Giải tỏa

Sau nhiều ngày "lạc" mất màu xanh thị trường chứng khoán Việt Nam đã được giải tỏa trong phiên giao dịch ngày 28/4, ngày áp chóp của tháng 4 khó khăn. Không khó để lý giải nguyên nhân của cuộc đảo chiều này: Xuất phát từ hy vọng của các nhà đầu tư với "giải pháp mạnh" có thể đến trong thời gian tới. Vẫn còn nhiều vấn đề cần "mổ xẻ" nhưng hãy "vui lên" sau những ngày lo lắng.

Kết thúc ngày giao dịch, Ha có phiên tăng điểm thứ 2 liên tục, với 2, 16 điểm tăng thêm Ha nhích lên 171, 11 điểm, bỏ lại "mốc" kháng cự 165. ACB, tiếp tục là đầu tàu "kéo" thị trường đi lên, mặc dù về khối lượng giao dịch KLS mới là cổ phiếu có khối lượng giao dịch thành công lớn nhất trong ngày, với 62.060 cổ phiếu. Trên Ha, có đến 77 cổ phiếu tăng giá, 13 cổ phiếu đứng giá còn số cổ phiếu giảm giá là 45. Xét về khối lượng giao dịch, các cổ phiếu có lượng giao dịch lớn nhất là: KLS, ACB, PVS, PVI, DBC, HPC. Đáng chú ý, cầu thường được tăng mạnh vào nửa cuối ngày giao dịch, dư mua đã áp đảo dư bán, chứng tỏ, các nhà đầu cơ nhận định, chỉ số HaSTC - Index đã chạm "đáy" nên bắt đầu tăng cầu, gom hàng. Thực tế, trên sàn chứng khoán, những nhà đầu tư "cổ cồn trắng" khá bình thản với biến động trên bảng điện tử, trong khi đó, những nhà đầu tư nhỏ rất chăm chú quan sát, những câu nói thể hiện sự tiếc rẻ khi không còn tiền để gom hàng ngày một nhiều.

Theo chúng tôi, phiên giao dịch cuối cùng của tháng 4, 29/4, sau đó thị trường nghỉ lễ dài ngày ( 5 ngày ) Ha sẽ có phiên tăng điểm thứ 3 liên tục và ACB tiếp tục là cổ phiếu đóng góp quan trọng nhất vào sự leo dốc của sàn Hà Nội. Phiên giao dịch ngày hôm nay, khối lượng khớp thành công của ACB tương đối thấp, 34.120 cổ phiếu, chứng tỏ, cung của mã này sẽ còn giảm, trước sức cầu đang áp đảo, người bán sẽ găm giữ chờ giá lên, còn người mua, có gắng gom lượng hàng "nhỏ giọt" được "tung" ra. Ngoài ACB, KLS, PVIPVS sẽ tiếp tục được giao dịch sôi động, DBC, khá hấp dẫn với lợi nhuận quý 1 năm 2008 tăng đột biến gần bằng lợi nhuận cả năm 2007. Bên cạnh đó, nhà đầu tư có thể bán ra hoặc thận trọng với vài mã cổ phiếu "mãi vẫn xanh" như MIC, thị trường mới tạm giải tỏa khi trở về mốc kháng cự, không nên mua "mọi giá".

Khỏi phải nói, các nhà đầu tư chờ đợi phiên đảo chiều của Ho như thế nào? Đã có nhiều thời điểm trước đây, nhà đầu tư hy vọng Ho đảo chiều, nhưng hy vọng mãi chỉ là hy vọng. Bởi Ho, chịu tác động rất lớn từ nhận định về chính sách của ngân hàng nhà nước với thị trường vốn. Sau khi, ngân hàng nhà nước công bố và thực sự hỗ trợ các ngân hàng cổ phần nhỏ để đảm bảo khả năng thanh khoản, chỉ số VN - Index đã tích cực hơn. VN - Index chỉ thực sự được giải tỏa khi có những thông tin "nhỏ giọt" về buổi làm việc giữa ủy ban chứng khoán nhà nước và bộ tài chính. Tuy chưa có thông tin gì được khẳng định, nhưng theo nguồn tin của chúng tôi, tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài chính là giải pháp mạnh mà ủy ban từng đề cập. Bên cạnh đó, lần đầu tiên, các cơ quan quản lý thảo luận về "tình huống khủng hoảng" của thị trường, cũng như việc thành lập quỹ bình ổn thị trường.

Thực tế, phiên giao dịch ngày 28/4, VN - Index đã tăng 3, 54 điểm lên 519, 42 điểm. Có đến 90 cổ phiếu tăng giá, một sự "giải tỏa" mạnh mẽ, 10 cổ phiếu đứng giá và 53 cổ phiếu giảm giá. Giá trị và khối lượng giao dịch thành công cũng khả quan hơn, với gần 10 triệu chứng khoán tương ứng giá trị 450 tỷ đồng được giao dịch thành công. Dư mua ở nhiều mã tăng mạnh, nhiều mã không có dư bán, cũng như sàn Hà Nội, nửa sau ngày giao dịch sôi động và khẳng định xu hướng tăng điểm của thị trường. Rõ ràng, giải quyết vấn đề: tự do hóa lãi suất thị trường vốn có tính chất quyết định, vừa chấm dứt tình trạng căng thẳng về đầu vào của hệ thống ngân hàng, vừa tác động tích cực đến khối cổ phiếu giải chấp. Khả năng, tự do hóa thị trường vốn là không tránh khỏi, khi CPI 4 tháng đầu năm 2008 đã vượt 11%, nên quyết định hỗ trợ của NHNN đối với các ngân hàng cổ phần nhỏ, chính là bước đệm để NHNN chính thức "dỡ" lãi suất "trần" 11%.

Theo nhận định của chúng tôi, "giải pháp mạnh" nếu có, không phải là cách tốt nhất để vực thị trường chứng khoán Việt Nam bình ổn lập tức, nhưng mở room cho các nhà đầu tư ngoại qua đó thu hút thêm các quỹ và công ty quản lý quỹ 100% vốn nước ngoài đầu tư trên thị trường Việt Nam là cần thiết. Bởi thị trường cần những động lực mới, còn trước mắt, trong tháng 5 tới, lãi suất và khả năng quản trị của hệ thống ngân hàng sẽ quyết định đến VN - Index. Phiên giao dịch cuối cùng của tháng 4, VN - Index tiếp tục tăng điểm, khối lượng và giá trị giao dịch tăng khá mạnh, vì nhiều nhà đầu cơ lớn nhận định, đây vẫn là thời điểm gom hàng, dù tín hiệu hỗ trợ thị trường còn cần thời gian để hiện thực hóa.

Phạm Hùng Vỹ