[quote user="Pham Hung Vy"]

Bất Ngờ?

Sau khi cán "mốc" 550 điểm, thị trường chứng khoán Việt Nam không thể duy trì đà hồi sinh trước xu thế bán ra ào ạt của cả nhà đầu tư cá nhân và tổ chức.Dù khối lượng và giá trị giao dịch của thị trường vẫn ở mức cao, nhưng điều đáng lo lắng là tính ổn định và có thể dự báo về xu thế của thị trường là vô cùng khó lường. Vậy, sau 4 ngày nghỉ lễ vừa qua, liệu bất ngờ có xuất hiện trên thị trường chứng khoán Việt Nam? Theo nhận định của chúng tôi, kết thúc tuần giao dịch, thị trường sẽ tăng nhẹ, xu thế tăng điểm khó khăn của thị trường sẽ rõ nét hơn, nếu phiên giao dịch ngày 16/4, các chỉ số VN - Index và HaSTC - Index cùng đảo chiều, tăng nhẹ.


Tại sao, chúng tôi đặt niềm tin vào khả năng đảo chiều của thị trường trong thời điểm này?

Đó là: Động lực mua vào được duy trì vững từ các nhà đầu tư nước ngoài.

Điều này được thể hiện qua tỷ lệ mua vào tăng dần qua các ngày giao dịch trong tuần giao dịch từ ngày 7/4 đến 11/4 của nhà đầu tư nước ngoài, càng rõ nét hơn trong 2 ngày 10/4 và 11/4, trong khi người bán vẫn ào ạt còn người mua chùn tay, thì nhà đầu tư nước ngoài trở thành lực lượng nâng đỡ thị trường với trên 50% giá trị giao dịch toàn thị trường. Động thái này trái ngược hoàn toàn so với nội dung có phần kém lạc quan của HSBC về thị trường chứng khoán Việt Nam, đồng thời hé lộ một số nhận định đáng chú ý về nhà đầu tư nước ngoài:

Một là: Nhà đầu tư nước ngoài đánh giá khá lạc quan về trung và dài hạn của nền kinh tế Việt Nam.
Hai là: Nhà đầu tư nước ngoài đang nắm giữ một khối lượng lớn cổ phiếu Việt Nam, tuy thị trường chứng khoán Việt Nam sụp giảm mạnh, đồng nghĩa, nhà đầu tư nước ngoài "lỗ nặng" nhưng với tiềm lực tài chính, kinh nghiệm cùng khả năng vận động hành lang.Nhà đầu tư nước ngoài sẽ tiếp tục mua vào, họ tạo cho cộng đồng đầu tư niềm tin về tương lai của thị trường và chờ đợi thị trường tăng trưởng "nóng" trở lại nhằm hiện thực hóa lợi nhuận.


Ngoài động lực từ khối ngoại, chúng ta cũng nên đặt câu hỏi: tại sao vẫn có hàng trăm tỷ đồng giá trị chứng khoán được nhà đầu tư trong nước mua vào trong những ngày vừa qua? Trong cùng thời điểm đó, thị trường bị tác động của nhiều yếu tố bất lợi, như: chu kỳ hiện thực hóa lợi nhuận của nhà đầu tư, nhà đầu tư phân tâm về thông tin từ báo cáo thường niên của HSBC, làn sóng bán ra của ngân hàng và công ty chứng khoán. Đặc biệt là thông tin "rỉ tai" trong cộng đồng đầu tư về khả năng thị trường chứng khoán Việt Nam không thể kháng cự "mốc" 500 điểm.

Phải chăng, các nhà đầu cơ giá xuống đang "làm giá" thị trường hòng trục lợi? Vì họ nhận định, tâm lý nhà đầu tư được ổn định xuất phát từ sự can thiệp hành chính của cơ quan quản lý nhà nước, điều này đồng nghĩa với khả năng: nếu thị trường "có biến" nhà nước sẽ lại "can thiệp" để "cứu hộ" thị trường lên "mốc" an toàn tương đối.Lúc đó, họ lại tung hàng "giá rẻ" ra bán, như vậy là họ luôn "khỏe" bất chấp thị trường ra sao. Về vấn đề này, chúng tôi đã khuyến cáo, các cơ quan quản lý nhà nước không nên điều hành thị trường hoặc xây dựng chính sách tạo cho cộng đồng đầu tư tâm lý: Nhà nước sẵn sàng "cứu hộ" thị trường.


Một động thái khác rất đáng lưu ý trên thị trường tiền tệ là quyết định số 09/2008/ QD - NHNN, theo quyết định này, ngân hàng nhà nước sẽ thu hẹp đối tượng được vay ngoại tệ. Cụ thể, những đối tượng mà các tổ chức tín dụng kinh doanh ngoại hối có thể cho vay, gồm:

Một là: Để thanh toán cho nước ngoài tiền nhập khẩu hàng hoá, dịch vụ phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Hai là: Để trả nợ nước ngoài trước hạn.
Ba là: Để đầu tư trực tiếp ra nước ngoài theo quy định của pháp luật về đầu tư và hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước.


