TTCK và bất động sản: Quá tầm quản lý?


VN-Index tăng vọt trong phiên 6/3, ngay sau khi Bộ Tài chính, UBCKNN và các cơ quan liên quan ra tay "cứu" TTCK đã làm nhiều nhà đầu tư hỉ hả vì dẫu sao lời khẩn cầu của họ mấy ngày qua đã bước đầu có hiệu quả. Giới kinh doanh bất động sản (BĐS) cũng chờ một tín hiệu tích cực tương tự sau hàng loạt tiếng kêu cứu thống thiết.


Trong khi đó,
còn hàng chục triệu dân thì đang lo lắng chưa biết khi nào cơn bão giá
sẽ thôi hoành hành và lạm phát ngừng nhảy qua hai chữ số. Những hình ảnh trái ngược này một lần nữa lại bộc lộ những trái khoáy của “dự báo kém chứ không sai lầm”…


Không chỉ các cơ quan quản lý mà ngay cả dư luận thời gian qua cũng phân vân, tranh cãi giữa hai lựa chọn: cứu hay không cứu chứng khoán, BĐS? Ý kiến để mặc chứng khoán, BĐS cho thị trường quyết định và Nhà nước không nên bơm tiền vào vì còn quá nhiều người nghèo cần phải giúp đỡ, “phản biện” khác thì dẫn chứng những cuộc khủng hoảng kinh tế trên thế giới vì TTCK sụt giảm, địa ốc đóng băng để cảnh báo phải cứu TTCK.


Nhưng có một điều mà cả hai luồng ý kiến này cùng thừa nhận là quản lý và điều hành TTCK, BĐS dường như đang quá tầm hoặc năng lực, trách nhiệm và động cơ của nơi điều hành có vấn đề. Lại càng không thể có chuyện dự báo sai mà chẳng gây ra sai lầm. Đây cũng là những bức xúc “lan” sang cả thị trường bất động sản và lộ ra gót chân “Asin” của nhiều ngân hàng.


Gần đây, nhóm chuyên gia ĐH Harvard đã có báo cáo lên Chính phủ, tuy còn nhiều điều phải mổ xẻ và tranh luận nhưng cách đặt vấn đề vì sao cũng chịu ảnh hưởng của giá dầu, kinh tế, chính trị thế giới mà VN lại lạm phát cao hơn các nước trong khu vực là điều cần phải suy ngẫm đến nơi đến chốn. Và câu hỏi có hay không việc Bộ Tài Chính, NHNN, Bộ Kế hoạch - Đầu tư phối hợp kém, thậm chí “trống đánh xuôi kèn thổi ngược” trong điều hành vĩ mô, giảm thiểu lạm phát cũng nên được mổ xẻ thỏa đáng.


Gần 8 năm ra đời,
TTCK VN đã nhiều lần trồi sụt và trong 10 năm qua BĐS nóng lạnh hàng
chục cơn và các nhà hoạch định chính sách phải có nhiều bài học rút ra
từ đó. Điều căn bản nhất là rủi ro và yếu tố cung cầu thì không thể đổ lỗi cho phát triển quá nóng, bị thao túng.


Hơn nữa lịch sử hàng trăm năm của TTCK, BĐS thế giới phải được tham khảo để không xảy ra đợt khủng hoảng hay sốt trầm trọng như mấy tháng qua. Thị trường BĐS không quá khó để điều chỉnh nhưng điệp khúc chờ, đang nghiên cứu cùng biện hộ “hoàn cảnh mỗi nước một khác” luôn được đưa ra làm “lá chắn”. “Mình làm mình chịu kêu mà ai thương”, rõ ràng thua lỗ thê thảm của nhà đầu tư, giá địa ốc đang xuống dốc, UBCKNN và Bộ Tài chính bị chỉ trích vì điều hành kém chủ yếu do yếu tố chủ quan.


Chứng khoán tuy giảm giá nhưng doanh nghiệp niêm yết vẫn làm ăn tốt, nhà đất đóng băng nhưng hàng chục triệu dân vẫn mơ ước căn nhà riêng thì những lời kêu cứu của giới đầu tư BĐS, chứng khoán cần phải suy xét trên nhiều góc cạnh.


Các chuyên gia trong, ngoài nước,
báo chí đã nhiều lần lên tiếng và đưa ra những kế sách cụ thể để cơ
quan điều hành nhận thấy và điều chỉnh thị trường từ giữa năm 2006, nhưng lúc quá chặt tay khi lại nới lỏng quá mức cần thiết đã khiến TTCK "đổ bệnh". Một chuyên gia kinh tế đã nói thẳng: “tôi không tin là cơ quan quản lý không biết, không nghe và không thấy. Ai đó sẽ bị thiệt nếu chính sách đúng thực thi nhanh, công bằng và minh bạch”.


Lẽ ra khi ngân hàng đua nhau ra đời và bán cổ phần, các tập đoàn, công ty lớn thi nhau lập công ty chứng khoán, chú trọng đầu tư tài chính hơn là kinh doanh sản xuất thì phải “điều chỉnh van” thay vì gật đầu với đại đa số. Sướng tai và vui mắt trước những con số tăng trưởng vượt bậc, tỷ lệ lợi nhuận vượt xa mơ ước, vốn “nở bung nồi”… đã làm quên đi thực tế đồng tiền phần lớn chạy lòng vòng trong cổ phiếu và bất động sản. Nguy cơ càng được ru ngủ khi những người “biết” giàu nhanh chưa từng có và những người “biết” sơ sơ hoặc chưa “biết” được vẽ cho viễn cảnh tỷ phú.


“Đồng thanh” với TTCK, BĐS, hệ thống ngân hàng đã lộ ra căn bệnh nặng “bóc ngắn cắn dài” khi huy động vốn 1-3 năm để phóng tay cho vay BĐS 20-30 năm là dẫn chứng dễ nhìn nhất . Họ giật mình khi NHNN (hay “giả vờ” giật mình vì lý do nào đó) đưa ra kế hoạch thu về 20.300 tỷ đồng và chính sách tiền tệ chặt hơn trước càng chứng tỏ tốc độ tăng trưởng tín dụng gần 40% năm 2007 của nhiều ngân hàng không bền vững.
Rồi cuộc đua tăng lãi suất mà hậu quả cả nền kinh tế sẽ phải gánh chịu
đã cho thấy nguy khó của số đông đôi khi là cơ hội cho những ai biết
lợi dụng.


vnn