích”.


Hiện nay, nhiều NH quá trông chờ vào huy động vốn rồi
cho vay, kinh doanh chứng khoán, đầu tư vào bất động sản dưới nhiều
hình thức, nên khi cả 3 hoạt động này sụt giảm thì không khỏi “tiến
thoái lưỡng nan”. Có NH thu lợi nhuận từ 3 mảng trên chiếm đến 85% lợi
nhuận, và trong tháng 3/2008 lợi nhuận chỉ còn bằng 40-50% so với trung
bình các tháng trong năm 2007.


Công ty chứng khoán giảm “bầu sữa”


Tự doanh và môi giới là “nguồn sống” chính của các
CTCK trong thời gian qua, lại đang là “ác mộng” của họ hiện nay. Trong
khi các CTCK tên tuổi như SSI, BVS, ACBS, VCBS… “chới với” vì giá cổ
phiếu xuống quá nhanh, làm hoạt động tự doanh mất dần vai trò “bầu sữa”
chính đem lại lợi nhuận, thì các CTCK mới lại mất dần nguồn thu từ phí
môi giới.


Phó Tổng GĐ phụ trách mảng tự doanh của một CTCK cho
hay, nhiều loại cổ phiếu công ty ông nắm giữ chỉ còn 40-50% so với 4, 5
tháng trước, mà vẫn không bán được do thị trường giảm và UBCKNN đề nghị
các CTCK hoãn bán chứng khoán tự doanh.


Ông Nguyễn Ngọc Trường Chính, Phó Tổng GĐ CTCK Đông Dương nói:


“Chúng tôi đã miễn phí giao dịch kể từ ngày 1/3 đến
hết tháng 5/2008, cho những nhà đầu tư đến mở tài khoản mới; nhà đầu tư
cũ được giảm phí giao dịch xuống còn 0,02%, dù các CTCK vẫn phải đóng
phí cho Sở GDCK TPHCM (HOSE) ở mức 0,05%.


Chưa kể do biên độ giảm thì phí môi giới giảm và còn không đáng kể, DDS như phải tự bỏ thêm tiền túi để trả phí cho HOSE”.


Trong số hơn 350.000 tài khoản mở để kinh doanh chứng
khoán, thì có hơn 200.000 được SSI, VCBS, BVS, ACBS, SBS quản lý, còn
lại “chia đều cho” gần 90 CTCK khác! Chưa kể chỉ có khoảng 200.000 giao
dịch thường xuyên trong thời gian qua với giá trị ngày càng giảm.


Trong khi đó, chi phí hoạt động của các CTCK ngày càng
cao do mặt bằng thuê tăng giá, lương tăng, trang thiết bị ngày càng đòi
hỏi đầu tư hiện đại hơn, nhiều hình thức khuyến mãi…, mà thực tế nhiều
CTCK mới chỉ trông chờ chủ yếu vào phí môi giới.


GĐ một CTCK tính “để hoạt động, công ty tôi phải chi
khoảng 400 triệu/tháng. Nếu trông chờ vào phí môi giới như hiện nay thì
phải bù lỗ khoảng 200 triệu.


Dưới 6 tháng thì không sao, nhưng kéo dài sẽ rất khó
khăn, chưa kể không biết giải trình với cổ đông ra sao”. Nhiều CTCK mở
lối thoát bằng cách mở đại lý ở tỉnh, nhưng trong tình hình hiện nay
thì nhiều đại lý đang là gánh nặng với khoản lỗ 50-70 triệu/tháng.


Ông Trần Đắc Sinh, Tổng GĐ HOSE nói: “Hiện đã bắt đầu
có những công ty chứng khoán đang tự rao bán hoặc kêu gọi các công ty
khác sáp nhập”. NH Mỹ Morgan Stanley đã mua lại gần 49% cổ phần của
Công ty chứng khoán Hướng Việt để thành lập liên doanh Morgan Stanley
Hướng Việt.


Công ty chứng khoán Âu Lạc Việt Nam cũng đã được
UBCKNN cho phép bán 4,9 triệu cổ phần, tương đương với 49% vốn điều lệ
cho Công ty Technology CX hay REE gác kế hoạch lập CTCK…đang là những
ví dụ sinh động nhất.


Theo nhiều CTCK thì con số gần 100 CTCK hiện là quá
nhiều so với TTCK VN, ngay cả nhiều TTCK lớn cũng chỉ cần dưới 20 CTCK
và “khoảng 15 CTCK là đủ cho TTCK VN” như nhận xét của ông Dominic
Scriven, Tổng GĐ Dragon Capital.