Theo phân tích của chúng tôi, ngân hàng nhà nước ban hành quyết định 09 không ngoài mục tiêu ổn định thị trường ngoại hối.Và những hệ lụy có thể chịu tác động của quyết định này, gồm:

Một là: Nhập khẩu. Với 7,4 tỷ USD nhập siêu trong quý I đã tạo sức ép vô cùng lớn đến khả năng cân bằng vãng lai, đẩy tỷ giá USD/VND tăng lên. Do vậy, chính phủ sẽ siết chặt nhập khẩu trong những quý còn lại của năm 2008, các doanh nghiệp thương mại và nhập khẩu sẽ gặp khó khăn, trong khi các doanh nghiệp xuất khẩu, thay thế nhập khẩu có cơ hội tăng trưởng mạnh.
Hai là: Việt Nam sẽ giám sát luồng vốn đầu tư gián tiếp. Sau khi bài toán cân bằng vãng lai được giải quyết, chính phủ Việt Nam có thể giám sát luồng vốn đầu tư gián tiếp, như vậy, tác động của việc giám sát sẽ không ảnh hưởng đến thị trường tiền tệ và hệ thống ngân hàng. Mặt khác, việc giám sát luồng vốn tăng trưởng "nóng" trong thời gian vừa giúp thị trường chứng khoán Việt Nam tránh được nguy cơ rút vốn hàng loạt của các nhà đầu tư ngoại, vừa tạo động lực làm ăn lâu dài cho các nhà đầu tư đã gắn bó với Việt Nam.Hiện, dự thảo về vấn đề này đang được tham vấn rộng rãi và sẽ được ban hành trước tháng 6.
Ba là: Thể hiện nhất quán, nỗ lực kiềm chế lạm phát của chính phủ Việt Nam.Bên cạnh nỗ lực lành mạnh hóa thị trường tài chính - chứng khoán - ngân hàng, ổn định mặt bằng giá cả thông qua quyết tâm ổn định giá các nguyên liệu đầu vào quan trọng.Chính phủ Việt Nam sẽ thực hiện chính sách lãi suất thực dương, nhằm "hút" lượng tiền nhàn rỗi trong dân về ngân hàng, thay vì để lượng tiền này "đầu tư mạo hiểm" vào 2 thị trường nhiều rủi ro là Vàng và bất động sản. Điều đó, giải thích cho lệnh của thủ tướng về việc dỡ bỏ trần lãi suất huy động.


Phản ứng trước thông tin này, dư luận và 1 số ngân hàng lo ngại, mặt bằng lãi suất mới sẽ hình thành, có thể lên tới 15%/ năm, kéo theo đó là lãi suất cho vay sẽ tăng lên, các doanh nghiệp sẽ khó khăn hơn. Về lý thuyết sẽ là như vậy, nhưng với thực tế lạm phát đã là 2 con số như hiện nay, nếu duy trì trần lãi suất 11% thì chính sách lãi suất thực dương sẽ phá sản, tiền nhàn rỗi trong dân sẽ không được "hút" về mà đầu cơ lòng vòng vào những thị trường rủi ro cao như Vàng và bất động sản.

Trong nhiều năm trước đây, Việt Nam theo đuổi chính sách lấy tăng trưởng kinh tế là mục tiêu số 1, nên nhiều doanh nghiệp yếu kém đã được bảo trợ hoặc hà hơi tiếp sức bằng nguồn tín dụng từ hệ thống ngân hàng. Nay, lạm phát đã "phân loại" sự thích ứng và khả năng cạnh tranh của hệ thống doanh nghiệp, cùng với đó là thâm hụt ngân sách khá lớn ( có thể trên 5% GDP) buộc chính phủ phải hy sinh tăng trưởng, cũng đồng nghĩa với sự thanh lọc những doanh nghiệp yếu kém. Thực hiện chính sách lãi suất dương là một quyết định khó khăn của chính phủ nhưng cần thiết, những dự án kém khả thi của doanh nghiệp phải chấm dứt, các doanh nghiệp phải nghiên cứu thị trường, cải tiến công nghệ, thực hành tiết kiệm, đồng thời duy trì động lực tăng trưởng.


Đây mới thực sự là dấu hiệu lạc quan để các nhà dầu tư duy trì động lực nắm giữ cổ phiếu hoặc mua vào cổ phiếu trước bối cảnh: một mặt bằng giá cổ phiếu mới được xác lập. Theo chúng tôi, các tổ chức phát hành cần "lên tiếng" thể hiện những nỗ lực - quyết tâm của doanh nghiệp, cụ thể, doanh nghiệp nên công bố kịp thời - đầy đủ - chính xác, những kế hoạch thực hành tiết kiệm, cải tiến công nghệ, quản trị rủi ro, nghiên cứu và mở rộng thị trường của doanh nghiệp, với những "mốc" thời gian, những con số kết quả, những giải pháp cho các tình huống khác nhau. Còn các ngân hàng, công ty chứng khoán, nên công bố số liệu chứng khoán trong diện giải chấp, thời điểm đáo hạn, các phương án xử lý cùng những đề xuất cụ thể cần cơ quan quản lý hỗ trợ.

Với nhiều tác động tích cực như vậy, cán cân cung - cầu của thị trường sẽ có biến động, tâm lý của thị trường tăng dần yếu tố lạc quan, tin đồn và đầu cơ giá xuống không còn đất để tồn tại, cơ quan quản lý thị trường có cơ sở để trả lại biên độ bình thường, giảm các "can thiệp" hành chính vào thị trường.Tất cả đang chờ, kết quả phiên giao dịch ngày 16/4.


Phạm Hùng Vỹ


Nguồn:


[url="http://360.yahoo.com/my_profile-jdhpnxQnYrat3WxWYzyJusc-;_ylt=Au9uv6Lfs8cekYz6Ho4nMnC0AOJ3?cq=1">